Tài chính

3 ngân hàng nào đang giữ gần 100.000 tỷ đồng của Kho bạc Nhà nước?

BIDV, VietcomBank và VietinBank vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2024. Các báo cáo cho thấy số tiền gửi của Kho bạc Nhà nước tại các ngân hàng này tăng mạnh trong 3 tháng đầu năm.

Cụ thể, tại BIDV, Kho bạc Nhà nước có số dư tiền gửi là 40.000 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn và hơn 5.500 tỷ đồng tiền gửi không kỳ hạn. Con số này tăng gấp đôi so với số dư hơn 19.000 tỷ đồng gửi vào cuối năm 2023.

Tại VietinBank, Kho bạc Nhà nước có số dư tiền gửi đến cuối quý 1/2024 là 45.445 tỷ đồng, hơn gấp đôi so với cuối năm 2023.

Số dư tiền gửi của Kho bạc Nhà nước tại Vietcombank thấp nhất trong 3 ngân hàng quốc doanh, chỉ hơn 3.300 tỷ đồng, nhưng con số này cũng gấp hơn 4 lần so với cuối 2023.

Như vậy, tổng số tiền gửi của Kho bạc Nhà nước tại 3 ngân hàng trên đạt trên 94.000 tỷ đồng.

3 ngân hàng nào đang giữ gần 100.000 tỷ đồng của Kho bạc Nhà nước?- Ảnh 1.

Trước đây, lượng lớn tiền gửi của Kho bạc Nhà nước tại các ngân hàng nằm dưới dạng tiền gửi không kỳ hạn với số dư thường xuyên duy trì ở mức cả trăm nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, từ cuối năm 2019, tiền gửi không kỳ hạn của Kho bạc Nhà nước sẽ được kết chuyển về Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước thay vì để qua đêm tại ngân hàng thương mại như trước đây. Đồng thời, các ngân hàng sẽ phải đấu thầu công khai để được nhận tiền gửi có kỳ hạn của Kho bạc.

Quy định này thúc đẩy Kho bạc Nhà nước cơ cấu lại tiền gửi tại ngân hàng theo hướng giảm tiền gửi không kỳ hạn, tăng tiền gửi có kỳ hạn. Các ngân hàng cũng được nhận các khoản tiền gửi có tính ổn định hơn.

Các khoản tiền gửi có kỳ hạn của Kho bạc Nhà nước theo quy định sẽ phải đấu thầu công khai, song cơ hội để nhận được khoản tiền khổng lồ này chủ yếu vẫn thuộc về các ngân hàng quốc doanh do nguyên tắc ''chọn mặt gửi tiền''.

Ngân quỹ Nhà nước là toàn bộ tiền mặt tại các đơn vị Kho bạc; các khoản tiền của Nhà nước có trên các tài khoản của Kho bạc mở tại Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại.

Hiện, ngân quỹ Nhà nước tạm thời nhàn rỗi được sử dụng theo các thứ tự ưu tiên, là cho ngân sách Nhà nước vay để bù đắp bội chi, trả nợ gốc và tạm ứng khi nguồn thu chưa về kịp. Số tiền này được gửi có kỳ hạn tại các ngân hàng thương mại theo nguyên tắc đấu thầu cạnh tranh lãi suất và mua lại có kỳ hạn trái phiếu Chính phủ.

Để tối đa lợi ích từ nguồn tiền nhàn rỗi, Kho bạc Nhà nước thường gửi tiền thanh toán (không kỳ hạn) và có kỳ hạn tại các ngân hàng thương mại. Đây là nguồn vốn tốt mà nhiều ngân mong muốn.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm