Lãi suất đang có dấu hiệu đồng loạt tăng tại nhiều ngân hàng, lãi suất huy động đã được đẩy lên gần 9%/năm.
Trong đó, các nhóm ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước chính thức tăng 0,5 điểm % cho tất cả các kỳ hạn, và các ngân hàng thương mại khác như MB, ACB, Techcombank, VPBank, Sacombank, SHB, VIB, ABBank cũng ghi nhận mức tăng 0,3 - 1 điểm %.
Không chỉ tăng lãi suất, các ngân hàng còn đẩy mạnh chương trình khuyến mại, cộng thêm lãi suất để thu hút dòng tiền nhàn rỗi từ dân cư.
Trên thị trường liên ngân hàng, hoạt động cho vay cũng sôi động không kém, lãi suất bình quân kỳ hạn qua đêm đã tăng vọt từ 5,26% lên 7,88%/năm vào ngày 4/10 và tiếp tục tăng lên 8,44%/năm vào ngày 5/10, mức cao nhất kể từ cuối năm 2012. Lãi suất liên ngân hàng tại nhiều kỳ hạn cũng tăng mạnh.
Lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm đang cao hơn các kỳ hạn dài hơn như 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng. Điều này phần nào phản ánh sự thiếu hụt thanh khoản trong hệ thống khiến các ngân hàng phải vay nóng với lãi suất cao.
Số liệu của Tổng cục thống kê vừa công bố cho thấy, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng tương đối yếu trong 9 tháng đầu năm, khi chỉ tăng 4,04% (cùng thời điểm năm 2021 tăng 4,28%), trong khi tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt tới 10,54%. Điều này đã khiến cho chênh lệch huy động, tín dụng duy trì ở vùng âm kể từ tháng 7 năm nay.
Ngoài ra, sau khi NHNN điều chỉnh nới room tín dụng năm 2022 cho các tổ chức tín dụng có đề nghị, một số ngân hàng đã đẩy mạnh hoạt động giải ngân vốn bị ùn ứ trước đó. Đây cũng là một nguyên nhân dẫn tới thanh khoản căng thẳng cục bộ trong ngắn hạn.
Có hay không dấu hiệu hình thành một đợt tăng lãi suất mới?
Căng thẳng thanh khoản hệ thống là hiện tượng đã xảy ra từ vài tháng nay, theo chuyên gia Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia rất khó để hạ nhiệt khi mà tăng trưởng tín dụng năm nay đã tăng gần 11% khi mà huy động vốn mới chỉ tăng khoảng 5%.
"Hiện tượng một số ngân hàng tăng lãi suất huy động cao tới 9% - 10% chỉ là cục bộ khi họ căng thẳng về thanh khoản chứ không phải là xảy ra ở hầu hết ngân hàng. Các ngân hàng hiện đang vay lẫn nhau trên thị trường liên ngân hàng, tất nhiên là thanh khoản không còn dồi dào như trước", ông Lực nói.
Tuy nhiên, trong ngắn hạn chưa đến mức có một đợt tăng lãi suất mới, khi Ngân hàng Nhà nước vẫn chủ trương ghìm lãi suất cho vay ở mức thấp, chuyên gia Cấn Văn Lực nhìn nhận.
Chuyên gia kinh tế Phạm Thế Anh thì cho rằng, lãi suất thực tế trên thị trường vốn đã tăng rất mạnh. Động thái tăng thêm 1 điểm % thực tế là việc hợp thức hóa lãi suất điều hành chính thức so với lãi suất thị trường. Tuy nhiên, điều này cũng thể hiện NHNN tương đối quyết liệt trong việc bảo vệ đồng nội tệ, hạn chế việc chuyển dịch dòng vốn đầu tư nước ngoài ra khỏi Việt Nam; phòng ngừa lạm phát từ xa.
Do đó, nếu muốn "ghìm cương" lãi suất cho vay, NHNN sẽ không để thanh khoản hệ thống quá căng thẳng vì khi trạng thái đó xảy ra ngay lập tức có thể làm tăng lãi suất.
"Kể cả khi Ngân hàng Nhà nước chưa công bố tăng lãi suất điều hành nhưng thanh khoản hệ thống căng thẳng thì lãi suất thị trường đã tăng", ông Thế Anh nói.
Nhìn nhận từ góc độ vĩ mô, CEO WiGroup Trần Ngọc Báu lại cho rằng, từ giờ đến cuối năm sẽ còn một lần tăng lãi suất nữa ít nhất trong quý tới. Hai nguyên nhân dẫn đến điều này là mặt bằng chung lãi suất của Việt Nam vẫn thấp hơn lãi suất của Mỹ và lãi suất chính sách đang không theo kịp lãi suất thị trường.
Ông Báu phân tích, trong lần điều chỉnh lãi suất vừa rồi, NHNN đã tạo ra vùng lãi suất mục tiêu trong khoảng 4-5%, song lãi suất thị trường đã tăng từ tháng 6.
Vì vậy, NHNN có thể sẽ đưa ra một đợt tăng lãi suất mới để giảm áp lực lên tỷ giá. Tuy nhiên, lãi suất có tăng cũng chỉ tăng từ 1-1,5%, tác động đến tăng trưởng kinh tế là không nhiều. Về suy giảm tài sản tài chính, áp lực của việc tăng lãi suất lên tài sản tài chính đã được phản ánh và không còn quá nhiều trong tương lai.
Đồng thời, ông Báu cũng dự báo, khi thanh khoản hệ thống ngân hàng gặp khó khăn sẽ làm cho mặt bằng chung của nền kinh tế bắt đầu áp lực hơn. Năm 2023, dự báo thanh khoản sẽ căng thẳng hơn gây khó khăn cho thị trường tài chính và tạo sức ép tăng lãi suất.