Chiều 29/4, Bộ Tài chính đã có văn bản trả lời một số vấn đề đang được dư luận quan tâm trong tháng 4/2022.
Cụ thể, trong lĩnh vực chứng khoán, Bộ Tài chính cho biết TTCK Việt Nam năm 2021 và những tháng đầu năm 2022 nhìn chung vẫn phát triển ổn định, khẳng định vai trò là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho Chính phủ và cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, thời gian gần đây, TTCK Việt Nam bị tác động nhất định bởi diễn biến tiêu cực trong và ngoài nước như sự gia tăng lãi suất tại Mỹ, cuộc chiến thương mại giữa các quốc gia, tình hình địa chính trị, giá dầu mỏ tăng cao, biến động trên thị trường tài chính - tiền tệ quốc tế.
Trên cơ sở công tác giám sát, UBCKNN nhận thấy có những mã cổ phiếu niêm yết, đăng ký giao dịch có biến động mạnh về khối lượng giao dịch, về giá, trong đó có một số biến động có dấu hiệu bất thường. Qua ghi nhận, một số báo, tạp chí, trang thông tin điện tử cũng đã đưa thông tin về hiện tượng tăng giá của một số mã cổ phiếu trên TTCK.
Bộ Tài chính khẳng định, quy định pháp luật về công tác giám sát giao dịch bất thường, xử lý các giao dịch thao túng đã được ban hành đầy đủ. Đồng thời, dưới sự chỉ đạo của Bộ Tài chính, UBCKNN đã quyết liệt thực hiện công tác giám sát, kiểm tra và xử lý các vụ việc thao túng TTCK, điển hình UBCKNN đã có khuyến nghị và cảnh báo nhà đầu tư khi tham gia các hội nhóm chứng khoán, đang tiếp tục tăng cường giám sát, xử lý thông tin trên không gian mạng, phối hợp với các cơ quan chức năng trong phát hiện và xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm quy định của Luật Chứng khoán (vụ án Đặng Như Quỳnh đăng tải thông tin thất thiệt trên trang Facebook cá nhân gây ảnh hưởng tiêu cực đến TTCK, tháng 4/2022).
UBCKNN cũng tăng cường công tác giám sát, xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định giao dịch, công bố thông tin, đặc biệt là hoạt động giao dịch, CBTT của các cổ đông lớn, cổ đông sáng lập, ban lãnh đạo doanh nghiệp (vụ án Trịnh Văn Quyết bị khởi tố về hành vi "Thao túng thị trường chứng khoán", "Che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán", tháng 3/2022). Song song với đó là tăng cường kiểm soát hoạt động của công ty chứng khoán, nhất là hoạt động cho vay sử dụng đòn bẩy tài chính; xử lý nghiêm công ty chứng khoán tham gia thực hiện thao túng TTCK (vụ án "thao túng thị trường chứng khoán" xảy ra tại Công ty cổ phần chứng khoán Trí Việt, Công ty cổ phần Louis Holdings, tháng 4/2022).
Làm thế nào để ngăn ngừa xung đột lợi ích khi CTCK vừa tự doanh vừa môi giới?
Liên quan tới vấn đề báo chí phản ánh về hiện tượng công ty chứng khoán quản lý tài khoản, tư vấn lại vừa thoải mái đầu tư chứng khoán, "vừa đá bòng vừa thổi còi", Bộ Tài chính cho biết theo thông lệ quốc tế, CTCK được phép thực hiện nghiệp vụ tự doanh chứng khoán, bảo lãnh phát hành chứng khoán, môi giới chứng khoán và tư vấn đầu tư chứng khoán.
Khoản 1 Điều 72 Luật Chứng khoán đã quy định, CTCK được cấp phép thực hiện một, một số hoặc toàn bộ nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán gồm: Môi giới chứng khoán, Tự doanh chứng khoán, Bảo lãnh phát hành chứng khoán và Tư vấn đầu tư chứng khoán.
Về ngăn ngừa xung đột lợi ích khi CTCK vừa tự doanh, vừa môi giới chứng khoán, Bộ Tài chính cho biết, quá trình hoạt động, CTCK được cấp phép hoạt động nghiệp vụ tự doanh, quản lý tài khoản khách hàng và tư vấn đầu tư chứng khoán có thể có xung đột lợi ích giữa CTCK và khách hàng.
Do vậy, để ngăn ngừa, Luật Chứng khoán (Điều 89) và các văn bản hướng dẫn (Thông tư số 121/2020/TT-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về hoạt động CTCK) đã quy định hạn chế xung đột lợi ích giữa khách hàng và CTCK (Điều 4, 13, 22) theo đó, CTCK có nghĩa vụ ưu tiên quyền lợi và bảo vệ tài sản khách hàng.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thực hiện giám sát thường xuyên liên tục qua báo cáo hoặc kiểm tra tại chỗ hoạt động của các CTCK nhằm đảm bảo các CTCK hoạt động tuân thủ quy định pháp luật.