Tài chính

Các hãng hàng không quốc gia hậu Covid: “Kẻ bi kịch, người khả quan”

Lỗ nặng mùa Covid - câu chuyện không của riêng ai 

Đại dịch Covid liên tục được nhắc đến như nguyên nhân chính khiến ngành hàng không lâm nguy.

Khoản lỗ sau thuế trong thời kỳ Covid đã xóa sạch mọi thành tích lợi nhuận của Vietnam Airlines suốt 13 năm trước đó. Cụ thể, từ năm 2020 đến hết quý II/2022, Vietnam Airlines ghi nhận lỗ sau thuế gần 30.000 tỷ đồng, trong khi tổng lãi sau thuế từ năm 2007 đến 2019 chỉ hơn 14.000 tỷ đồng.

Các hãng hàng không quốc gia hậu Covid: “kẻ bi kịch, người khả quan” - Ảnh 1.

Doanh thu và lợi nhuận sau thuế của Vietnam Airlines qua các năm.


Tính đến quý II/2022, Vietnam Airlines có 10 quý liên tiếp làm ăn thua lỗ. Tại ngày 30/6/2022, vốn chủ sở hữu của công ty đã âm gần 4.900 tỷ đồng, lỗ lũy kế gần 29.000 tỷ đồng. Công ty đang đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết.

Cùng chung cảnh ngộ, Thai Airways - hãng hàng không quốc gia Thái Lan cũng đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức. Tình hình kinh doanh của Thai Airways bắt đầu lao dốc kể từ năm 2013 do những bê bối quản trị và trở nên tồi tệ do tác động của đại dịch trong năm 2020. Giữa năm 2020, khi đại dịch Covid-19 vừa nhen nhóm, công ty đệ đơn xin phá sản sau 3 năm thua lỗ liên tiếp.

Sau nhiều lần nằm trong diện xem xét hủy niêm yết vì làm ăn thua lỗ kéo dài, hiện nay, hãng bay đã bị Sở Giao dịch Chứng khoán Thái Lan đình chỉ giao dịch.

Các hãng hàng không quốc gia hậu Covid: “kẻ bi kịch, người khả quan” - Ảnh 2.

Kết quả kinh doanh của Thai Airways qua các năm.


Singapore Airlines - hãng hàng không quốc gia Singapore cũng ghi nhận kết quả kinh doanh sụt giảm trầm trọng sau khi trải qua “năm khó khăn nhất trong lịch sử” - như cách ông Stephen Barnes, Phó Giám đốc Tài chính của hãng bay nhận định. Quý I/2020, Singapore Airlines bắt đầu có khoản lỗ ròng đầu tiên lên đến hơn 523 triệu USD.

Các hãng hàng không quốc gia hậu Covid: “kẻ bi kịch, người khả quan” - Ảnh 3.

Kết quả kinh doanh của Singapore Airlines qua các năm.


Từ quý II/2020 đến hết quý I/2021, doanh thu hãng bay sụt giảm hơn 76% so với năm trước, lỗ ròng hơn 3,1 tỷ USD.

Là hãng hàng không đầu tiên sử dụng máy bay thương mại lớn nhất thế giới - Airbus A380, Singapore Airlines đang phải trả những khoản chi phí vận hành khổng lồ dù hoạt động vận tải hành khách đình trệ xuyên suốt mùa Covid.

Các hãng hàng không quốc gia hậu Covid: “kẻ bi kịch, người khả quan” - Ảnh 4.

Chênh lệch giữa doanh thu và chi phí của Singapore Airlines trong thời kỳ Covid và hậu Covid.


Phương án “giải cứu” các hãng bay quốc gia

Thai Airways đã đạt được những kết quả nhất định trong quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp, xử lý tài sản không cần thiết thu về khoảng 248 triệu USD để tạo ra dòng tiền duy trì hoạt động kinh doanh trong 2 năm qua.

Trong năm 2021, Thai Airways hạch toán khoản thu 1,7 tỷ USD từ việc tái cơ cấu nợ và hơn 77,2 triệu USD nhờ bán các khoản đầu tư, đồng thời, cắt giảm đến 84% các khoản chi phí. Nhờ đó, Thai Airways trở thành hãng hàng không hiếm hoi thu được lợi nhuận dương giữa mùa Covid dù trước đó làm ăn “bết bát”.

Các hãng hàng không quốc gia hậu Covid: “kẻ bi kịch, người khả quan” - Ảnh 5.

Thai Airways đã có một thập kỷ kinh doanh ảm đạm và Covid như “giọt nước tràn ly” (Ảnh: Zing News)


Để thoát khỏi nguy cơ trở thành hãng hàng không quốc gia đầu tiên trên thế giới phải phá sản, Chính phủ Thái Lan đã nhiều lần “bơm tiền” để giải cứu Thai Airways.

Ngày 8/8 vừa qua, Bộ trưởng Tài chính Thái Lan cho biết Thai Airways sẽ nhận được khoản hỗ trợ tài chính từ chính phủ cho kế hoạch tăng vốn lên 2,2 tỷ USD và chuyển đổi nợ thành vốn chủ sở hữu nhằm giúp hãng thoát khỏi tình trạng phá sản.

Tại ngày 30/6/2022, vốn chủ sở hữu của Thai Airways âm 2,1 tỷ USD. Doanh nghiệp đặt mục tiêu hoàn thành tái cấu trúc và thu hút 11,8 triệu khách trong năm 2024.

Bức tranh tươi sáng hơn đang diễn ra đối với Singapore Airlines nhờ sự phản ứng nhanh chóng của ban lãnh đạo.

Trong khi các hãng hàng không trên thế giới nộp đơn phá sản hoặc tìm kiếm sự trợ giúp của nhà nước để sống sót, Singapore Airlines đã đề ra chiến lược mới dựa trên sự ủng hộ mạnh mẽ từ cổ đông, theo chia sẻ của ông Lee Lik Hsin - Phó chủ tịch điều hành Thương mại của hãng bay.

Theo Bloomberg, hãng bay này đã huy động được hơn 16 tỷ USD kể từ tháng 4 năm 2020, bao gồm 10,8 tỷ USD thông qua phát hành cổ phiếu và trái phiếu chuyển đổi.

Singapore Airlines còn thực hiện chiến lược cắt giảm chi phí. Công ty đã đạt được thỏa thuận hoãn giao máy bay với Airbus và Boeing, đàm phán lại hợp đồng với các nhà cung cấp khác.

Hãng bay cũng cắt giảm lương và cho một số nhân viên nghỉ hưu sớm, tổ bay tạm thời được phép làm việc tại các bệnh viện và công ty vận tải.

Thậm chí, có thời điểm, hãng hàng không này còn biến một trong những siêu máy bay A380 thành nhà hàng trên không và thu phí lên tới 460 USD cho một bữa ăn.

Vận chuyển hàng hóa cũng là nhân tố quan trọng đóng góp phần lớn vào tổng doanh thu của hãng bay.

Các hãng hàng không quốc gia hậu Covid: “kẻ bi kịch, người khả quan” - Ảnh 6.

Cơ cấu doanh thu của Singapore Airlines năm tài chính 2019 - 2020 (từ 1/4/2019 đến 31/3/2020).


Doanh thu vận chuyển hàng hóa và thư tín nổi lên như một “ngôi sao sáng” khi tỷ trọng đóng góp vào cơ cấu doanh thu của Singapore Airlines tăng vọt từ mức 12,2% trong năm tài chính 2019 - 2020 lên đến 71% chỉ sau một năm.

Các hãng hàng không quốc gia hậu Covid: “kẻ bi kịch, người khả quan” - Ảnh 7.

Cơ cấu doanh thu của Singapore Airlines năm tài chính 2020 - 2021 (từ 1/4/2020 đến 31/3/2021).


Đại dịch đã khiến cơ cấu doanh thu của Singapore Airlines đã đảo ngược hoàn toàn. Vận tải hàng hóa là giải pháp phù hợp và hiệu quả để duy trì hoạt động kinh doanh và mang lại nguồn thu cho hãng bay trong suốt thời gian khó khăn này.

Quý II/2022, Singapore Airlines ghi nhận lãi thuần 399 triệu USD - mức cao thứ 2 trong lịch sử hình thành của doanh nghiệp. Lợi nhuận ròng tăng 415,5 triệu USD so với quý trước, từ khoản lỗ 150,5 triệu USD lội ngược dòng lãi ròng 265 triệu USD do nhu cầu di chuyển bằng đường hàng không tăng vọt.

Lối thoát nào cho Vietnam Airlines? 

Dường như lời giải chung cho bài toán cải thiện kết quả kinh doanh từ các hãng hàng không quốc gia là tái cấu trúc nguồn vốn, tăng vốn chủ sở hữu và cắt giảm tối đa chi phí.

Vietnam Airlines đã đưa ra đề án tái cơ cấu tổng thể 2021-2025 dưới sự hỗ trợ của Chính phủ - cổ đông lớn nhất của Vietnam Airlines, theo thông tin tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022.

Tuy nhiên, thay vì cắt giảm chi phí để cải thiện kết quả kinh doanh, Vietnam Airlines đã vừa chi 42 tỷ đồng thưởng nhân viên.

Vietnam Airlines đang đứng trước áp lực của các cổ đông, đặc biệt là cổ đông lớn (gồm Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước, ANA Holdings - tập đoàn hàng không lớn nhất Nhật Bản), về việc duy trì niêm yết. Hãng hàng không quốc gia Việt Nam buộc phải có lãi năm 2022 cho dù bằng giải pháp kỹ thuật, hay cải thiện tình hình kinh doanh để thoát án hủy niêm yết.

Vietnam Airlines đã lên kế hoạch tăng vốn, nhưng chưa đưa ra con số cụ thể. Năm 2021, hãng bay đã tăng vốn thành công gần 8.000 tỷ đồng, giúp công ty thoát khỏi tình trạng âm vốn chủ sở hữu.

*Số liệu đề cập trong bài dựa theo số liệu gốc trên báo cáo tài chính chính thức của kỳ kinh doanh. Một số dữ liệu quá khứ đã được công ty điều chỉnh trong báo cáo năm tài chính tiếp theo. 

Cùng chuyên mục

Đọc thêm