“Thị trường chứng khoán đã rẻ chưa? Thị trường đã chạm đáy chưa?” là những câu hỏi được nhiều nhà đầu tư ở giai đoạn hiện tại khi VnIndex đã giảm 22,2% kể từ mức đỉnh hồi tháng 4.
Rất hiếm khi P/E thị trường ở dưới mức hiện tại
Chia sẻ tại diễn đàn Quản lý đầu tư cá nhân trong môi trường linh hoạt do báo Đầu tư tổ chức sáng ngày 15/7, bà Nguyễn Thị Hằng Nga- Phó Tổng giám đốc Công ty quản lý quỹ Vietcombank (VCBF) cho biết trong vòng 10 năm vừa qua chỉ có 3 lần thị trường dưới mức P/E hiện tại.
Bà Hằng cho biết trừ giai đoạn 2010-2013 thị trường có mức lạm phát và lãi suất rất cao từ 18-20%, P/E dưới mức hiện tại trong vòng khoảng 3 năm. Những giai đoạn khác tính từ khi thị trường thành lập đến nay kể cả trong đợt khủng hoảng 2008-2009 thì P/E dưới mức hiện tại cũng chỉ kéo dài 3 quý. Giai đoạn 2015-2016 tình trạng này chỉ kéo dài 2 quý, còn năm 2020 chỉ kéo dài trong 1 tháng.
Chuyên gia quản lý quỹ này cho rằng khả năng xảy ra bối cảnh tương tự giai đoạn 2010-2013 chắc chắn không xảy ra. Bản thân bà Hằng Nga rất lạc quan về triển vọng dài hạn của kinh tế Việt Nam bởi câu chuyện rất khác so với thế giới.
Bà Nguyễn Thị Hằng Nga- Phó Tổng giám đốc Công ty quản lý quỹ Vietcombank (VCBF)
“Nếu nhìn vào cơ hội như vậy thì chúng ta đừng quá chờ đợi thị trường giảm thêm nữa mình mới bắt đầu đầu tư. Tôi nghĩ để đầu tư đúng đáy thực sự rất khó và nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett từng nói: "Khi bạn thấy một tài sản rẻ rồi thì đừng chờ nó rẻ thêm nữa để mà mua".
Chúng ta nhìn lại phân bổ tài sản của mình, đang có bao nhiêu trái phiếu, bao nhiêu cổ phiếu, bao nhiêu tiền gửi và tỷ trọng chúng ta có thể tăng thêm cho phần cổ phiếu là bao nhiêu. Tôi nghĩ đây là cơ hội để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục đầu tư của mình. Bởi vì nó có thể rẻ nữa nhưng chúng ta không phải đợi đến đáy mới đầu tư. Có khi thị trường vượt qua đáy chúng ta vẫn nghĩ chưa vượt. Đến khi thị trường lên đến rất lâu rồi thì chúng ta mới thấy ổn, lên chắc chắn rồi thì có khi là đỉnh đấy.”, Phó giám đốc quỹ VCBF chia sẻ.
Cơ hội về cuối năm sẽ càng nhiều
Trái ngược với quan điểm của bà Hằng Nga, CEO Passion Investment Lã Giang Trung đánh giá khá thận trọng về bối cảnh kinh tế vĩ mô trong chương trình thảo luận Chiến lược đầu tư 6 tháng cuối năm và tầm nhìn 2023 do VnDirect tổ chức mới đây.
Theo ông Trung, kinh tế Việt Nam thường diễn biến chậm hơn châu Âu, Mỹ từ 1-2 quý. CEO Passion Investment cho rằng kinh tế Mỹ hiện đã lập đỉnh và đang đi xuống. Điều này có nghĩa là kinh tế Việt Nam đang ở trong giai đoạn đỉnh. Chuyên gia này cho rằng trên thị trường chứng khoán các nhà đầu tư rất thông minh và phản ứng rất nhanh. Hiện chứng khoán Việt Nam đã giảm ngang với chứng khoán Mỹ.
Ngoài ra xét về điều hành kinh tế, ông Lã Giang Trung cho biết hiện tăng trưởng kinh tế ở mức tốt nên cơ quan quản lý sẽ tập trung kiểm soát lạm phát. Vì vậy chuyên gia này cho rằng sẽ không có những biện pháp nới lỏng tiền tệ trong thời gian tới để kiểm soát lạm phát.
Đánh giá về bối cảnh vĩ mô thế giới, chính sách thắt chặt tiền tệ trên thế giới và thắt chặt tiền tệ Việt Nam cũng như vấn đề tỷ giá, ông Trung cho rằng thị trường chứng khoán nửa cuối năm vẫn còn đi xuống. Giai đoạn từ giờ đến cuối năm không phải là tích cực với thị trường chứng khoán Việt Nam.
CEO Passion Investment Lã Giang Trung
“Nhưng mà có điểm tích cực ở đây là chúng ta đi nửa con đường rồi thì còn nửa con đường nữa, hết con đường thì nó lại quay lại vòng mới. Mặc dù thị trường giảm 20% thôi nhưng có nhiều nhóm cổ phiếu giảm 60-70%. Và có thể thị trường giảm thêm ở nửa cuối năm thì có những nhóm cổ phiếu không giảm nữa hoặc giảm ít thôi. Vậy nếu nhìn vào cổ phiếu riêng biệt thì có những cổ phiếu chúng ta có thể nghiên cứu vào tầm ngắm ở mức giá quanh đây. Thị trường không quá tích cực nhưng cơ hội đã bắt đầu xuất hiện và càng về cuối năm thì cơ hội càng nhiều.”, CEO Passion Investment nhận định.
Ngoài ra ông Lã Giang Trung cho biết thị trường Việt Nam độ mở rất cao nên diễn biến sẽ tương đồng với thị trường chứng khoán thế giới. Chuyên gia này đưa ra một vài thống kê về chứng khoán Mỹ. Nếu kinh tế suy thoái nhẹ chứng khoán Mỹ sẽ giảm khoảng 25%, nếu suy thoái lớn hơn hoặc khủng hoảng thì thị trường giảm 30-50%. Hiện tại chỉ số S&P500 đã giảm 25% nên có thể thấy kinh tế Mỹ đã chịu áp lực suy thoái. Nếu suy thoái nặng thì thị trường có thể giảm 10-15%, nếu khủng hoảng xảy ra thì giảm thêm 25%.
“Câu chuyện thị trường chứng khoán Việt Nam cũng vậy thôi. Thị trường thế giới ổn, suy thoái nhẹ thì thị trường chứng khoán Việt Nam giảm 25% từ đỉnh. Còn nếu suy thoái nặng hơn thì có thể giảm 35% từ đỉnh. Còn nếu kinh tế thế giới khủng hoảng thì phải 50% từ đỉnh. Đó là những mốc chúng ta nhìn ra. Nếu diễn biến kinh tế vĩ mô thế giới như trên thì chúng ta có kịch bản để đầu tư. Chúng ta đang ở trong thị trường giá xuống và đã đi được ít nhất 1 nửa hoặc 3/4, đà giảm của thị trường thì chỉ còn đoạn ngắn thôi. Nhưng đoạn cuối khá là gắt, nhiều biến cố xảy ra”,ông Trung phân tích.