Chưa tạo động lực bứt phá, lan tỏa
Phát biểu tại Hội nghị Thường trực Chính phủ với các doanh nghiệp tư nhân lớn sáng 21/9, ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) - nêu rõ, trong gần 40 năm thực hiện chính sách đổi mới , với các chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng và Nhà nước, hiện nay Việt Nam đã có hơn 930.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó đã xuất hiện một lực lượng doanh nghiệp tư nhân lớn, tích lũy đủ năng lực về quy mô vốn, trình độ công nghệ và quản trị doanh nghiệp, có thương hiệu tại thị trường khu vực và thế giới, trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế như: Tập đoàn Vingroup, Thaco, Hòa Phát…
Tuy nhiên, ông Dũng cũng thẳng thắn đánh giá doanh nghiệp tư nhân “chưa thực sự trở thành lực lượng dẫn dắt nền kinh tế như kỳ vọng”. Tỷ trọng đầu tư vào các ngành, lĩnh vực có tính dẫn dắt, tạo động lực, nhất là trong các lĩnh vực mới như sản xuất năng lượng sạch, chip, vi mạch, bán dẫn, hydrogen... còn thấp.
Hoạt động của các doanh nghiệp lớn còn tương đối độc lập, tính liên kết, lan tỏa, dẫn dắt chưa thể hiện rõ khi tỷ lệ các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp lớn trong nước và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) còn thấp. Các doanh nghiệp lớn chưa thực hiện hết vai trò tiên phong, dẫn dắt quá trình phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, của nền kinh tế.
Về nguyên nhân, ông Dũng cho rằng thể chế, pháp luật còn một số vướng mắc, bất cập. Việc phân cấp, phân quyền, cắt giảm một số quy định, thủ tục hành chính chưa triệt để.
Cần đầu tư vào các lĩnh vực bán dẫn, AI, hạ tầng lớn
Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, khu vực doanh nghiệp tư nhân lớn hiện đang nắm giữ nguồn lực lớn về vốn, tài sản, công nghệ, nhân lực chất lượng cao. Tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản của các doanh nghiệp tư nhân lớn tham dự hội nghị hôm nay đạt khoảng 70 tỷ USD.
“Việc huy động được khối tài sản này cùng với công nghệ, kiến thức, trình độ quản trị, nguồn nhân lực chất lượng cao của các doanh nghiệp này bổ sung một nguồn lực lớn cho nền kinh tế, góp phần đảm bảo tính tự chủ của kinh tế đất nước”, ông Dũng nói.
Đề cập đến mục tiêu đưa nước ta trở thành quốc gia đang phát triển có nền công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT đặt vấn đề về suy nghĩ của các doanh nghiệp lớn đối với đất nước hiện nay là gì? Các doanh nghiệp tin tưởng điều gì và có mong muốn gì? Chính phủ có thể giao nhiệm vụ gì cho doanh nghiệp lớn, đi kèm nguồn lực gì, cơ chế gì?
Ngoài hoạt động kinh doanh nhằm mục tiêu đem lại doanh thu lợi nhuận, theo ông Dũng, các doanh nghiệp lớn cần tham gia cùng với các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước lớn đầu tư vào các lĩnh vực mới của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, như: Xe điện, công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo AI, nông nghiệp chất lượng cao và phát thải thấp…
Các doanh nghiệp lớn cần tham gia vào các dự án lớn của đất nước như: Đường sắt cao tốc Bắc - Nam , đường sắt đô thị, đường cao tốc Viên Chăn - Hà Nội, đường sắt Viên Chăn - Vũng Áng, năng lượng tái tạo, điện gió ngoài khơi…
“Chính phủ mong muốn doanh nghiệp phát huy tinh thần tiên phong, chủ động cùng Chính phủ thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội. Thành công của doanh nghiệp cũng là thành công của đất nước”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.