Chúng ta đều biết rằng tiền bạc là bước đệm cho một mối quan hệ. Tiền có thể làm cho tình cảm giữa con người trở nên khăng khít hơn, nhưng cũng có thể khiến cho mọi thứ đổ vỡ trong phút chốc. Đừng vay tiền của bạn mình một cách dễ dàng rồi quên mất, trừ khi bạn muốn mất đi người đã giúp đỡ mình.
Trong cuộc sống đã có rất nhiều trường hợp cho người khác vay tiền nhưng không được trả lại đúng hạn dẫn đến xích mích và mất lòng nhau. Dưới đây là một câu chuyện như thế:
Tháng trước, một người bạn hỏi vay tiền của Tiểu Lý. Dù không dư giả gì và chỉ còn đúng 40.000 tệ trong ví, nhưng thấy người bạn lâu năm của mình cần tiền gấp nên anh mới hỏi: "Cậu cần bao nhiêu?"
Người bạn này nói: "Tớ còn thiếu 80.000 tệ là có thể hoàn tất thủ tục mua nhà. Cậu có thể cho tớ vay 40.000 trước được không, sau này tớ trả". Tiểu Lý nghe vậy đã cho bạn vay 30.000 tệ, còn 10.000 giữ lại phòng thân.
"Vay bao nhiêu?" là câu mà những người nhẹ dạ cả tin thường hỏi đầu tiên khi có người tìm đến vay tiền. (Ảnh:Internet)
Thế nhưng gần đây, anh không thể liên lạc với người bạn này để lấy lại số tiền đã cho mượn. Bằng cách này hoặc cách khác, người này luôn có lý do để tránh mặt Tiểu Lý. Sau cùng, anh buồn rầu nhận ra lòng tốt của mình đã bị lợi dụng mà chẳng hay.
Ở câu chuyện trên, thực ra ngay khi Tiểu Lý hỏi câu: "Cậu cần vay bao nhiêu?" thì tiền bạc của anh đã ''nằm sẵn'' trong túi người khác rồi.
"Vay bao nhiêu?" là câu mà những người nhẹ dạ cả tin thường hỏi đầu tiên khi có người tìm đến vay tiền. Chính vì vậy, khi ai đó hỏi vay tiền, đừng vội hỏi câu đó ngay mà hãy ghi nhớ điều sau đây để gia tăng khả năng lấy lại tiền và hạn chế rủi ro "tiền bay đi mất".
Đầu tiên, hãy hỏi người kia mục đích và lý do vay. Sau đó, đừng quên hỏi thời điểm mà họ trả tiền. Đây là nguyên tắc quan trọng khi ai đó vay tiền bạn, nếu lý do phù hợp thì bạn có thể giúp họ trong khả năng của bản thân, còn không thì nên từ chối khéo léo hoặc giảm số tiền cho vay càng ít càng tốt. Nên nhớ ấn định một mốc thời gian nhất định để người mượn trả tiền, tránh tình trạng họ "vay mà không có ý định trả".
Nếu lý do đối phương vay tiền là để đầu tư hoặc muốn sử dụng tiền như một giá trị gia tăng, độ rủi ro rất cao thì tốt nhất bạn đừng cho vay. Trong những trường hợp này, người kia thường dễ bị lún sâu và muốn đầu tư lâu dài, nhỡ mất trắng thì lấy đâu ra tiền trả lại cho bạn?
Chỉ có hai tình huống đáng để cho người khác vay tiền:
Thứ nhất là để cứu người. Tức là khi có người thân quen cần tiền gấp để xoay sở khi sức khỏe có vấn đề hay những việc cấp thiết khác, lúc này, bạn có thể dốc hết sức lực cho người ấy vay.
Tình huống thứ hai là khi bạn biết và hiểu rõ tính cách của đối phương. Nếu họ là người uy tín, minh bạch, họ sẽ trả tiền cho bạn đúng thời hạn thì hãy cho vay. Còn nếu không, hãy học cách từ chối lịch sự.
Từ chối cũng là một kỹ năng quan trọng đòi hỏi sự khéo léo và EQ cao. Nếu từ chối mà không thuận lòng đôi bên sẽ khiến mối quan hệ của cả hai xấu đi, thậm chí là trở mặt, từ bạn hóa thành thù.
Nhiều người luôn nghĩ rằng mối quan hệ giữa hai bên đã đủ quen biết hay bền chặt thì đối phương sẽ sẵn lòng cho mình vay tiền bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, tiền bạc luôn là vấn đề nhạy cảm, là thứ khó tạo ra nhưng ai cũng cần.
Hãy đặt ra nguyên tắc cho bản thân và kiên định với nguyên tắc đó, đôi khi không cần phải giữ thể diện, đối phương có thể trở mặt với bạn vì chuyện vay tiền nhưng cũng đừng quá bận tâm. Trong cuộc sống hiện đại, nhiều người càng muốn dùng tiền để đầu tư sinh lời thay vì cho mượn mà không có lãi suất. Nếu bạn bị một người giận dỗi hoặc quay lưng vì không cho người đó vay thì mối quan hệ này có lẽ cũng không cần thiết để tiếp tục nữa.
(Theo Sohu)