Bác sĩ Tạ Thùy Linh, Phụ trách khoa Dinh dưỡng lâm sàng và tiết chế, Bệnh viện Nội tiết Trung ương, cho biết đái tháo đường (tiểu đường) type 1 là bệnh lý mạn tính, cần được điều trị suốt đời. Bệnh do hệ thống miễn dịch phá hủy các tế bào Beta sản xuất insulin của tuyến tụy. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, cũng như kiểm soát đường huyết chặt, sẽ dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm.
Trong điều trị đái tháo đường type 1, chế độ dinh dưỡng hợp lý có vai trò đặc biệt quan trọng. Bệnh nhân cần có một chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng cũng như lựa chọn những loại thực phẩm phù hợp, ít gây tăng đường huyết và dự phòng các biến chứng.
Bệnh nhân ăn quá nhiều hoặc ăn quá ít đều ảnh hưởng xấu đến kết quả điều trị bệnh. Tuy nhiên, người bệnh thường không đủ các kiến thức để tự xây dựng một chế độ ăn hợp lý. Vì vậy, để có một chế độ ăn phù hợp, cần được thăm khám và tư vấn dinh dưỡng bởi các chuyên gia dinh dưỡng lâm sàng.
Tinh bột là thành phần có vai trò quan trọng nhất trong chế độ ăn của người bệnh đái tháo đường type 1 do ảnh hưởng trực tiếp đến đường huyết của người bệnh. Các thực phẩm chứa nhiều tinh bột bao gồm cơm, bún, phở, bánh mì, ngô, khoai, sắn, bánh kẹo, trái cây, nước ngọt... Việc sử dụng quá nhiều các thực phẩm chứa tinh bột là nguyên nhân gây tăng đường huyết thường gặp nhất ở người bệnh đái tháo đường típ 1.
Vì vậy, bệnh nhân cần ăn số lượng tinh bột vừa phải và dựa theo nguyên tắc thay thế lượng tinh bột tương đương. Tức là nếu ăn thêm các thực phẩm chứa tinh bột như bún, phở, ngô, khoai, sắn thì cần giảm lượng cơm tương ứng. Việc lựa chọn các loại thực phẩm ít gây tăng đường huyết cũng cần được chú trọng. Trong đó, cần hạn chế các loại thực phẩm gây tăng đường huyết nhanh như bánh mỳ trắng, bánh bông lan, xôi nếp, nước ngọt, bánh kẹo ngọt.
Nhiều lại trái cây mọng nước như nhãn, vải, nho cũng gây tăng đường huyết nhanh, không nên lạm dụng. Bệnh nhân nên lựa chọn những loại ngũ cốc nguyên hạt và những thực phẩm ít gây tăng đường huyết như gạo lứt, bánh mỳ đen, ngũ cốc nguyên cám; những lại trái cây ít gây tăng đường huyết như thanh long, dưa chuột, ổi, táo ta...
Bên cạnh đó việc sử dụng đủ rau xanh (tối thiểu 400-500g) mỗi ngày sẽ giúp cho việc hấp thu đường vào trong máu ổn định hơn và hạn chế gây tăng đường huyết.
Các thành phần chứa nhiều chất đạm và chất béo như thịt, cá, trứng, dầu thực vật rất ít ảnh hưởng đến đường huyết. Các thực phẩm này cần được sử dụng đầy đủ và đa dạng nhằm tránh tình trạng thiếu dinh dưỡng ở người bệnh đái tháo đường.
Tuy nhiên, những thực phẩm chứa nhiều cholesterol như thịt mỡ, da và nội tạng động vật có thể làm tăng nguy cơ xơ vữa mạch máu và dẫn đến nhiều bệnh lý tim mạch, cần hạn chế. Các thực phẩm chế biến sẵn thường chứa nhiều muối có thể dẫn đến suy thận và tăng huyết áp.
Người bệnh cũng được khuyến cáo nên tăng cường hoạt động thể chất, lựa chọn các bài tập phù hợp và tập luyện tối thiểu 30 phút mỗi ngày và tối thiểu 5 ngày mỗi tuần nhằm kiểm soát đường huyết tốt hơn, đồng thời dự phòng các biến chứng.
Ngoài những lưu ý về chế độ ăn uống, rèn luyện, sử dụng insulin đúng cách, người bị đái tháo đường type 1 cần đề phòng các biến chứng. Bởi vì, ngay cả những người kiểm soát đường huyết tốt thì vẫn có khả năng xuất hiện các biến chứng của bệnh.
Cần lưu ý đi khám nếu có triệu chứng: Kiểm tra thấy lượng đường trong máu tăng cao hơn; tê bì, dị cảm hoặc đau ở bàn chân, cẳng chân; có vấn đề về thị lực; vết loét hoặc nhiễm trùng ở bàn chân; tình trạng trầm cảm hoặc rối loạn lo âu;...