Thị trường vừa trải qua một phiên giao dịch nhiều cảm xúc trong phiên hôm nay. Từ việc bán ồ ạt ngay đầu phiên sáng, lực cầu bắt đáy đã phần nào giúp chỉ số cân bằng trở lại để kết phiên trên vùng 1.440 điểm.
Quan sát các phiên trước đó có thể thấy dòng tiền đang bắt đầu yếu đi và VN-Index tiếp tục đi ngang khiến không ít nhà đầu tư hồi hộp về xu hướng sắp tới. Tuần trước, diễn biến trên thị trường là khá tiêu cực, thanh khoản cũng chưa đạt kỳ vọng sau khi áp dụng giao dịch cổ phiếu T+2. Trong tuần này, thị trường có hai sự kiện lớn là phái sinh đáo hạn và các quỹ ETF tái cơ cấu danh mục vì vậy mọi thứ sẽ rất khó dự báo.
Tại chương trình “Khớp lệnh” của VTV Digital, ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc Dịch vụ đầu tư và Quản lý tài sản, CTCP Chứng khoán Tân Việt, cho rằng với dân đầu cơ, mọi người cần đợi Fed ra quyết định tăng lãi suất xong rồi mới nên đưa ra quyết định hành động.
Xu hướng trong tuần này nhiều khả năng sẽ đi ngang và hơi nghiêng về phía tiêu cực một chút nhưng không có áp lực giảm mạnh bởi hầu hết mọi thứ đã được nhà đầu tư kỳ vọng, không có gì quá bất ngờ. Từ giờ đến cuối năm, thị trường có thể sẽ thiên hướng sideway với biên độ lớn khoảng 1.150 – 1.315 điểm giống như cách thị trường đã đi trong năm 2018, 2019.
Bối cảnh hiện tại không chỉ còn lạm phát hay giá dầu nữa mà đang bắt đầu chuyển sang những câu chuyện khác khi tình hình châu Âu càng ngày càng phức tạp. Bên cạnh cuộc xung đột Nga – Ukraine thì việc giá khí, giá điện tăng đã khiến nhiều nhà máy phải đóng cửa hoặc giảm sản lượng. Tại Việt Nam, lãi suất liên ngân hàng cũng đang tăng cao.
Ngoài một số ngân hàng nhỏ tăng lãi suất lên trên 7% thì những ngân hàng lớn như MBB đã tăng lên trên 6% trong kỳ hạn 12 tháng. Lãi suất luôn là kẻ thù lớn nhất của chứng khoán. Một khi lãi suất tăng thì chi phí doanh nghiệp tăng, từ đó những rủi ro về vỡ nợ cũng sẽ tăng khiến định giá thị trường bị đảo ngược.
Trong 4 mức giá của phân tích kỹ thuật, giá đóng cửa luôn là giá quan trọng nhất. Với dân trading chuyên nghiệp, thời điểm sau 14 giờ mới là thời điểm họ bắt đầu hành động bởi khi đó khối lượng giá đã hình thành cơ bản và những tín hiệu trở nên khó đoán hơn.
Hiện tại, mọi thứ đang tương đối căng thẳng ở giai đoạn cuối năm vì vậy một kịch bản sideway và phân hoá đã là vô cùng đáng mơ ước còn để mong một kịch bản lạc quan hơn thì khá khó với tình hình thị trường như bây giờ.
Khả năng VN-Index vượt qua khỏi vùng tích luỹ trung hạn là rất thấp và nếu giống như năm 2018, 2019 thì thời gian tích luỹ có lẽ sẽ cần khoảng 6 - 8 tháng nữa, tức là phải đến quý II năm sau ta mới có thể hy vọng về một con sóng mới. Thông thường, thị trường Việt Nam tăng trưởng từ 1 - 1,5 năm và quá trình sideway cũng sẽ gần tương ứng với thời gian đó.
Chúng ta luôn cần dự phòng cho những kịch bản xấu nhất bởi khi đã nghĩ đến cái xấu nhất rồi thì lúc mọi thứ trở nên tích cực ta sẽ thấy vui hơn. Đó cũng chính là bản chất của thị trường tài chính. Trong bối cảnh xấu, người ta thường nghĩ nó xấu hơn và đến khi thực tế xảy ra, số liệu được chứng minh thì thị trường lại hồi phục.
Về vấn đề thanh khoản, dòng tiền hiện tại đang rất yếu. Trước đây, thanh khoản từng đạt mức 25.000 – 30.000 tỷ đồng/phiên sau đó lùi dần về 16.000 – 18.000 tỷ đồng/phiên và hiện tại là khoảng 12.000 tỷ đồng/phiên. Mức thanh khoản ngày càng bé đi như vậy đã chứng tỏ dòng tiền trên thị trường đang yếu đi.
Bên cạnh đó, tâm lý muốn giao dịch cũng giảm bớt, tức là số người muốn giao dịch, muốn thử thách với thị trường ngắn hạn đang giảm bớt bởi những khó khăn khiến nhiều người không có lợi nhuận và phải chịu rủi ro thua lỗ. Với mức thanh khoản ngày càng bé đi thì số lượng cổ phiếu có thể phân hoá đi lên sẽ ngày càng ít đi.
Những cổ phiếu nào vốn hoá càng lớn, thanh khoản càng lớn thì sẽ càng khó tăng, chỉ doanh nghiệp nào có câu chuyện thực sự nổi bật so với mặt bằng chung thị trường may ra mới có cơ hội vì vậy nhà đầu tư phải chọn lọc rất kỹ càng.
Với nhóm hàng hoá, đây vẫn là nhóm được hưởng lợi trong ngắn hạn chứ không phải lâu dài, chỉ cần những xung đột chính trị bắt đầu giảm căng thẳng là mọi thứ sẽ đi xuống. Nhìn vào kết quả kinh doanh thì hầu hết quý II vừa qua là đỉnh điểm của các doanh nghiệp phân bón, dầu khí, vận tải.