Hai năm qua, thị trường xăng dầu liên tục biến động, nhiều doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực bán lẻ nhiên liệu như Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) và Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) giữ vững thị phần, nhưng đối diện nguy cơ sụt giảm nếu xu hướng xe điện thay thế ôtô chạy xăng, dầu gia tăng nhanh.
Theo Bộ Công Thương, doanh số tiêu thụ xe máy điện tại Việt Nam tăng khoảng 30-35% trong những năm gần đây, đưa Việt Nam trở thành thị trường xe máy điện (E2W) lớn nhất khu vực ASEAN và thứ hai toàn cầu chỉ sau Trung Quốc. Thị trường ôtô điện cũng sôi động, với doanh số bán năm ngoái của các hãng tăng gần 115% so với cùng kỳ, đạt khoảng 18.000 chiếc, theo số liệu của Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA).
Làn sóng xe điện tăng nhanh khiến các "ông lớn" xăng dầu lo ngại thị phần bị ảnh hưởng và tìm cách thích ứng. Chia sẻ tại đại hội cổ đông mới đây, lãnh đạo Petrolimex và PVOil cùng cho rằng thời điểm này xe điện chưa phải rủi ro lớn với thị trường xăng dầu. Tuy vậy, họ cũng thừa nhận xu hướng này sẽ ảnh hưởng và cạnh tranh với các đơn vị bán nhiên liệu trong nước từ sau 2030.
"PVOIL thuê tư vấn trong và ngoài nước để thích ứng vấn đề này", ông Cao Hoài Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) PVOIL nói.
Để chuẩn bị cho việc này, doanh nghiệp xăng dầu chiếm gần 30% thị phần trong nước cho biết sẽ tập trung phát triển các dịch vụ phi xăng dầu (non-oil). Theo đó, công ty hợp tác với nhiều đối tác để tích hợp các dịch vụ tiện ích về thức ăn nhanh, phở, cà phê hay rửa xe, sửa ôtô, xe máy... Họ cũng hướng đến và hợp tác với đối tác Singapore thu gom dầu ăn qua sử dụng của nhà dân, bếp ăn công nghiệp để xuất sang nước này.
Theo các chuyên gia, Việt Nam sẽ không nằm ngoài cuộc chơi xe điện, bởi đây đang là lựa chọn hàng đầu trên thế giới, nhờ những ưu điểm vượt trội lấn át xe xăng như công nghệ, độ bền, chi phí sử dụng và lăn bánh. Cùng đó, xu hướng bảo vệ môi trường thông qua việc di chuyển đang được hưởng ứng nhiệt tình trên thế giới và ngày càng lan rộng sang Việt Nam.
Ngoài phát triển các dịch vụ non-oil, các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu tìm cách bắt tay với nhà sản xuất xe điện. Từ tháng 7/2022, PVOIL đã hợp tác với VinFast phát triển các trạm sạc để tận dụng cơ hội xe điện mang lại. Đến nay hơn 322 cửa hàng xăng dầu thuộc doanh nghiệp này có trạm sạc xe điện.
Hợp tác này, theo lãnh đạo PVOIL tạo ra doanh thu, lợi nhuận tốt đối với các đơn vị thành viên của họ. "Có cửa hàng thu lợi nhuận từ hợp tác mở trạm sạc bằng mức lãi đơn vị bán 300 m3 xăng dầu một tháng", ông Dương nói trong cuộc gặp các nhà đầu tư cuối tháng này.
Tương tự, Petrolimex - "ông lớn" chiếm hơn 50% thị phần cho biết họ nghiên cứu cơ hội đầu tư, phát triển thị trường trạm sạc và các dịch vụ gia tăng. Tập đoàn này cũng tính tới phát triển những sản phẩm năng lượng xanh, chất lượng cao. Năm 2030, tập đoàn mục tiêu có 50% doanh thu từ các sản phẩm này và tăng lên 100% vào 2045.
Năm nay, Petrolimex đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất tương ứng 188.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 2.900 tỷ. Các mức này giảm lần lượt 32% và 26% so với năm ngoái. Còn PVOIL, mục tiêu doanh thu hợp nhất đạt 83.000 tỷ đồng, giảm 19% so với cùng kỳ.
Không riêng doanh nghiệp Việt, các tập đoàn xăng dầu lớn trên thế giới cũng phải chuyển mình để thích nghi với sự cạnh tranh xe điện đem lại. Tại Trung Quốc, dự báo nhu cầu sử dụng xăng có thể giảm một nửa vào năm 2045. Hai "ông lớn" nhiên liệu là Sinopec và PetroChina đã phải thay đổi chiến lược kinh doanh.
Theo Reuters, Sinopec - công ty vận hành 21.000 điểm sạc vào cuối năm 2023 đã dành 18,4 tỷ nhân dân tệ (khoảng 2,55 tỷ USD) để xây dựng mạng lưới trạm năng lượng tích hợp, tăng 17% so với năm ngoái. Tập đoàn này có kế hoạch xây dựng 5.000 trạm sạc vào năm 2025.
Còn PetroChina - công ty vận hành 28.000 điểm sạc thông qua công ty con Potevio New Energy cho biết sẽ tập trung vào các trạm toàn diện cung cấp dầu, khí đốt, hydro và sạc. Công ty này có kế hoạch xây dựng thêm 1.000 trạm đổi pin EV trong năm nay.
Với các công ty năng lượng như Shell (Anh) và Total Energies (Pháp) đang tìm cách chuyển mình trước sự phát triển của xe điện. Shell tính đóng cửa 1.000 cây xăng, dầu để tập trung phát triển trạm sạc toàn cầu. Doanh nghiệp này dự kiến mở thêm khoảng 16.000 điểm sạc, giúp số lượng trạm sạc xe điện tăng lên 70.000 điểm vào năm 2025. Shell cũng phát triển trạm sạc đi kèm với dịch vụ cà phê, thực phẩm và các mặt hàng tiện lợi khác.