Doanh nghiệp

Các ông lớn nhà nước sản xuất, kinh doanh thế nào năm 2022?

Theo báo cáo của Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, tổng doanh thu của 19 tập đoàn, tổng công ty năm 2022 ước đạt 1.123.334 tỉ đồng, bằng 114% kế hoạch và 133% so với năm 2021, trừ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có lỗ đột biến do nguyên nhân khách quan.

Trong đó, 15/19 tập đoàn, tổng công ty hoàn thành và vượt kế hoạch về doanh thu; 17/19 tập đoàn, tổng công ty hoàn thành và vượt kế hoạch về lợi nhuận trước thuế; 16/19 tập đoàn, tổng công ty hoàn thành và vượt kế hoạch về nộp ngân sách nhà nước.

Ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đánh giá, trong khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19, các tập đoàn, tổng công ty thể hiện rõ vai trò nòng cốt trong một số ngành, lĩnh vực, tạo nguồn thu đáng kể cho ngân sách nhà nước, góp phần bảo đảm cân đối lớn, ổn định kinh tế vĩ mô và xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, tạo động lực phát triển cho các ngành, lĩnh vực và cả nền kinh tế.

Các ông lớn nhà nước sản xuất, kinh doanh thế nào năm 2022? - Ảnh 1.

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam về đích sớm các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh năm 2022

Đồng thời, các doanh nghiệp đã cùng chung tay thực hiện chính sách an sinh xã hội và cơ bản đã hoàn thành các nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh được giao, bảo toàn, phát triển vốn nhà nước.

Một số tập đoàn, tổng công ty đã có nhiều nỗ lực, đạt nhiều kết quả tích cực, vượt mức kế hoạch tại nhiều chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh so với những năm trước như Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem), Tập đàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc..

Đặc biệt, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) trong năm 2022 hoàn thành kế hoạch cả năm trước 4 đến 8 tháng, thiết lập mức kỷ lục về doanh thu và lợi nhuận sau 61 năm hình thành và phát triển.

Cụ thể, tổng doanh thu toàn PVN hoàn thành kế hoạch cả năm trước 4 tháng, đạt 931,2 ngàn tỉ đồng, vượt 67% kế hoạch năm, tăng 48% so với năm 2021. Năm 2022, PVN đã nộp ngân sách Nhà nước toàn hoàn thành kế hoạch cả năm trước 6 tháng, đạt 170,6 ngàn tỉ đồng, vượt 2,64 lần kế hoạch năm, tăng 52% so với năm 2021.

Lợi nhuận trước thuế hợp nhất hoàn thành kế hoạch cả năm trước 8 tháng, đạt 82,2 ngàn tỉ đồng, vượt 3,3 lần kế hoạch năm, tăng 59% so với thực hiện năm 2021- đạt kỷ lục trong 61 năm xây dựng và phát triển.

Đối với Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), mặc dù chịu tác động bởi nhiều yếu tố không thuận lợi nêu trên, nhưng với vai trò là doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu chủ đạo của Nhà nước, Petrolimex đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp đồng bộ, linh hoạt, kịp thời để vừa đảm bảo nguồn xăng dầu phục vụ nhu cầu xã hội, an ninh năng lượng quốc gia, vừa hạn chế được những tác động tiêu cực tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của tập đoàn trong năm 2022.

Các ông lớn nhà nước sản xuất, kinh doanh thế nào năm 2022? - Ảnh 2.

Petrolimex cũng đạt kết quả sản xuất, kinh doanh khả quan trong năm 2022 dù đối diện nhiều khó khăn

Tổng doanh thu hợp nhất của Petrolimex năm 2022 đạt 300.000 tỉ đồng, tương đương 125% kế hoạch và tăng 78% so với thực hiện năm 2021. Lợi nhuận hợp nhất trước thuế ước đạt 2.068 tỉ đồng.

Tập đoàn nộp ngân sách nhà nước ước thực hiện 32.000 tỉ đồng, đạt 133% kế hoạch. Tổng sản lượng xuất bán hợp nhất toàn tập đoàn năm 2022 đạt 13.759.290 m3/tấn, tương đương 113% kế hoạch và bằng 111% so với 2021.

Tập đoàn hóa chất Việt Nam (VINACHEM) năm 2022 đạt doanh thu hợp nhất trên 62.262 tỉ đồng. Đây là mức doanh thu đạt cao nhất từ trước đến nay, bằng 119% so với kế hoạch năm 2022, tăng 17% so với thực hiện năm 2021.

Một số đơn vị thuộc tập đoàn có doanh thu tăng mạnh như: Công ty CP Hóa chất Việt Trì tăng 66%, Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình tăng 48%, Công ty CP Phân đạm và HC Hà Bắc tăng 43%, Công ty CP Hóa chất cơ bản Miền Nam tăng 36%, Công ty CP DAP số 2- Vinachem tăng 22% so với năm 2021. Lợi nhuận năm 2022 của Vinachem ước đạt 6.023 tỉ đồng, tăng 3.890 tỉ đồng so với thực hiện năm 2021.

Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản (TKV) có doanh thu ước đạt 165,9 ngàn tỉ đồng, đạt 126% kế hoạch, và bằng 119% so với thực hiện năm 2021. Trong đó, doanh thu than đạt 101,6 ngàn tỉ đồng; doanh thu khoáng sản đạt 24,7 ngàn tỉ đồng; sản xuất, bán điện với 10,2 ngàn tỉ đồng; sản xuất cơ khí đạt 3,5 ngàn tỉ đồng; sản xuất, cung ứng vật liệu nổ công nghiệp đạt 6,8 ngàn tỉ đồng; sản xuất kinh doanh khác đạt 18,97 ngàn tỉ đồng.

Tập đoàn trong năm 2022 đã nộp ngân sách nhà nước 21,35 ngàn tỉ đồng, tăng 3,45 ngàn tỉ đồng so với kế hoạch. Lợi nhuận toàn tập đoàn ước đạt 8,1 ngàn tỉ đồng tăng 2,7 lần so với kế hoạch, tương đương tăng gần 5 ngàn tỉ đồng.

Năm 2022, Tập đoàn Bưu chính viễn thông (VNPT) đạt tổng doanh thu 55.209 tỉ đồng, lợi nhuận 6.629 tỉ đồng, nộp ngân sách nhà nước 5.228 tỉ đồng. Tỉ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu của tập đoàn đạt 9,35%. Đảm bảo 100% việc làm và thu nhập ổn định ở mức khá cho người lao động trong mặt bằng chung các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Các ông lớn nhà nước sản xuất, kinh doanh thế nào năm 2022? - Ảnh 3.

Tập đoàn Bưu chính viễn thông đạt tổng doanh thu 55.209 tỉ đồng năm 2022

Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam năm 2022 có tổng doanh thu hợp nhất ghi nhận 28.600 tỉ đồng (đạt 101,1%). Tổng lợi nhuận trước thuế hợp nhất 5.200 tỉ đồng (đạt 106,1% kế hoạch), nộp ngân sách nhà nước 4.000 tỉ đồng (đạt 127%).

Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc (VEC): Tổng doanh thu công ty mẹ ước đạt 5.015 tỉ đồng (bằng 124% kế hoạch); lợi nhuận trước thuế công ty mẹ ước đạt 2.176 tỉ đồng (bằng 417% kế hoạch và 1162% so với năm 2021).

Riêng đối với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, 2022 là một năm hết sức khó khăn đối với tập đoàn. Mặc dù doanh thu toàn tập đoàn ước đạt 460,7 ngàn tỉ đồng (tăng 4,31% so với 2021), trong đó doanh thu Công ty Mẹ EVN ước đạt 385,3 ngàn tỉ đồng, bằng 101% kế hoạch và tăng 11,28% so năm 2021.

Tuy nhiên, toàn tập đoàn ước lỗ 31.360 tỉ đồng do giá nhiên liệu cho sản xuất điện, tỉ giá tăng cao. EVN đã báo cáo Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các Bộ ngành cho phép điều chỉnh giá điện để giảm bớt khó khăn và có thể cân đối tài chính của EVN trong những năm tới.

Các ông lớn nhà nước sản xuất, kinh doanh thế nào năm 2022? - Ảnh 4.

EVN trải qua nhiều khó khăn khi lỗ lớn trong năm 2022

Tổng công ty viễn thông MobiFone dù đặt kế hoạch thận trọng năm 2022, vẫn không thể hoàn thành các chỉ tiêu kinh doanh. Theo đó, nhà mạng dự kiến doanh thu công ty mẹ chỉ đạt 28.329 tỉ đồng (tương đương 90% kế hoạch). Lãi trước thuế của công ty 2.713 tỉ, xấp xỉ 63% kế hoạch và giảm hơn 2.000 tỉ đồng so với năm 2021.

Trong bức tranh chung về tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2022, có 15/19 tập đoàn, tổng công ty hoàn thành và vượt kế hoạch về doanh thu; Có 17/19 tập đoàn, tổng công ty hoàn thành và vượt kế hoạch về lợi nhuận trước thuế; Có 16/19 tập đoàn, tổng công ty hoàn thành và vượt kế hoạch về nộp ngân sách nhà nước.

Đối với năm 2023, ông Nguyễn Ngọc Cảnh, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho biết các tập đoàn, tổng công ty phát huy hơn nữa vai trò nòng cốt của doanh nghiệp nhà nước trong phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện các nhiệm vụ chính trị, xã hội nhà nước giao.

Cùng với đó, đẩy mạnh đầu tư, phát triển góp phần xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ về giao thông, năng lượng, hạ tầng số, hạ tầng nông nghiệp, nông thôn,... Nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của doanh nghiệp; thực hiện quyết liệt, thực chất, có hiệu quả tái cơ cấu doanh nghiệp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước gắn với đổi mới quản trị theo các chuẩn mực tiên tiến...

Theo ông Cảnh, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, bảo đảm vai trò của doanh nghiệp trong việc phục hồi phát triển kinh tế xã hội của cả nước.

Khẩn trương xây dựng các chiến lược, kế hoạch, đề án quan trọng, điều lệ tổ chức hoạt động để trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt, làm cơ sở cho việc triển khai thực hiện, bao gồm Chiến lược, Kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm 2021 - 2025; Đề án cơ cấu lại tập đoàn, tổng công ty giai đoạn 2021 - 2025; Sửa đổi, bổ sung Điều lệ tổ chức và hoạt động phù hợp với các quy định pháp luật mới được ban hành.

Ông Nguyễn Ngọc Cảnh cũng cho rằng các tập đoàn, tổng công ty cần vận dụng linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi doanh nghiệp, phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển năm 2023.

Đồng thời, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh; bảo toàn, phát triển vốn và các nguồn lực Nhà nước giao; đầu tư theo chiến lược, kế hoạch, phù hợp cơ chế kinh tế thị trường, bảo đảm hiệu quả, phát triển bền vững.

Khắc phục tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải nhưng không hiệu quả

Tại Nghị quyết 01/NQ-CP về phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường kinh doanh năm 2023, Chính phủ xác định tiếp tục khẩn trương cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN) giai đoạn 2021 - 2025 theo đề án đã được phê duyệt. Tập trung tiến hành rà soát, đánh giá toàn diện thực trạng và phân loại doanh nghiệp, dự án, công trình đầu tư và vốn, tài sản nhà nước để có giải pháp cơ cấu lại, xử lý phù hợp.

Rà soát phát hiện và có biện pháp xử lý các doanh nghiệp, dự án đầu tư thua lỗ, kém hiệu quả. Có các giải pháp phù hợp để lành mạnh hóa tình hình tài chính, xử lý dứt điểm tồn đọng tài chính, nợ không có khả năng thanh toán và các tài sản không sinh lời trong các tập đoàn, tổng công ty và doanh nghiệp thành viên.

Đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước theo lộ trình, tiêu chí, danh mục phân loại DNNN, bảo đảm nhà nước nắm giữ tỉ lệ vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo quy định pháp luật; tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chính, khắc phục tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải nhưng không hiệu quả của DNNN.

Có giải pháp phù hợp huy động hiệu quả nguồn lực của DNNN tham gia tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là trong một số lĩnh vực như năng lượng, hạ tầng số, nền tảng số, chuyển đổi số, kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng quốc gia, cung ứng các nguyên, vật liệu đầu vào quan trọng cho sản xuất.

Nghiên cứu, xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách theo hướng đổi mới quản lý của chủ sở hữu, tạo điều kiện phát triển một số DNNN quy mô lớn, có vai trò mở đường phát triển một số ngành kinh tế chủ lực, dẫn dắt doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác.

Tăng cường kết nối, nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ, hỗ trợ hiệu quả doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp, dự án FDI, nhất là các công ty đa quốc gia.


Cùng chuyên mục

Đọc thêm