Cho dù bạn đang muốn thay đổi hoàn toàn sự nghiệp hay xác định lại ý nghĩa công việc hiện tại, thì quá trình này có thể sẽ ít nhiều khó khăn. Vì vậy, để hoạch định một kế hoạch, với những gì bạn muốn và không muốn thay đổi, nhằm mục đích cuối cùng là có một sự nghiệp đầy ý nghĩa như kỳ vọng, hãy tham khảo phương thức 3 chữ P: gồm mục đích (Purpose), con người (People) và tốc độ (Pace).
Mục đích
Xác định mục đích sống và công việc nghe có vẻ cao siêu, nhưng không hẳn. Về cơ bản, mục đích bao gồm hai điều: biết bạn muốn phục vụ và trao quyền cho ai và bằng phương pháp nào.
Một lối tắt để khám phá ra mục đích của bản thân là nhớ lại lần cuối cùng bạn kết thúc một ngày dài với cảm giác tràn đầy năng lượng và tự hào với những gì mình làm được là khi nào. Nhớ lại những lý do giúp bạn hứng khởi thay vì kiệt sức hôm đó, vì ngày đó là khoảnh khắc bạn sống đúng với giá trị và sứ mệnh của mình.
Tự hỏi bản thân:
- Nguyên nhân nào thu hút sự chú ý của bạn và kêu gọi bạn hành động?
- Bạn muốn sử dụng thời gian, tiền bạc và tầm ảnh hưởng của mình để phục vụ các giá trị cốt lõi của mình ra sao?
- Những hành động, chuyên môn và đóng góp nào tạo nên di sản lý tưởng của bạn?
Lưu ý rằng những câu hỏi này không liên quan đến bộ kỹ năng, kinh nghiệm hoặc năng lực cốt lõi của bạn. Đó là bởi vì công việc phù hợp đích thực sẽ giúp bạn phát triển kỹ năng theo nó, chứ không phải ngược lại. Những người khốn khổ là những người thiết kế sự nghiệp bản thân theo lý tưởng và sự danh giá mà gia đình và xã hội áp đặt. Còn những người hạnh phúc và thành công là những người trung thực và tương hợp với những gì họ cần làm, với tốc độ và quy mô lý tưởng của họ.
Con người
Chúng ta làm việc với ai là một chỉ số thường bị bỏ qua về tiềm năng phát triển cá nhân và định hướng nghề nghiệp của chính mình. Bởi lẽ, những người làm việc trực tiếp với bạn sẽ bổ sung cho bạn những kiến thức chuyên môn, các kỹ năng lãnh đạo và kinh nghiệm phát triển bản thân.
Vì vậy, tìm kiếm cộng sự phải gồm những người mà bạn không chỉ yêu thích mà còn cả những người bạn muốn trở thành giống như họ, và những người giúp bạn bộc lộ những điều tốt nhất mình có, phù hợp với các giá trị cá nhân của bạn.
Tự hỏi bản thân:
- Những người nào là hiện thân lý tưởng của bạn về tham vọng, sự cân bằng, chuyên môn và ưu tiên?
- Ai là những nhà lãnh đạo (trong công ty, cộng đồng của bạn và thế giới), những người có kỹ năng và danh tiếng mà bạn hy vọng sẽ phát triển như họ?
- Bạn cần người cố vấn và nhà tài trợ nào để tạo ra trách nhiệm và cơ hội?
Làm thế nào để bạn có thể dành nhiều thời gian hơn cho những người đồng nghiệp này, những người truyền cảm hứng, nâng đỡ bạn và mở ra cánh cửa cơ hội cho bạn? Cân nhắc xem bạn có đang được thúc đẩy bởi một nhóm cộng sự có tính cạnh tranh hoặc cộng tác hay không. Nếu đội ngũ hiện tại của bạn không phù hợp với lý tưởng, hãy tìm kiếm những người cố vấn và cộng tác trong tổ chức lớn hơn, trong cộng đồng của bạn hoặc trong cộng đồng trực tuyến.
Tốc độ
Tốc độ mong muốn của bạn được xác định bởi mục tiêu và hoàn cảnh sống hiện tại. Vì vậy, hình mẫu lý tưởng của bạn có thể thay đổi theo thời gian. Sự thất vọng xảy đến khi nhu cầu nghề nghiệp và cá nhân không phù hợp với nhau. Để cố gắng tìm ra sự cân bằng phù hợp, hãy tự hỏi bản thân:
- Tần suất bạn mong đợi để nâng cao kỹ năng và chuyên môn của mình trong giai đoạn này của sự nghiệp ra sao?
- Giai đoạn lý tưởng của bạn để tiến bộ là gì? Bạn đang trong giai đoạn chạy nước rút hay marathon của sự nghiệp?
- Bạn muốn đóng vai trò gì trong việc thực hiện các thay đổi và đóng góp nơi mình làm? Bạn muốn lãnh đạo từ phía trước hay đóng vai trò hỗ trợ?
Cân nhắc xem môi trường hiện tại của bạn có phù hợp với những câu trả lời này không. Bạn có khao khát cuộc phiêu lưu và áp lực của một công ty khởi nghiệp ở giai đoạn đầu; hay sự phát triển và quy trình đã hình thành của một công ty kế thừa? Hãy nhớ rằng sự khác biệt giữa kiệt sức và hài lòng nằm ở ý nghĩa đằng sau nỗ lực của bạn, và sự phù hợp của kỳ vọng về hiệu suất.
Cách đánh giá sự phù hợp giá trị bản thân với cơ hội nghề nghiệp
Lựa chọn bước đi tiếp theo trong sự nghiệp là một trải nghiệm đầy sức mạnh khi bạn biết chính xác những gì bạn làm và không muốn làm với vai trò sắp tới. Điều này cho phép bạn sắp xếp công việc phù hợp với các ưu tiên và giá trị của mình; tránh bị ảnh hưởng bởi tiền bạc, chức danh hoặc các yếu tố khác không mang lại sự hài lòng cho bản thân.
Cho dù bạn đang tham gia một quá trình phỏng vấn chính thức cho một vai trò mới hay chỉ đơn giản là đánh giá lại công việc hiện tại, dưới đây là một số câu hỏi để giúp bạn đo lường sự phù hợp đó.
Mục đích (văn hóa)
- Niềm đam mê và mục đích nào gắn kết các thành viên trong nhóm ngoài trách nhiệm công việc của họ?
- Mục tiêu nào thúc đẩy những người giỏi giang nhất tại công ty này?
- Công ty/ đội ngũ này muốn tạo ra di sản gì?
Con người (động lực và khuyến khích)
- Những đặc tính nào của nhân viên là tốt nhất trong tổ chức này?
- Đội ngũ /công ty này đầu tư lâu dài vào việc phát triển và giáo dục nhân viên thế nào?
- Ưu tiên ngắn hạn và dài hạn trong vai trò hiện tại của bạn là gì?
Tốc độ (lãnh đạo và tầm nhìn)
- Đội ngũ này khuyến khích và đo lường các kết quả công việc khi nào và như thế nào?
- Ban quản lý phản ứng thế nào với những đồng đội kém hiệu quả và gặp khó khăn?
- Những người giỏi giang nhất được hướng dẫn như thế nào để thăng tiến và thoát khỏi tình trạng kiệt sức?
Để có bước chuyển mình trong sự nghiệp, nên nhớ rằng những người không dành thời gian để đánh giá giá trị của bản thân và tìm sự liên kết với các nhóm và nhà tuyển dụng sẽ trở nên trì trệ, và cuối cùng bị kiệt sức hoặc mất cơ hội thăng chức.
Tìm một nhà tuyển dụng và vai trò phù hợp với giá trị bản thân có thể kích hoạt những cơ hội mà bạn chưa nghĩ đến hoặc thậm chí chưa nhận thấy trước đây. Bạn có thể cân nhắc nhận một công việc với một chức danh khác so với trước đây. Vì những đóng góp bạn sẽ làm và kiến thức chuyên môn bạn sẽ đạt được, cũng như phẩm chất của đồng đội và cơ hội thăng tiến trong tương lai, biết đâu lại chính là những gì bạn thực sự muốn. Đây là cách bạn nắm bắt những cơ hội mà nếu không, bạn sẽ tiếp tục một sự nghiệp mờ nhạt.
(theo Harvard Business Review)