Công ty Quản lý Nhà Toàn Cầu (Global Home) đang là một trong những doanh nghiệp đầu ngành tại TP.HCM về quản lý bất động sản – đặc biệt là mảng chung cư. Vậy nên, ông Nguyễn Duy Thành – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Global Home, hơn ai hết là người trải nghiệm rõ nhất những tác động khủng khiếp của đại dịch Covid-19 lên doanh nghiệp cũng như người dân.
Qua những quan sát - trải nghiệm của bản thân và doanh nghiệp, ông Nguyễn Duy Thành vừa có một vài góp ý muốn gửi đến các vị lãnh đạo xem xét để phòng, chống dịch Covid 19 sau ngày 15/9 như sau.
Về tổng thể nền kinh tế: Hãy "mở cửa" cho những ai đã tiêm vaccine 2 mũi trên 14 ngày có khai báo "Di biến động" được phép đi đường sẽ hiệu qủa hơn giấy đi đường hiện nay. Cần đẩy nhanh tiêm vaccine 2 mũi. Chúng ta có thể sống chung với đại dịch Covid-19 bằng cách tuân thủ 5K + tiêm vaccine (2 mũi) + cứu chữa cho những bệnh nhân nhiễm Sars Cov-2 nặng.
Tiêm đủ 2 liều vaccine cho tất cả chủ doanh nghiệp. Các chủ doanh nghiệp là người tạo ra việc làm, đóng thuế, góp phần phát triển xã hội. Giả định họ bị nhiễm Covid hay tử vong thì tương lai doanh nghiệp sẽ như thế nào?!
Về ngành quản lý bất động sản: công tác quản lý chung cư giữa bão Covid-19 "khó trăm bề". Nhà nước, nếu có thể, hãy thống nhất 1 ứng dụng app Quản lý hiệu quả (hiện nay có nhiều ứng dụng quản lý gây rối thông tin cho dân cư).
Công nhận các Ban quản lý chung cư/Ban quản trị là ban chỉ đạo phòng chống Covid tại chung cư và có các thẩm quyền như tuyến cơ sở. Đồng thời, lực lượng này được ưu tiên tiêm đủ 2 mũi vaccine, được cấp quyền ghi nhận hình ảnh cư dân vi phạm 5K gửi Chủ tịch UBND phường/xã ra quyết định xử phạt, cưỡng chế…
"Việc chính quyền đi chợ hộ bị nhiều cư dân phản ánh bất hợp lý, siêu thị phải điều chỉnh gấp. Phải làm sao để không còn những cuộc hồi hương bất đắc dĩ. Quản lý hiệu quả việc cấp thuốc - gói an sinh các trường hợp F0 cách ly tại nhà.
Văn bản chỉ đạo ban hành cần rõ nội dung hơn để thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân làm theo (nhiều văn bản từng ban hành câu chữ khó hiểu dẫn đến người dân, địa phương hiểu sai khi áp dụng). Triệt để ngăn chặn các thông tin gây nhiễu trên mạng xã hội.
Với các đề xuất góp ý bên trên, tôi hy vọng phần nào đó sẽ giúp TP.HCM nói riêng và cả nước vượt qua đại dịch một cách nhanh nhất để nhà nhà, người người trở lại cuộc sống bình thường", ông Nguyễn Duy Thành cho biết.
Ông Nguyễn Duy Thành – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Global Home
Là một Chuyên gia về quản trị cũng như từng là Chủ tịch PepsiCo Đông Dương, ông Phạm Phú Ngọc Trai lại có góc nhìn toàn cục và cụ thể hơn về mô hình phối hợp nhà nước và doanh nghiệp trong phòng chống dịch Covid-19, sản xuất phục hồi kinh tế.
Về phía nhà nước: cần cung cấp vaccine bằng cách quản lý phân bố theo số lượng, phân cấp quản lý các đầu mối là đối tượng doanh nghiệp; quản lý y tế an toàn, ban hành quy trình – quy định, theo dõi và đánh giá tuân thủ; quản lý lưu thông: cấp QR Code cho người lao động, Passport vaccine, cấp QR Code cho vận tài hàng hóa – nguyên vật liệu.
Nhà nước cần hỗ trợ công nhân từ ngân sách Nhà nước, từ quỹ BHXH/công đoàn; hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp như miễn giảm nghĩa vụ thuế - phí, cung ứng tiền cho ngân hàng thương mại hoãn nợ - giảm lãi suất.
Về doanh nghiệp: tổ chức tiêm vaccine, các doanh nghiệp đăng ký nhu cầu vaccine với đầu mối quản lý, tự tổ chức tiêm với các đơn vị dịch vụ; y tế doanh nghiệp tại chỗ: tự chủ test sàng lọc, cách ly – chăm sóc F0, giám sát F1. Doanh nghiệp cũng cần quản lý lộ trình nguyên vật liệu/hàng hóa chặt chẽ hơn, di chuyển người lao động khi cần thiết.
Doanh nghiệp tích cực tiếp nhận chi trả cho người lao động: tăng phụ cấp cho người lao động đang sản xuất, hỗ trợ người lao động đang ngừng việc; tài chính doanh nghiệp: đăng ký miễn –giảm nghĩa vụ tài chính với cơ quan Nhà nước, đăng ký hồ sơ gia hạn nợ, giảm lãi suất với Ngân hàng thương mại.
Mô hình doanh nghiệp sản xuất kinh doanh an toàn trong dịch Covid-19 sẽ gồm: an toàn vận hàng, an sinh lao động, a tâm y tế.
An toàn vận hành: làm quy trình PCDA theo ISO 45005-2020, thực hiện 5K cho người lao động – khu vực làm việc – khách hàng, phối hợp với cơ quan quản lý địa phương về đăng ký di chuyển.
An sinh lao động: chăm lo sức khỏe tinh thần, y tế và vật chất cho người lao động cùng gia đình của họ, chú trọng công tác truyền thông nội bộ; phục cấp cho người lao động tình nguyện tham gia 3T; trợ cấp tối thiểu cho công nhân ngừng việc.
An tâm y tế: tự chủ sàn lọc y tế, y tế tại chỗ - cách ly và chăm sóc F0, hợp tác chia sẻ mô hình y tế tại chỗ với trung tâm chăm sóc y tế cho cụm và nhóm doanh nghiệp.
Ông Furusawa Yasuyuki – tân Tổng Giám đốc AEON Việt Nam
Đại diện cho các doanh nghiệp trong mảng FMCG và FDI, ông Furusawa Yasuyuki – Tổng Giám đốc AEON Việt Nam, cũng có những đề xuất sau.
Về thuế: kiến nghị kéo giãn thời gian nộp thuế GTGT, bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế. Lộ trình có thể xem xét lùi thời hạn nộp 3 - 6 tháng và áp dụng trong 6 tháng trở lên để đủ nguồn hỗ trợ trong 1 thời gian phù hợp.
Qua đó các doanh nghiệp có đủ nguồn lực hỗ trợ tài chính tạm thời cho nhân viên, duy trì sản xuất kinh doanh trong thời gian dịch bệnh, đa phần các hoạt động kinh doanh chính đều bị ảnh hưởng; tăng tỷ lệ giảm thuế thu nhập doanh nghiệp trong một thời gian nhất định, bên cạnh các chính sách đã được Chính phủ công bố.
Về phòng chống Covid-19: kiến nghị các cơ quan và đơn vị y tế giảm giá dịch vụ xét nghiệm Covid-19, nhằm giảm áp lực chi phí cho doanh nghiệp. Với yêu cầu hiện tại, các doanh nghiệp đang phải chi trả khoản chi phí rất lớn cho việc xét nghiệm cho nhân viên, đặc biệt là các doanh nghiệp sử dụng cả ngàn lao động.
Ví dụ: một số đơn vị phải xét nghiệm 3 ngày/ lần, có tháng lên đến 10 lần với phí xét nghiệm hiện tại trung bình từ 1.5 triệu – 3 triệu/ nhân viên.
Về tiêm chủng vaccine: kiến nghị tiếp tục hỗ trợ ưu tiên phân bổ và tiêm vắc xin (mũi 2) cho người lao động đang làm việc tại các hệ thống bán lẻ phân phối hàng hóa thiết yếu tại khu vực TP.HCM.
"Bên cạnh đó, chúng tôi kiến nghị tối ưu và đơn giản hóa các thủ tục xuất nhập khẩu, để đẩy nhanh các hoạt động xuất nhập khẩu của các công ty FDI, trong đó có AEON; nhằm chuẩn bị cho giai đoạn hậu Covid-19 khi nhu cầu hàng hóa tăng trở lại, lượng hàng cần nhập khẩu theo đó cũng sẽ tăng cao.
Hiện tại, số lượng hàng hóa lưu kho, ứ đọng, chưa thể nhập khẩu còn rất nhiều do một số đơn vị cơ quan hải quan và hoạt động thông quan đang phải tạm ngừng do ảnh hưởng của dịch bệnh. Nếu chúng ta không sớm có giải pháp, khả năng tình hình sẽ rất khó khăn cho cả 2 phía: cơ quan Hải quan và doanh nghiệp xuất nhập khẩu", ông Furusawa Yasuyuki kết luận.