Gan là cơ quan có chức năng chuyển hóa thực phẩm thành các chất dinh dưỡng nuôi cơ thể, ngoài ra gan còn có chức năng sản xuất, bài tiết mật, điều hòa hormon, tổng hợp enzyme hay thải độc. Tuy nhiên, theo Thạc sĩ, Dược sĩ Nguyễn Thị Vũ Thành- Chuyên gia y tế công cộng Quỹ toàn cầu, thói quen xấu sẽ là con đường ngắn đưa các chất độc làm gan bị tổn thương và có khả năng phát triển thành ung thư.
Ăn cá sống
Trong cá sống có sán lá gan chứa chất Opisthorchis viverrini gây ung thư. Khi chúng ta ăn vào, sán lá gan gây bệnh bằng cách đột biến các tế bào có hại, kích thích tăng trưởng khối u đồng thời ngăn chặn các tế bào chết bình thường. Các loại cá có nguy cơ cao gây sán lá gan là cá cóc, cá cóc đậm, cá ba kỳ trắng (thuộc họ cá chép), cá ngựa chấm, cá rầm đất, cá he vàng, cá linh thùy.
Thức ăn bảo quản trong thời gian dài
Thạc sĩ Vũ Thành cho biết, thức ăn bảo quản lâu trong tủ lạnh dễ bị mốc nhưng lại khó nhìn thấy bằng mắt thường. Trong đó, độc tố aflatoxin ở thực phẩm mốc là một trong những tác nhân nguy hiểm gây bệnh, thúc đẩy nguy cơ mắc ung thư. Chúng thích hợp sinh trưởng, phát triển trong môi trường nhiệt độ cao, khí hậu nóng ẩm. Đặc biệt là trong các loại ngũ cốc để lâu ngày, quy trình bảo quản không đảm bảo gây ẩm mốc dễ sản sinh ra độc tố aflatoxin.
Thức quá khuya
Theo "đồng hồ sinh học" của cơ thể, từ 23h – 1h mỗi ngày là thời điểm gan bắt đầu lọc và đào thải các độc tố trong cơ thể. Do đó, từ 1h -3h, bạn cần ngủ sâu để gan có thể thanh lọc cơ thể tốt nhất. Từ 3h -5h, gan sẽ hoàn thành quá trình thanh lọc và nghỉ ngơi. Và 5h -7h là thời điểm vàng để thức dậy và vệ sinh cá nhân để cơ thể đào thải độc tố ra ngoài. Nếu bạn thức quá khuya hay dậy quá muộn đều gây ảnh hưởng đến quá trình thải độc và nghỉ ngơi của gan.
Uống nhiều rượu
Trong rượu chứa rất nhiều chất gây độc hại cho gan, uống nhiều rượu và uống thường xuyên trong thời gian dài đều dễ có nguy cơ cao mắc bệnh lý xơ gan. Nhiều người có thói quen uống rượu mỗi ngày nhưng không khám sức khỏe định kỳ, dẫn đến tình trạng phát hiện bệnh khi bệnh đã ở giai đoạn muộn, có biểu hiện đau bụng vùng hạ sườn trái. Ngoài ra, có thể có các biểu hiện khác như vàng da, cổ chướng...
Ngâm bát đũa bẩn qua đêm
Sau khi ăn uống, nhiều người có thói quen để bát đũa bẩn trong nhiều giờ, thậm chí là ngâm trong bồn nước qua đêm mới rửa. Song, ít ai biết được rằng, hành động này sẽ gián tiếp tạo điều kiện cho những vi khuẩn gây hại cho sức khoẻ sinh sôi, nảy nở.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội) chia sẻ, việc ngâm bát đũa bẩn để qua đêm sẽ làm sản sinh một loại nấm màu vàng có tên Aspergillus, có khả năng gây bệnh ung thư gan. Ngoài ra, bát đĩa và đũa xếp chồng lên nhau cũng có thể bị nhiễm khuẩn chéo và tạo ra nhiều loại nấm mốc khác nhau.
Bên cạnh đó, nhiều người cẩn thận hơn khi ngâm bát đũa qua đêm còn không quên đổ thêm nước rửa bát vào. Điều này không những không diệt khuẩn mà còn có nguy cơ hoá chất ngấm sâu vào trong bát đĩa, đũa, nhất là những dụng cụ làm bằng gỗ.
Tổng hợp