Chứng khoán

Các nạn nhân của Phó Đức Nam - TikToker Mr Pips cần cảnh giác để không bị tiếp tục mắc bẫy

Liên quan đến vụ lừa đảo do Phó Đức Nam - Mr Pips cầm đầu, Công an TP Đà Nẵng cho biết, thời gian gần đây, lợi dụng tâm lý muốn lấy lại được tiền lừa đảo của nhiều người, các đối tượng đã lập các tài khoản Facebook có tên liên quan đến thu hồi vốn, đăng tải các clip giới thiệu dịch vụ hỗ trợ lấy lại tiền bị nhóm đối tượng chiếm đoạt. Đồng thời, các tài khoản này cũng cam kết lấy lại trên 70% số tiền bị lừa. Bài đăng được chạy quảng cáo thu hút hàng chục nghìn lượt xem, lượt thích và bình luận.

Công an Đà Nẵng dẫn tài khoản Facebook có tên “Công ty tiếp nhận thu hồi vốn hiệu quả” có hơn 6.300 người theo dõi những ngày gần đây đã đăng tải thông tin và clip giới thiệu dịch vụ “hỗ trợ lấy lại tiền” đã bị lừa trong vụ Tiktoker Mr Pips.

Lợi dụng tâm lý muốn lấy lại được tiền đã bị lừa đảo của nhiều người, bài đăng của tài khoản “Công ty tiếp nhận thu hồi vốn hiệu quả’ còn cam kết: "Nhận xử lý hồ sơ, lấy lại trên 70% số tiền bị lừa của quý khách. Lưu ý, chi phí hợp lý, thanh toán sau". Bài viết được đối tượng chạy quảng cáo thu hút hơn 70.000 lượt xem; 3.100 lượt like, hơn 800 bình luận.

Các nạn nhân của Phó Đức Nam - TikToker Mr Pips cần cảnh giác để không bị tiếp tục mắc bẫy- Ảnh 1.

Page lừa đảo lấy lại tiền của bị hại - Ảnh: CA Đà Nẵng

Đáng chú ý, các đối tượng tạo lòng tin với các nạn nhân trong vụ lừa đảo bằng những bình luận đưa thông tin giả mạo rằng mình là người đã sử dụng dịch vụ và lấy lại được tiền. Từ đó, các đối tượng thu thập thông tin cá nhân của những người có nhu cầu và lợi dụng chúng để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản hay bán thông tin ra ngoài thị trường.

Trong quá trình thực hiện giao dịch, đối tượng yêu cầu người sử dụng dịch vụ chuyển tiền qua ví điện tử hoặc tiền ảo, gây khó khăn trong quá trình truy vết sau này. Bên cạnh đó, đối tượng có thể sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI), robot tự động để mở rộng phạm vi lừa đảo và có thể sử dụng AI để giả giọng nói hay danh tính nhằm tăng sức thuyết phục.

Vì vậy, Công an khuyến cáo người dân cần tỉnh táo, cảnh giác trước chiêu lừa mới “hỗ trợ lấy lại tiền” trong vụ lừa đảo 5.200 tỷ đồng của TikToker Mr Pips để tránh việc một lần nữa trở thành nạn nhân. Cùng với đó, Công an Đà Nẵng cũng lưu ý mọi người tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, không chuyển tiền cho người lạ. Bên cạnh việc kiểm tra, xác minh kỹ những thông tin trên mạng xã hội, người dùng cần quan tâm bảo vệ thông tin cá nhân, cụ thể là không cung cấp mã OTP, số tài khoản hoặc những thông tin nhạy cảm khác.

Các nạn nhân của Phó Đức Nam - TikToker Mr Pips cần cảnh giác để không bị tiếp tục mắc bẫy- Ảnh 2.

Hàng loạt page tạo ra với mục đích lừa đảo - Ảnh: CA Đà Nẵng

Cùng với đó, người dùng cần cảnh giác với kênh thanh toán không chính thức, chỉ thực hiện giao dịch qua tài khoản minh bạch, được xác thực.
Nếu phát hiện có dấu hiệu lừa đảo thì cần trình báo ngay sự việc đến cơ quan Công an nơi gần nhất để nhận được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.

Công an TP Hà Nội tìm nạn nhân chuyển tiền vào 7 số tài khoản 
Trước đó, hôm 21/12, Công an TP Hà Nội đã ra thông báo tìm bị hại của đường dây lừa đảo do Phó Đức Nam - Mr Pips cầm đầu. Cụ thể, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội cho biết đang điều tra Vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua sàn giao dịch ngoại hối, chứng khoán trái phép do Phó Đức Nam (SN 1994; HKTT: thành phố Vũng Tàu, Bà Rịa - Vũng Tàu) cầm đầu.

Các đối tượng đã thành lập, sử dụng danh nghĩa của Công ty TNHH INVESTO, Công ty TNHH USIN VN, Công ty TNHH ARTEX VINA để tuyển dụng nhân viên làm việc. Ban đầu, đối tượng sử dụng các ứng dụng zalo, telegram...liên hệ, dụ dỗ để khách hàng tham gia đầu tư với lượng tiền nhỏ, nhiều lần và có thể rút tiền được.

Các nạn nhân của Phó Đức Nam - TikToker Mr Pips cần cảnh giác để không bị tiếp tục mắc bẫy- Ảnh 3.

Đối tượng Phó Đức Nam tại cơ quan điều tra - Ảnh: CA TP Hà Nội

Sau đó, đối tượng đưa các thông tin khuyến khích khách hàng nộp thêm tiền, chốt các mã lời cao khiến tài khoản bị “cháy” và chiếm đoạt số tiền mà khách đã chuyển.
Để phục vụ công tác điều tra, Cơ quan CSĐT CATP Hà Nội đề nghị ai bị dụ dỗ đầu tư vào các các trang web và tài khoản ngân hàng sau đó bị chiếm đoạt tài sản thì liên hệ với Phòng Cảnh sát hình sự CATP Hà Nội (địa chỉ: Số 90 phố Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội; Đồng chí Bùi Quang Tùng - Điều tra viên, SĐT: 0989651412) để phối hợp giải quyết.

Danh sách 7 tài khoản ngân hàng mà các đối tượng dùng vào mục đích phạm tội gồm:
Tài khoản số: 317228 mang tên Công ty TNHH ROWNA mở tại Ngân hàng ACB;
Tài khoản số 231366 mang tên Công ty TNHH Audrey mở tại Ngân hàng ACB;
Tài khoản số 1029417421 mang tên Công ty TNHH AMBROSE mở tại Ngân hàng Vietcombank;
Tài khoản số 1031327764 mang tên Công ty TNHH Tư vấn DVA mở tại Ngân hàng Vietcombank;
Tài khoản số 1030943887 mang tên Công ty TNHH UNI VN mở tại Ngân hàng Vietcombank;
Tài khoản số 1031477119 mang tên Công ty TNHH SYSNET VN mở tại Ngân hàng Vietcombank;
Tài khoản số 1031476369 mang tên Công ty TNHH SODIAL VN mở tại Ngân hàng Vietcombank.


Cùng chuyên mục

Đọc thêm