Chứng khoán

Các CTCK đã chi trả bao nhiêu cho ban điều hành và HĐQT trong 6 tháng đầu năm 2023?

Năm 2022, thị trường chứng khoán (TTCK) ghi nhận xu hướng đạt đỉnh (VN-Index quanh 1.500 điểm) vào đầu năm, sau đó giảm sâu kéo dài đến tháng 11 cùng năm, đi cùng với thanh khoản giảm sút. Sau đó thị trường bắt đầu hồi phục dần, tăng trưởng mạnh vào quý II/2023 cùng giao dịch sôi động trở lại.

Trong bối cảnh liên tục thay đổi đó, một số trường hợp ghi nhận thu nhập của hội đồng quản trị (HĐQT) và lương ban điều hành (BĐH) 6 tháng đầu năm 2023 có xu hướng tăng so với cùng kỳ.

Giai đoạn 6 tháng đầu năm ghi nhận nhiều CTCK đã tăng khoản lương/thu nhập cho các nhân sự cấp cao. (Ảnh minh họa).

Tính đến 5/8, hầu hết các công ty chứng khoán (CTCK) đã công bố báo cáo tài chính (BCTC) quý II tự lập. Tuy nhiên, theo quan sát, không có nhiều đơn vị thuyết minh khoản thu nhập một cách chi tiết, khi khoản thu nhập của HĐQT và lương BĐH thường được cộng chung.

Theo Khoản 3 Điều 163 Luật Doanh nghiệp 2020: “Thù lao của từng thành viên HĐQT, tiền lương của giám đốc hoặc tổng giám đốc và người quản lý khác được tính vào chi phí kinh doanh của công ty theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp, được thể hiện thành mục riêng trong báo cáo tài chính hằng năm của công ty và phải báo cáo ĐHĐCĐ tại cuộc họp thường niên”. Như vậy, nhiều đơn vị có thể còn “chờ” đến BCTC năm mới công bố thuyết minh chi tiết thu nhập từng thành viên HĐQT và BĐH.

Xét trường hợp Chứng khoán SSI (Mã: SSI), ông lớn ghi nhận trong 6 tháng đầu 2023, thu nhập của HĐQT và lương BĐH số tiền 8,1 tỷ đồng, giảm 13% so với cùng kỳ năm trước.

Về tình hình kinh doanh, tổng doanh thu hoạt động trong quý II/2023 của SSI đạt gần 1.575 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trước thuế của công ty đạt gần 656 tỷ đồng, tăng 26,6%. So với quý đầu năm, doanh thu hoạt động và lãi trước thuế của công ty tăng lần lượt 9,42% và 11,13%. Theo dõi từng quý, mức lợi nhuận trong quý II/2023 của SSI hiện cao nhất trong 5 quý trở lại, trong khi doanh thu cao nhất trong 4 quý.

 

Chứng khoán HSC (Mã: HCM) ghi nhận lương và các quyền lợi gộp khác quý II của HĐQT và ban tổng giám đốc đạt 4,25 tỷ đồng, trong đó chi tiết lương/thù lao từng thành viên đều bằng với quý I. Tổng thu nhập HĐQT (7 thành viên) và lương tổng giám đốc giai đoạn 6 tháng đầu năm nay đạt trên 8.500 tỷ đồng. Trong đó Chủ tịch HĐQT - ông Johan Nyvene có thù lao 1,48 tỷ và Tổng giám đốc (CEO) - ông Trịnh Hoài Giang có lương 4,8 tỷ đồng. So với cùng kỳ 6 tháng đầu năm 2022, khoản chi của HSC tăng 17%.

HSC hiện đang giữ vị trí thứ 4 trong Top10 thị phần môi giới trên HOSE giai đoạn 6 tháng đầu năm, với 5,3% thị phần. Đáng chú ý trong quý II vừa qua, CTCK này đã rời khỏi Top5, xuống vị trí thứ 6 với thị phần 4,98%, đồng thời là mức thấp nhất trong lịch sử (của HSC) nhiều năm hoạt động.

Về tình hình kinh doanh, 6 tháng đầu năm, HSC ghi nhận doanh thu 1.218 tỷ đồng và lãi sau thuế 281 tỷ đồng, lần lượt giảm 46% và 50% so với cùng kỳ năm 2022. Công ty đã thực hiện 44% kế hoạch doanh thu và 39% chỉ tiêu lợi nhuận đề ra cả năm.

Trong nửa đầu năm, đáng chú ý là HSC giao dịch chứng quyền có đảm bảo 630 tỷ đồng và giao dịch hợp đồng tương lai 25.144 tỷ đồng. Tính chung, HSC đã giao dịch 25.773 tỷ đồng chứng khoán phái sinh, tương đương hơn 1 tỷ USD. Con số này của phía nhà đầu tư (khách hàng giao dịch phái sinh tại HSC) là 676.960 tỷ đồng, tương đương khoảng 26,5 tỷ USD. Mặt khác, vào tháng 6, HSC công bố về việc được ba ngân hàng phê duyệt cấp tín dụng với tổng hạn mức cấp tín dụng tới 11.000 tỷ đồng.

(Nguồn: BCTC quý II của HSC).

Với Chứng khoán VNDirect (Mã: VND), khoản thu nhập HĐQT và lương BĐH 6 tháng đầu năm là 12,1 tỷ đồng, giảm 11% so với cùng kỳ 2022. Cơ cấu nhân sự cấp cao của VNDirect đã có thay đổi chéo giữa HĐQT và Ban tổng giám đốc. Trong đó, bà Phạm Minh Hương (sinh năm 1966) rời chức vụ chủ tịch HĐQT sau 17 năm đảm nhiệm, với lý do để đảm nhiệm chức danh tổng giám đốc, người đại diện theo pháp luật của VNDirect. Người được bầu thay thế bà Phạm Minh Hương đảm nhiệm vai trò chức danh Chủ tịch HĐQT là ông Nguyễn Vũ Long (sinh năm 1987).

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2023 diễn ra vào tháng 6, ban lãnh đạo VNDirect đã nhận được hàng loạt câu hỏi liên quan đến trái phiếu của CTCP Đầu tư Xây dựng Trung Nam. Bà Phạm Minh Hương thừa nhận, cổ phiếu VND gần như gắn liền với câu chuyện của Trung Nam và mức độ rủi ro đang lớn hơn các doanh nghiệp phát hành khác. Áp lực là có khi VNDirect đang mất lượng lớn vốn vào Trung Nam.

"Chúng tôi đánh giá đây là rủi ro tạm thời của thanh khoản, chứ không phải mô hình kinh tế, khó khăn khác… Chúng tôi đều đã đánh giá rất kỹ các yếu tố về chính sách trước khi bảo lãnh phát hành. Tuy nhiên, rủi ro không lường được là việc bán lại của nhà đầu tư sau sự kiện Vạn Thịnh Phát. Lúc đó, kinh nghiệm xử lý của nhóm nguồn vốn chưa tốt nên phải mua lại lượng lớn trái phiếu.

Bên cạnh đó trong quá trình bán, việc tư vấn trái phiếu chưa đúng bản chất nên chúng tôi buộc phải mua lại bảo vệ nhà đầu tư cũng như thị trường để tránh khỏi rủi ro. Do đó, rủi ro của VNDirect với Trung Nam tăng lên đáng kể" - bà Hương cho biết.

Hiện nay, tài sản đảm bảo mà VNDirect đang nắm giữ bao gồm toàn bộ nền tảng về năng lượng của Trung Nam. Bà Hương đánh giá đây là một mảng tiềm năng của nền kinh tế cũng như là nhu cầu thiết yếu. CEO của VNDirect nhìn nhận vụ việc trái phiếu Trung Nam là bài học đắt giá. Đây cũng là một trong những lý do công ty quyết định tăng vốn để phục vụ cho hoạt động bảo lãnh phát hành và tạo thêm sản phẩm cho nhà đầu tư.

Chứng khoán VPBank (VPBankS) ghi nhận khoản thu nhập HĐQT (3 người) và lương BĐH 6 tháng đầu năm đạt trên 4.500 tỷ đồng, gấp khoảngba3 lần so với con số trên 1.400 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước.

Tân Chủ tịch HĐQT của VPBankS - ông Ngô Phương Chí (bổ nhiệm tháng 9/2022) không nhận bất kỳ khoản thù lao nào trong 6 tháng đầu năm 2023. Trong khi đó, tiền lương cho ban tổng giám đốc tăng cao, đạt 1,2 tỷ đồng trong quý I và 3 tỷ đồng trong quý II. Tính chung 6 tháng đầu năm, khoản lương ban tổng giám đốc VPBankS đạt 4,2 tỷ đồng, gấp 3,5 lần cùng kỳ năm 2022 (trên 1,2 tỷ đồng). Đây là lý do chính khiến chỉ tiêu thu nhập HĐQT và lương BĐH tăng mạnh.

Sau đợt tăng vốn vào năm 2022, VPBankS hiện là đơn vị có vốn điều lệ lớn thứ hai ngành chứng khoán với 15.000 tỷ đồng (SSI xếp đầu với 15.011 tỷ đồng và dự kiến sắp tăng lên 16.000 tỷ đồng). Công ty này cho biết việc sở hữu lượng vốn lớn là một lợi thế, giúp trong việc triển khai nhiều nghiệp vụ.

Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm, doanh thu hoạt động đạt 884 tỷ đồng và lãi sau thuế 573 tỷ đồng, gấp lần lượt 5,4 lần và 7,7 lần so với nền thấp của cùng kỳ năm 2022. Công ty đã thực hiện 45% kế hoạch lợi nhuận năm 2023 đề ra. Đáng chú ý trong quý II, VPBankS đã phát sinh khoản đầu tư cổ phiếu chưa niêm yết với giá trị 715 tỷ đồng (không niêm yết cụ thể đã mua mã nào).

(Nguồn: BCTC quý II của VPBankS).

Một trường hợp cũng tăng đáng kể thu nhập HĐQT và lương BĐH là Chứng khoán Agribank (Agriseco, mã: AGR). Khoản tiền chi trong 6 tháng đầu năm đạt gần 4,3 tỷ đồng, gấp 2,4 lần so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, HĐQT có 5 người (tạm tính cả bà Đinh Ngọc Phương miễn nhiệm vào cuối tháng 4) và BĐH có 3 người. Trong đó, Chủ tịch HĐQT – ông Phan Văn Tuấn và CEO - ông Lê Sơn Tùng nhận lần lượt 761 triệu và 701 triệu đồng, gấp 2,4 – 2,8 lần cùng kỳ năm trước.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu hoạt động của Agriseco giảm 9% so với cùng kỳ xuống còn 172 tỷ đồng. Lãi sau thuế đạt 86 tỷ đồng, tăng 19% so với quý II/2022. Năm 2023, Agriseco đặt kế hoạch doanh thu hoạt động 440 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 182 tỷ đồng. So với kết quả thực hiện trong nửa đầu năm, công ty đã thực hiện 39% chỉ tiêu doanh thu và 59% chỉ tiêu lợi nhuận năm.

(Nguồn: BCTC 6 tháng của Agriseco).

Cùng chuyên mục

Đọc thêm