Năm 2004, Trần Xuân Tú, một cô gái 20 tuổi ở Trung Quốc bước vào kỳ thi đại học đầy tự tin. Tuy nhiên, sau kỳ thi, cô không nhận được giấy báo trúng tuyển.
Tin rằng mình đã trượt, Trần Xuân Tú chán nản rời quê, một mình đi làm thuê cách nhà hàng trăm km ở Yên Đài.
Mãi đến năm 2020, khi tham gia kỳ thi đại học dành cho người trưởng thành, Xuân Tú bất ngờ phát hiện trên hệ thống học bạ trực tuyến rằng: Cô từng có tên trong hồ sơ sinh viên của Đại học Công nghệ Sơn Đông, chuyên ngành Kinh tế Quốc tế và Thương mại.
Thông tin cá nhân và địa chỉ đều đúng nhưng ảnh trên hồ sơ lại là một cô gái xa lạ. Lúc này, Trần Xuân Tú mới ngỡ ngàng nhận ra: Năm đó cô thực sự đã đỗ đại học, nhưng lại bị người khác giả mạo danh tính để chiếm đoạt suất học.
Suốt 16 năm, nỗi tiếc nuối vì không được học đại học luôn đeo bám Xuân Tú. Sau khi kết hôn, cô quyết tâm thi lại để thực hiện giấc mơ còn dang dở. Trước đó, Xuân Tú đã phải chịu đủ sự khinh miệt và khó khăn vì không có bằng cấp.
"Người khổ công học hành là tôi, người hưởng thành quả lại là người khác", Xuân Tú bức xúc chia sẻ. Hành vi giả mạo này không chỉ đánh cắp danh tính và thành tích, mà còn cướp đi cả tương lai mà Trần Xuân Tú đáng lẽ được hưởng.
Cô thề sẽ đòi lại công bằng cho mình. Nhưng liệu sau nhiều năm, cô có thể tìm lại tấm bằng đại học đã bị đánh cắp và một lần nữa bước vào cánh cổng trường đại học? Và trong những năm ấy, cuộc đời cô đã rẽ sang hướng nào?
1. Giấc mơ đại học tan vỡ
Trần Xuân Tú sinh năm 1984 tại một gia đình nông dân nghèo ở huyện Quan, thành phố Liêu Thành, tỉnh Sơn Đông. Để nuôi con ăn học, cha mẹ cô đã phải bán hết mọi thứ giá trị trong nhà, chỉ mong cô có thể thoát nghèo và thay đổi số phận.
Xuân Tú không phụ lòng cha mẹ, từ nhỏ cô đã chăm chỉ và học giỏi. Vì hoàn cảnh khó khăn, cô chỉ ăn cơm với dưa muối suốt ba năm trung học, áo quần cũ mòn vẫn không dám mua mới. Để tiết kiệm tiền, cô thường xuyên đi bộ hàng giờ qua những con đường núi thay vì bắt xe buýt về quê.
Thầy cô từng nhận xét Xuân Tú là một học sinh giản dị và kiên cường.
Năm 2004, cô bước vào kỳ thi đại học với sự háo hức và tự tin. Sau khi thi xong, Xuân Tú còn nói với cha mẹ: "Yên tâm đi, con làm bài khá tốt, chắc chắn sẽ được vào đại học".
Với số điểm 546, cô chỉ thiếu 3 điểm để đạt ngưỡng đại học hệ chính quy của tỉnh Sơn Đông nhưng vượt 27 điểm so với chuẩn cao đẳng. Dù không đạt kỳ vọng, việc vào một trường cao đẳng vẫn hoàn toàn khả thi.
Cô nộp nguyện vọng vào Đại học Công nghệ Sơn Đông và một số trường khác ở Thượng Hải. Vì nhà nghèo không có điện thoại, cô ghi địa chỉ nhận giấy báo trúng tuyển nhờ tại nhà hàng xóm.
Suốt mùa hè, cô vừa giúp cha mẹ làm nông vừa chờ đợi giấy báo. Nhưng dù hỏi thăm hàng xóm nhiều lần, giấy báo trúng tuyển vẫn không thấy đâu.
Đến tháng 10, khi các bạn cùng lớp đã nhập học, Xuân Tú vẫn không nhận được gì. Cô tin rằng mình đã thất bại.
Sự tuyệt vọng khiến Xuân Tú nhốt mình trong phòng, không ăn uống. Mặc cha mẹ khuyên bảo ôn thi lại, cô kiên quyết từ chối vì không muốn làm gia đình thêm gánh nặng.
Sau đó, cô gói ghém hành lý, rời quê lên Yên Đài làm công nhân.
2. Cuộc đời bị đánh cắp
Đó là lần đầu tiên Xuân Tú đi xa nhà. Đứng giữa phố phường đông đúc, cô cảm thấy lạc lõng và bất lực. Không bằng cấp, không quan hệ, cô thậm chí không đủ tiền thuê một phòng trọ rẻ nhất.
Cô tìm được việc trong một nhà máy chế biến thực phẩm đông lạnh, nơi cung cấp chỗ ăn ở cho công nhân. Làm việc trong môi trường lạnh giá, đôi tay cô bị nứt nẻ, đỏ rộp, mỗi khi đông đến lại đau nhức.
Cuộc sống mưu sinh với đồng lương ít ỏi khiến cô thường hồi tưởng về thời đi học, nhưng những ký ức ấy chỉ làm cô thêm tủi thân. Bạn bè giờ đã là sinh viên đại học, còn cô là một công nhân làm việc trên dây chuyền sản xuất.
Sau nhiều năm bôn ba, cô kết hôn với Lý Tuấn Vĩ, một người bạn học cũ cũng từng trượt đại học. Họ tìm thấy sự đồng cảm và bắt đầu cuộc sống giản dị bên nhau. Được chồng ủng hộ, Xuân Tú đã đăng ký thi đại học dành cho người trưởng thành vào năm 2019 và đỗ Đại học Sư phạm Khúc Phụ hệ đào tạo từ xa.
Nào ngờ, vào tháng 5/2020, khi kiểm tra thông tin trên hệ thống, cô phát hiện mình đã từng học tại Đại học Công nghệ Sơn Đông từ năm 2004 đến 2007. Thông tin hoàn toàn khớp với cô, trừ bức ảnh của một cô gái lạ.
Sự thật dần lộ diện: Xuân Tú đã bị một người tên Trần Diễm Bình giả mạo để đi học thay. Trần Diễm Bình chính là bạn thời trung học của Xuân Tú.
Năm 2004, Trần Diễm Bình thi đại học chỉ được 303/750 điểm. Bố của cô ta, một quan chức địa phương đã chi 2.000 NDT (khoảng 6,8 triệu đồng) để mua hồ sơ giả của Trần Xuân Tú qua một người trung gian. Ông ta cấu kết với trưởng phòng tuyển sinh huyện Quan để làm giả giấy tờ.
Tháng 9/2004, Trần Diễm Bình nhận được thông báo trúng tuyển hệ cao đẳng của Đại học Công nghệ Sơn Đông, cũng chính là suất học đáng nhẽ ra Xuân Tú được hưởng.
Đến tháng 7/2007, sau khi tốt nghiệp, cô ta tiếp tục làm giả sổ hộ khẩu tên Trần Xuân Tú. 3 tháng sau, tham gia kỳ thi tuyển dụng công chức cấp xã, Diễm Bình may mắn trúng tuyển. Suốt 12 năm công tác tại đây, Trần Diễm Bình không dám để lộ tên thật.
Khi Xuân Tú tìm đến Đại học Công nghệ Sơn Đông để điều tra. Nhà trường cũng đã thừa nhận rằng vào năm 2004, Trần Diễm Bình đã sử dụng thông tin giả để nhập học.
Với sự giúp đỡ của báo chí, vụ việc gây chấn động dư luận và buộc chính quyền phải vào cuộc điều tra. Cuối cùng, Trần Diễm Bình bị cách chức, tước bằng cấp, và các cá nhân liên quan bị xử lý nghiêm khắc.
Tổng cộng 46 người liên quan đã bị cảnh sát điều tra, bắt giữ và trừng phạt theo quy định pháp luật.
3. Công lý muộn màng
Sau 16 năm, Xuân Tú được phép nhập học lại. Nhưng quãng thời gian đánh mất không thể nào bù đắp. Cô từng nói: "Công lý đến muộn không còn là công lý. Ai sẽ trả lại cho tôi những năm tháng đã mất?".
Sự việc của Xuân Tú là một lời nhắc nhở đau lòng về giá trị của công bằng trong giáo dục và những hệ lụy của sự bất công.