Tài chính

Bắt tạm giam bà Trương Mỹ Lan: Không ảnh hưởng tới SCB

Ngày 8-10, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, Trung tướng Tô Ân Xô - Chánh Văn phòng kiêm người phát ngôn Bộ Công an - cho biết Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) vừa ra quyết định khởi tố vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn Đầu tư An Đông và các tổ chức, đơn vị liên quan.

Gian dối trong phát hành trái phiếu

Căn cứ kết quả điều tra, C03 đã khởi tố bị can, lệnh bắt để tạm giam, lệnh khám xét đối với bà Trương Mỹ Lan (SN 1956, trú tại TP HCM) - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (VTP).

Ngoài ra, Trương Huệ Vân (SN 1988, trú tại TP HCM) - Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Quản lý bất động sản Windsor; Nguyễn Phương Hồng (SN 1984, trú tại TP HCM), trợ lý Tập đoàn VTP; Hồ Bửu Phương (SN 1972, trú tại TP HCM) - cựu Chủ tịch HĐQT Công ty CP Chứng khoán Tân Việt, cựu Phó Tổng Giám đốc phụ trách tài chính Tập đoàn VTP, cùng bị khởi tố về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Bắt tạm giam bà Trương Mỹ Lan: Không ảnh hưởng tới SCB - Ảnh 1.

Từ trái sang, từ trên xuống: Các bị can Trương Mỹ Lan, Trương Huệ Vân, Nguyễn Phương Hồng và Hồ Bửu Phương tại cơ quan điều tra Ảnh: BỘ CÔNG AN

Kết quả điều tra ban đầu xác định các bị can trên đã có hành vi gian dối trong việc phát hành, mua bán trái phiếu trái quy định của pháp luật để chiếm đoạt hàng ngàn tỉ đồng của người dân trong thời gian 2018 - 2019.

Sau khi VKSND Tối cao phê chuẩn, C03 đã thi hành các thủ tục tố tụng. C03 cũng thực hiện khám xét nơi ở, nơi làm việc của chủ tịch Tập đoàn VTP. Cơ quan Điều tra Bộ Công an đang tập trung lực lượng điều tra hành vi phạm tội của các bị can và triệt để thu hồi tài sản.

Không ảnh hưởng tới SCB

Chiều cùng ngày, tại Trung tâm Báo chí TP HCM, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Chi nhánh TP HCM, Ban Tuyên giáo Thành ủy, Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM đã tổ chức họp báo thông tin về hoạt động của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) sau vụ bà Trương Mỹ Lan và một số người bị khởi tố, bắt tạm giam.

Tại cuộc họp báo, ông Hoàng Minh Hoàn, Phó Tổng Giám đốc phụ trách điều hành SCB, khẳng định Công ty CP Tập đoàn Đầu tư An Đông không phải là cổ đông của SCB. Bà Trương Mỹ Lan cũng không giữ chức vụ quản lý và điều hành tại SCB nên không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của ngân hàng này.

Ông Hoàn cam kết SCB có đầy đủ giải pháp, nguồn lực để bảo đảm quyền lợi và lợi ích của người gửi tiền cũng như quyền, lợi ích của đối tác và khách hàng theo quy định pháp luật. Tại SCB, quyền lợi của khách hàng được đặt vị trí cao nhất. Các nhu cầu, thắc mắc của khách hàng trong mọi tình huống sẽ được xử lý tận tâm, trọn vẹn.

"SCB rất mong tiếp tục nhận được sự đồng hành, ủng hộ và tin tưởng của khách hàng, cổ đông trong thời gian tới" - ông Hoàn nhấn mạnh.

Dưới góc độ quản lý, ông Võ Minh Tuấn, Giám đốc NHNN Chi nhánh TP HCM, khẳng định SCB đang hoạt động bình thường, ổn định. NHNN đã cam kết sẽ có những biện pháp nhằm tiếp tục hoạt động liên tục và ổn định cho SCB. Việc ổn định hệ thống các tổ chức tín dụng trên địa bàn TP HCM cũng như cả nước là một trong những vấn đề rất quan trọng. Những năm qua, NHNN đã có nhiều biện pháp, chính sách để bảo đảm an toàn cho hệ thống các tổ chức tín dụng và tiếp tục những biện pháp cụ thể, quyết liệt để bảo đảm an toàn cho hoạt động chung của hệ thống ngân hàng cũng như SCB.

Thanh khoản ổn định

Trả lời câu hỏi về việc có người lo lắng nên đi rút tiền, ông Võ Minh Tuấn quả quyết tài sản người dân gửi tại SCB cũng như các ngân hàng khác đều được bảo đảm. Người dân không nên hoang mang đi rút tiền trước hạn sẽ ảnh hưởng quyền lợi của mình. Vì nếu rút trước sẽ nhận lãi không kỳ hạn rất thấp (chỉ 0,2-1%/năm), trong khi gửi có kỳ hạn thì từ 7%-8%/năm.

Về tình hình hiện tại của SCB, ông Hoàng Minh Hoàn cho biết tính đến ngày 30-9, SCB có 7 cổ đông nước ngoài (sở hữu 27,91% vốn điều lệ), 4.125 cổ đông trong nước (trong đó 11 cổ đông tổ chức sở hữu 15,70% vốn điều lệ và 4.114 cổ đông cá nhân sở hữu 56,11% vốn điều lệ).

"SCB đã tăng cường lượng tồn quỹ tiền mặt tại các điểm giao dịch để đáp ứng nhu cầu rút tiền của người dân, đồng thời bảo đảm nguồn tiền từ NHNN để ổn định thanh toán. Mọi diễn biến, các số liệu từ SCB đều được nắm sát, báo cáo liên tục, thường xuyên đến NHNN cũng như các bộ, ngành liên quan nhằm bảo đảm cho hoạt động của SCB. Do lượng khách đến đông, có người rút trước hạn số tiền lớn nhưng không báo trước nên để phân luồng, bảo đảm an toàn, an ninh, SCB làm theo hướng dẫn của NHNN là nhờ chính quyền địa phương hỗ trợ để giữ an ninh. Chúng tôi đã kiểm soát tình hình, thanh khoản ổn định. SCB một lần nữa khẳng định luôn bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền đúng theo quy định của pháp luật" - ông Hoàn nhấn mạnh.

Cuối buổi họp báo, ông Từ Lương, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM, đánh giá cao cách xử lý vụ việc của NHNN và SCB trong 2 ngày qua là rất nhanh, đưa thông tin chính xác, tránh được những tin đồn thất thiệt cho người dân gửi tiền cũng như tránh nguy cơ mất an ninh trật tự. 

Thị trường chứng khoán hoạt động bình thường

Cùng ngày, Ủy ban Chứng khoán (UBCK) Nhà nước cũng phát thông điệp trấn an thị trường. Theo UBCK Nhà nước, mức độ sai phạm và biện pháp xử lý vụ việc nêu trên sẽ được các cơ quan chức năng liên quan làm rõ theo đúng trình tự và quy định của pháp luật.

UBCK Nhà nước khẳng định thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn được vận hành và hoạt động bình thường. Chính phủ, Bộ Tài chính và các cơ quan quản lý đã, đang chỉ đạo sát sao để tập trung các giải pháp hỗ trợ thị trường chứng khoán phát triển ổn định, lành mạnh, bền vững. UBCK Nhà nước khuyến nghị các nhà đầu tư cần bình tĩnh, phân tích cụ thể rủi ro và tiềm năng, cơ hội trên thị trường chứng khoán để ra quyết định đầu tư hiệu quả.

M.Chiến

Ngân hàng Nhà nước bảo đảm an toàn hoạt động chung

Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết trong mấy ngày qua, có những thông tin không tích cực về SCB trên mạng xã hội. NHNN đã thông tin kịp thời trên website NHNN để khẳng định sẽ có những biện pháp nhằm tiếp tục bảo đảm hoạt động liên tục và ổn định cho SCB, đồng thời cũng sẽ có những giải pháp, chính sách theo đúng quy định của pháp luật để bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền tại ngân hàng này.

"Chúng tôi khuyến cáo người dân có tiền gửi tại SCB cần thận trọng trước khi quyết định rút tiền, nhất là những khoản tiền gửi rút trước hạn, vì khi đó sẽ làm ảnh hưởng đến quyền lợi của mình đáng ra được hưởng về lãi suất có thời hạn tại SCB" - ông Đào Minh Tú nói.

Về hiện tượng nhân viên ngân hàng khác chào mời các khách hàng rút tiền tại SCB để gửi vào ngân hàng mình, NHNN đã có công điện yêu cầu tất cả chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc các ngân hàng thương mại, giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra, giám sát để xử lý các trường hợp vi phạm. Bởi lẽ, việc cán bộ ngân hàng thương mại vận động, lôi kéo khách hàng của SCB rút tiền gửi để gửi sang ngân hàng mình là cạnh tranh không lành mạnh, có thể tạo ra sự bất ổn cho SCB lúc này và mất an toàn chung cho hệ thống ngân hàng.

"An toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng là một trong những vấn đề rất quan trọng trong nhiều năm qua. NHNN và các bộ, ngành chức năng đã có nhiều biện pháp, chính sách để bảo đảm an toàn cho cả hệ thống tổ chức tín dụng. Thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục có những biện pháp cụ thể, quyết liệt để bảo đảm an toàn hoạt động chung cũng như của SCB; đồng thời có những biện pháp theo quy định của pháp luật để bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền tại ngân hàng" - ông Đào Minh Tú nhấn mạnh.

Lãnh đạo NHNN mong những người gửi tiền, những khách hàng vay vốn tại SCB sẽ tiếp tục hợp tác trên tinh thần tích cực, để tạo điều kiện cho sự hoạt động ổn định, liên tục của ngân hàng trong thời gian tới.

Thái Phương

Cùng chuyên mục

Đọc thêm