Lãi kỷ lục
Theo báo cáo tài chính quý IV/2023, Công ty cổ phần Sữa Hà Nội (Hanoimilk - Mã: HNM) tiếp tục ghi nhận tín hiệu khả quan. Doanh thu thuần tăng mạnh 86% so với cùng kỳ lên 207 tỷ đồng, con số cao nhất trong lịch sử và tương đương thu 2,25 tỷ đồng mỗi ngày.
Do giá vốn tăng nhanh, lợi nhuận gộp theo đó chỉ còn tăng 22% so với cùng kỳ đạt mức trên 30 tỷ đồng, tương ứng biên lãi gộp rơi về mốc dưới 15%.
Trừ các chi phí hoạt động chung, công ty ngành sữa có lợi nhuận trước thuế gần 12 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế chỉ còn 3,3 tỷ đồng, giảm 67% do cùng kỳ năm ngoái không chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.
Tính chung cả năm, Hanoimilk lần đầu cán mốc doanh thu trên 700 tỷ đồng, tăng 45% so với năm liền trước. Lợi nhuận sau thuế tăng trưởng 9% lên mức gần 42 tỷ đồng, là con số lãi kỷ lục trong lịch sử kinh doanh.
Khoản lợi nhuận này cũng giúp doanh nghiệp gần như xóa được lỗ lũy kế đã xuất hiện dai dẳng trên báo cáo tài chính từ quý III/2017 đến nay (chỉ còn -360 triệu đồng tại thời điểm cuối năm 2023).
Hanoimilk chính thức được thành lập năm 2001 và đi vào hoạt động với dây chuyền sản xuất sữa công suất 40 triệu lít mỗi năm. Đây từng là một thương hiệu sữa vang bóng một thời với các nhãn hiệu nổi tiếng như IZZI, Yotuti, sữa tươi HanoiMilk 100%, sữa chua HanoiMilk…
Công ty đạt đỉnh điểm kinh doanh giai đoạn 2005-2007 với dòng sản phẩm IZZI chiếm lĩnh thị trường nội địa. Tuy nhiên, tình hình kinh doanh xấu đi nhanh chóng sau "cơn bão melamine" ở Việt Nam, mà Hanoimilk là tâm điểm của biến cố.
Sau giai đoạn tái cấu trúc, doanh nghiệp đang dẫn hoạt động hiệu quả trở lại từ năm 2020 đến nay và đang liên tục thiết lập các đỉnh cao mới trong kinh doanh, sức khỏe tài chính theo đó cũng ổn định hơn.
Tổng tài sản của doanh nghiệp mở rộng thêm 37% trong năm vừa qua để leo lên mốc gần 700 tỷ đồng, phần lớn nằm ở hàng tồn kho và phải thu khách hàng. Công ty hiện chỉ có vay nợ ngắn hạn hơn 89 tỷ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu/nợ phải trả là hơn 1,8 lần.
Mảng gia công đóng góp lớn hơn
Hoạt động kinh doanh có lợi nhuận tăng nhanh nhưng quy mô hoạt động của Hanoimilk vẫn còn khiêm tốn so với ngành sữa. Sự trở lại của thương hiệu IZZI không quá nổi bật trên các kệ hàng, trong khi mảng gia công tăng nóng để đóng góp quan trọng vào tăng trưởng chung.
Lãnh đạo doanh nghiệp cho biết đã đẩy mạnh và ghi nhận doanh thu hoạt động gia công tăng nhanh từ năm 2020, ngày càng đóng góp tỷ trọng lớn hơn vào hoạt động chung.
Ban giám đốc Hanoimilk từng nêu rõ mục tiêu trở thành nhà máy gia công lớn nhất ở phía Bắc. “Nhà máy chế biến Hanoimilk ngày càng có nhiều đối tác ký hợp đồng gia công và hợp tác đầu tư. Công ty đang đứng trước những cơ hội to lớn để tăng trưởng”, báo cáo thường niên 2021 viết.
Chủ tịch HĐQT Hà Quang Tuấn tiết lộ tỷ trọng hoạt động gia công chiếm đến 40% tổng nguồn thu trong năm 2022 (tăng trưởng 155%) và dự kiến sẽ tăng lên 50% trong năm 2023, con số cụ thể sẽ thay đổi vào điều kiện kinh doanh.
"Tuy nhiên công ty vẫn ưu tiên số 1 cho bán hàng trong nước, ưu tiên số 2 là bán hàng cho các đối tác ủy thác gia công, ưu tiên số 3 là các đối tác chỉ thuê gia công", ông Tuấn nói trong kỳ họp hồi tháng 6/2023 về chiến lược chỉ nhận gia công khi nhà máy còn dư công suất.
Trong quá trình tái cấu trúc, công ty sữa đã xử lý tài chính khi hoàn tất chào bán riêng lẻ 24,4 triệu cổ phiếu, qua đó tăng mạnh vốn điều lệ từ 200 tỷ lên 444 tỷ đồng trong năm vừa qua. Phần lớn cổ phiếu phát hành (14,4 triệu cổ phiếu) là để "xóa nợ" với các đối tác và còn lại 10 triệu cổ phiếu nhằm huy động tiền mặt 100 tỷ đồng để mua máy rót sữa và nguyên liệu.
Hanoimilk hiện có nhà máy chế biến sữa 5 ha gần Hà Nội, sử dụng dây chuyền đồng bộ từ hãng Tetra Park và dự kiến đầu tư thêm các dây chuyền máy rót sữa A3 Speed. Lãnh đạo doanh nghiệp nói đây là lợi thế để ngày càng có nhiều đối tác ký hợp đồng gia công, có các đơn hàng gia công dài hạn đủ để sản xuất 3 ca liên tục.
Công ty dự kiến mua sắm thêm máy móc thiết bị, tăng công suất Nhà máy chế biến sữa chua ăn và sữa tiệt trùng UHT. Nguồn vốn thu từ đợt phát hành riêng lẻ trên cũng dành phần lớn cho việc mua sắm dầy chuyền rót sữa A3 Speed và trang thiết bị phụ trợ.
Ban Giám đốc còn cho biết sẽ dành ngân sách marketing nhiều hơn nhằm phát triển và tái tung các sản phẩm mới cho thương hiệu Hanoimilk và các thương hiệu con IZZI, Yotuti, Dinomilk, Yoha để tăng doanh số bán hàng.
Công ty định hướng đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm vào thị trường Trung Quốc và một số nước Đông Nam Á; hợp tác gia công cho các đối tác trong và ngoài nước; tiếp tục mua sắm trang thiết bị và tăng công suất nhà máy để phục vụ bán hàng, xuất khẩu và gia công; triển khai dự án trồng cỏ chăn nuôi bò sữa tự nhiên trong năm 2024...