Các hãng hàng không toàn cầu đa số có hai hình thái cấu trúc. Một là doanh nghiệp có vốn nhà nước, chính phủ chi phối. Từ đó hình thành các hãng hàng không quốc gia. Hai là doanh nghiệp hàng không tư nhân, tập hợp các chủ đầu tư rót vốn và vận hành doanh nghiệp.
Và dù thế nào thì cả hai mô hình này đều mong muốn kiếm được thật nhiều tiền, để lợi nhuận luôn là con số dương. Tuy nhiên, đối với nhóm hãng hàng không của chính phủ thì họ được rót vốn, thậm chí là bù lỗ khi vận hành. Còn doanh nghiệp tư nhân thì không.
Theo chuyên trang tài chính Investopedia, các hãng hàng không có được gần 60% doanh thu của từ hành khách trực tiếp (40% còn lại đến từ việc bán dặm bay thường xuyên cho các công ty thẻ tín dụng và các đối tác du lịch khác như khách sạn và đại lý cho thuê xe hơi). Doanh thu đó bao gồm chi phí vé máy bay, phí và các chi phí đi lại khác mà các hãng hàng không tính vào tổng giá vé.
Doanh thu từ hành khách chiếm phần lớn nhất trong tổng doanh thu hoạt động của American Airlines. Trong quý 4/2021, doanh thu từ hành khách tăng 162,8% so với cùng kỳ lên 8,4 tỷ USD, chiếm gần 89% tổng doanh thu hàng quý.
Số liệu này phù hợp với chia sẻ của vị lãnh đạo cấp cao tại một hãng hàng không của Việt Nam. "Doanh thu bán chỗ cho hành khách chính là nguồn doanh thu chính của hãng hàng không. Các nguồn khác như bán hành lý quá cước, bán chỗ ngồi... là doanh thu bổ trợ cho doanh nghiệp", vị này nói với chúng tôi bên lề một sự kiện gần đây. Người này cho rằng doanh thu bổ trợ chiếm phần trăm khá nhỏ so với việc bán vé.
Đối với những hãng hàng không quốc gia hoặc các hãng bay lai, bay giá rẻ nhưng có chỗ thương gia thì đây cũng là nguồn thu rất quan trọng. Khách thương gia hoặc khách bay công tác chỉ chiếm 12% tổng số hành khách đi máy bay nhưng họ có xu hướng mua chỗ ngồi đắt hơn, mua vé vào phút chót và thường tạo ra lợi nhuận gấp đôi so với những hành khách khác. Trên thực tế, trên một số chuyến bay, hành khách thương gia chiếm 75% doanh thu của một hãng hàng không.
Trước đại dịch, các doanh nhân hoặc khách đi công tác thường được doanh nghiệp ưu tiên chọn chỗ tốt trên các chuyến bay. Từ đó, họ thường sẵn sàng trả nhiều tiền hơn để đặt các chuyến bay vào phút chót hoặc lựa chọn các chuyến thẳng.
Vé hạng nhất và hạng thương gia có thể đắt gấp chục lần hạng thấp nhất. Mức giá cao cấp này thường mang lại cho hành khách dịch vụ tốt hơn và tiện nghi chất lượng cao hơn so với các dịch vụ vé hạng phổ thông. Chi tiêu của người tiêu dùng cao cấp cho những hàng hóa và dịch vụ hàng không khuyến khích sự cạnh tranh giữa các hãng hàng không để có được những hành khách sinh lợi nhất.
Hãng hàng không kiếm tiền từ chương trình khách hàng thường xuyên
Các hãng hàng không còn kiếm tiền bằng cách cho phép mua các dịch vụ bổ sung, sử dụng chương trình khách hàng thường xuyên, các chương trình ưu đãi khác. Chẳng hạn, hãng hãng không quốc gia Vietnam Airlines cho phép mua dặm hoặc chuyến bay xét hạng cho hội viên Bông Sen Vàng (chương trình khách hàng thường xuyên của hãng).
Theo đó, đơn giá dặm xét hạng được tính 2.100.000 đồng cho mỗi block 1.000 dặm (tại Việt Nam, chưa bao gồm VAT) hoặc 100 USD/1.000 dặm (ngoài Việt Nam). Dặm xét hạng được bán theo gói với giá trị 1.000 dặm/gói và tối thiểu 2.000 dặm cho mỗi lần mua.
Chặng bay xét hạng là 2.100.000 đồng/chuyến bay (giá bán tại Việt Nam, chưa bao gồm VAT) hoặc 100 USD/chuyến bay (ngoài Việt Nam). Áp dụng tối thiểu hai chuyến bay cho một lần mua.
Hãng này còn cho phép mua thẻ hội viên các hạng cao cấp như Bạch Kim/Vàng/Titan cho bản thân hoặc làm quà tặng bạn bè, người thân. "Không cần bay mà vẫn có thẻ ngay", câu quảng cáo của hãng. Đắt nhất là loại thẻ Bạch Kim, 105 triệu đồng.
"Dữ liệu của các hãng hàng không thu thập về người tiêu dùng cao cấp sử dụng các chương trình dặm bay thường xuyên mang lại lợi nhuận khủng khiếp. Trên thực tế, một số chương trình dành cho khách hàng thường xuyên được cho là có giá trị gấp nhiều lần giá trị của các hãng hàng không sở hữu chúng.
Đối với hầu hết các hãng hàng không, các chương trình ưu đãi này là một nguồn doanh thu và lợi nhuận thiết yếu cho phép họ cung cấp giá vé tốt hơn và nhiều tuyến bay hơn", Investopedia nhận định. Nhiều công ty được hưởng lợi từ dữ liệu khách hàng hàng không thân thiết và sẵn sàng trả tiền cho các hãng hàng không.
Chúng tôi không số liệu chính thức từ chương trình khách hàng thân thiết mang lại bao nhiêu lợi nhuận cho các hãng bay Việt Nam. Tuy nhiên, trong báo cáo tài chính, American Airlines đã thừa nhận doanh thu khác chủ yếu của hãng đến từ việc bán dặm bay cho các đối tác thẻ tín dụng đồng thương hiệu và các đối tác khác.
Trong quý 4/2021, doanh thu khác của American Airlines tăng 27,5% so với cùng kỳ lên 704 triệu USD; chiếm khoảng 7% doanh thu toàn công ty.