Các kim tự tháp Ai Cập cổ đại đã tồn tại hàng ngàn năm và là một trong những di tích lâu đời nhất trên thế giới. Nhưng các kim tự tháp trông như thế nào khi chúng được xây dựng lần đầu tiên?
Các kim tự tháp Ai Cập mọc lên từ cát ở Giza là minh chứng cho sự khéo léo và kỹ thuật của con người. Được xây dựng để đánh dấu lăng mộ của các pharaoh cổ đại, những công trình kiến trúc vĩ đại này đã tồn tại hàng nghìn năm. Nhưng qua hàng thiên niên kỷ, các kim tự tháp đã thay đổi, phần lớn do thợ xây tái sử dụng vật liệu và nạn trộm mộ.
Vậy các kim tự tháp trông như thế nào khi chúng được xây dựng? Khi các kim tự tháp Ai Cập cổ đại ban đầu được dựng lên, cả ở Giza và những nơi khác, chúng không có màu nâu cát như ngày nay. Thay vào đó, chúng được bao phủ bởi một lớp đá trầm tích sáng bóng.
"Tất cả các kim tự tháp đều được bao bọc bằng đá vôi trắng, mịn," Mohamed Megahed, trợ lý giáo sư tại Viện Ai Cập học tại Đại học Charles ở Praha (Séc). Lớp vỏ đá vôi sẽ tạo cho các kim tự tháp một vẻ ngoài trơn nhẵn, sáng trắng dưới ánh mặt trời.
Các nô lệ và nhân công đã sử dụng khoảng 5,5 triệu tấn đá vôi trong quá trình xây dựng Đại kim tự tháp ở Giza, theo Bảo tàng Quốc gia Scotland, nơi trưng bày một trong những khối đá vôi ban đầu.
Đại Kim tự tháp - còn được gọi là Kim tự tháp của Khufu theo tên của pharaoh Khufu, người đã cho xây dựng nó trong thời kỳ trị vì của ông (khoảng năm 2551 trước Công nguyên đến năm 2528 trước Công nguyên) - là kim tự tháp lớn nhất và lâu đời nhất trong số các kim tự tháp tại ở Giza.
Tuy nhiên, những viên đá ốp lớp ngoài của Đại kim tự tháp sau đó đã được tái sử dụng cho các công trình xây dựng dưới thời những pharaoh Ai Cập khác.
Có bằng chứng cho thấy những viên đá ốp vỏ bắt đầu bị gỡ bỏ dưới triều đại của Tutankhamun (khoảng năm 1336 trước Công nguyên đến năm 1327 trước Công nguyên), và điều này tiếp tục cho đến Thế kỷ 12 sau Công nguyên, theo nhà Ai Cập học Mark Lehner.
Theo BBC News, một trận động đất vào năm 1303 sau Công Nguyên cũng có thể làm bong một số tảng đá. Ngày nay, các kim tự tháp Giza vẫn còn giữ lại một số lớp vỏ đá vôi ban đầu, mặc dù nó có vẻ bị phong hóa hơn một chút so với thời cổ đại.
"Bạn có thể nhìn thấy nó trên đỉnh Kim tự tháp Khafre ở Giza," Megahed nói.
Kim tự tháp Khafre, được đặt theo tên của pharaoh Khafre (người trị vì vào khoảng năm 2520 trước Công nguyên đến năm 2494 trước Công nguyên), vẫn còn giữ được lớp đá ốp ở trên đỉnh, tạo cảm giác có một đỉnh thứ hai chồng lên đỉnh thứ nhất.
Ở Ai Cập cổ đại, kim tự tháp này cũng có lớp vỏ bằng đá granit đỏ xung quanh các tầng thấp hơn, nhà Ai Cập học Miroslav Verner đã viết trong cuốn sách "Các Kim tự tháp: Khảo cổ học và Lịch sử của các Di tích mang tính biểu tượng của Ai Cập".
Kim tự tháp thứ ba và nhỏ nhất trong ba kim tự tháp chính ở Giza, Kim tự tháp Menkaure - được đặt theo tên của pharaoh Menkaure, người trị vì vào khoảng năm 2490 trước Công nguyên. đến năm 2472 trước Công nguyên - cũng có lớp vỏ bằng đá granit đỏ bao quanh các tầng dưới của nó.
Theo chuyên gia Megahed, đỉnh của các kim tự tháp Giza khi mới được xây dựng đều chứa các chóp tháp được bao phủ bởi electrum, hỗn hợp của vàng và bạc.
Các chóp tháp này trông giống như vương miệng bằng đá quý ở đỉnh của các kim tự tháp. Hầu hết các chóp đỉnh đều đã bị mất theo thời gian, nhưng có một số mẫu còn sót lại trong viện bảo tàng. Những mẫu vật này tiết lộ rằng các chóp tháp được chạm khắc bằng hình ảnh tôn giáo. Ví dụ: Bảo tàng Anh có một chóp tháp bằng đá vôi được bao phủ bởi chữ tượng hình từ Abydos, một địa điểm khảo cổ ở Ai Cập, mô tả những người đã khuất đang thờ thần Osiris của Ai Cập cổ đại và trải qua quá trình ướp xác từ thần Anubis.
Nếu nhìn lại sự huy hoàng trước đây của các kim tự tháp, việc chúng bị tàn phá theo thời gian ở thời điểm hiện tại mang tới một cảm giác 'mất mát' cho các chuyên gia Ai Cập học.
Ví dụ điển hình nhất về điều này được thể hiện rõ ràng trên Kim tự tháp Menkaure.
"Khi bạn nhìn thấy kim tự tháp của Menkaure từ phía bắc, bạn có thể thấy một vết nứt lớn, giống như một vết lõm lớn," Yukinori Kawae, một nhà khảo cổ học tại Viện Nghiên cứu Cao cấp của Đại học Nagoya, Nhật Bản chia sẻ.
Mặc dù vết lõm của Kim tự tháp Menkaure có thể là một sự tàn phá về thị giác, nhưng đồng thời, nó cũng cho phép các chuyên gia có thể khám phá rõ hơn các kim tự tháp.
"Đây là khu vực quan trọng đối với các nhà khảo cổ vì chúng tôi có thể nhìn thấy cấu trúc bên trong của các kim tự tháp," Kawae nói.