Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent nhấn mạnh như vậy trong cuộc trò chuyện độc quyền với chương trình "Squawk Box" của kênh CNBC hôm 8-4. "Chúng ta dựng lên một bức tường thuế quan, với mục tiêu cuối cùng là đưa công việc trở lại Mỹ. Trong khi đó, chúng ta sẽ thu được một lượng thuế quan đáng kể" - ông Bessent nói.
Đây cũng là điều mà Tổng thống Donald Trump nhiều lần nhắc đến. "Chúng ta sẽ thúc đẩy mạnh mẽ cơ sở công nghiệp trong nước, mở rộng các thị trường nước ngoài và phá vỡ các rào cản thương mại quốc tế. Cuối cùng, sản xuất nhiều hơn trong nước đồng nghĩa với thúc đẩy cạnh tranh và giá cả thấp hơn cho người tiêu dùng" - ông nói trong một cuộc họp báo gần đây.
Nhưng thực tế không đơn giản như vậy, theo các chuyên gia!
Ông Harry Moser, chủ tịch tổ chức phi lợi nhuận Reshoring Initiative, cho biết Mỹ đã mất khoảng 6 triệu việc làm trong 4-5 thập kỷ qua khi các công ty chuyển hoạt động ra nước ngoài, phần lớn để giảm chi phí. Theo ông, thuế quan có thể là bước khởi đầu tốt để đảo ngược quá trình này song mức thuế nên thấp hơn những gì ông chủ Nhà Trắng đã công bố.
Ông Christopher Tang - giáo sư tại Trường Kinh doanh Anderson của Đại học California tại Los Angeles (Mỹ) - phân tích: "Rất nhiều công ty không biết nên thiết kế lại chuỗi cung ứng như thế nào khi chính sách thương mại hiện nay không rõ ràng và 4 năm nữa không biết ra sao. Những khoản đầu tư này lên tới hàng tỉ USD, họ không thể thay đổi một cách đột ngột". Ngoài ra, sự tự tin của người tiêu dùng đã bị ảnh hưởng và đây sẽ là yếu tố quyết định đối với doanh nghiệp trong việc tái công nghiệp hóa - theo ông Manish Kabra, chuyên gia của Ngân hàng Societe Generale (Pháp).
Chuyên gia phân tích của Ngân hàng Morgan Stanley (Mỹ), Chris Snyder, cho rằng sẽ không có làn sóng lớn các dự án quay lại Mỹ trong thời gian ngắn, thay vào đó là các khoản đầu tư nhỏ có thể giúp tăng sản lượng khoảng 2%. Trong khi đó, Mỹ còn phải chuẩn bị nhiều thứ trước khi các công ty quay lại. "Chúng ta không có cơ sở hạ tầng, chúng ta không có đủ công nhân" - ông Tang nói.
Đó là điều được ông Casey Barnett, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Campuchia, nhắc đến với CNBC. Theo ông Barnett, các nhà máy may gia công tại Campuchia hoàn toàn không thể tiếp tục hoạt động với mức thuế quan bổ sung 49% và các nhà sản xuất đang tìm kiếm nơi khác để chuyển đi, như sang Ai Cập, khu vực châu Phi hạ Sahara, Ấn Độ, Indonesia... "Nhưng họ hoàn toàn không có ý định quay lại Mỹ. Tôi không thể tưởng tượng người Mỹ chịu ngồi xuống may quần thể thao trong nhiều giờ mỗi ngày" - ông Barnett giải thích.