Ung thư dạ dày là căn bệnh bắt nguồn từ các tế bào cấu tạo nên dạ dày. Các tế bào này không phát triển hoàn thiện hoặc có cấu tạo lỗi, đột nhiên tăng sinh mất kiểm soát. Sau đó, chúng xâm lấn các mô lân cận và làm tổn thương, rối loạn chức năng sinh lý cơ bản của dạ dày. Ngoài ra, các tế bào này còn thông qua hệ bạch huyết di căn và gây bệnh ở những cơ quan khác trong cơ thể.
Tế bào ung thư dạ dày có thể di căn sang các cơ quan khác trong cơ thể
Do đó, ung thư dạ dày được xem là một trong những căn bệnh có tỷ lệ tử vong cao, vừa ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh vừa làm thiệt hại lớn về kinh tế. Tiến triển của bệnh trải qua các giai đoạn cụ thể như sau:
Giai đoạn 0: Lúc này các tế bào ung thư trong những ngày đầu tiên xuất hiện ở ngay tại niêm mạc trong lòng dạ dày và vẫn chưa có sự thâm nhập sâu. Các triệu chứng của bệnh chưa có biểu hiện rõ rệt.
Giai đoạn 1: Lớp cơ thành mạch của dạ dày bị xâm lấn hoặc không, di căn hạch có khả năng xảy ra tùy theo số lượng tế bào ung thư phát triển, nhưng chưa có di căn xa.
Giai đoạn 2: Các tế bào đã phát triển thành khối u lớn, thâm nhập sâu qua lớp cơ dạ dày và di căn đến hạch bạch huyết nhưng chưa có di căn xa đến các cơ quan khác.
Giai đoạn 3: Lúc này các khối u tiếp tục phát triển với kích thước lớn hơn. Đồng thời, nhiều vị trí hạch trên cơ thể có biểu hiện sưng.
Ung thư dạ dày gây đau đớn về tinh thần lẫn thể xác cho người bệnh
Giai đoạn 4: Tình trạng bệnh ung thư trong thời điểm này đã bước vào giai đoạn cực kỳ nghiêm trọng. Các khối u không chỉ có trong dạ dày mà còn có tại nhiều cơ quan khác trong cơ thể như ruột, gan, phổi,... do hậu quả của việc tế bào ung thư di căn.
Theo thông tin từ Trung tâm Y học Hạt nhân và Ung bướu - Bệnh viện Bạch Mai, triệu chứng bệnh ung thư dạ dày giai đoạn đầu thường bị nhầm lẫn với chứng đau dạ dày thông thường nên rất nhiều người bệnh chỉ đến khi bước vào giai đoạn cuối mới phát hiện.Tinh thần của bệnh nhân lúc này sẽ vô cùng hoảng sợ và câu hỏi "Ung thư dạ dày giai đoạn cuối sống được bao lâu?" sẽ luôn được đặt ra.
Cũng theo các bác sỹ, đây là câu hỏi họ được nghe quá nhiều từ người bệnh nên cũng trả lời thẳng thắn là có thể sống được 1-2 năm, 3 năm hoặc đôi khi hơn. Tùy từng trường hợp và sự quyết tâm, hợp tác điều trị cũng như điều kiện của mỗi người.
Trên thực tế, tiên lượng bệnh ung thư dạ dày sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố và giai đoạn bệnh. Ở những giai đoạn đầu nếu phát hiện kịp thời thì tỷ lệ sống thường cao hơn nhờ phẫu thuật. Càng về sau, do không thể phẫu thuật thì mục tiêu chữa bệnh là kéo dài thời gian sống và lúc này phụ thuộc nhiều vào phương pháp điều trị sức khỏe người bệnh. Từ đó, dự đoán thời gian còn lại cho người bệnh. Song, có một điều chắc chắn rằng, nếu ung thư dạ dày không được điều trị thì tỷ lệ tử vong trong vòng 5 năm là 98%.
Nếu không được điều trị, tỷ lệ bệnh nhân ung thư dạ dày tử vong trong vòng 5 năm là 98%
Để phòng tránh ung thư dạ dày, mọi người nên ăn nhiều trái cây và rau, giảm ăn các thực phẩm chế biến nhanh, đồ hun khói, muối và nên ngừng hút thuốc lá. Đặc biệt cần hiểu rõ tiền sử bệnh những người thân trong gia đình. Bởi, nếu gia đình bạn có người mắc ung thư dạ dày thì nguy cơ bạn mắc sẽ cao hơn hoặc nếu bạn từng phát hiện bị nhiễm khuẩn helicobacter pylori trong dạ dày và có bệnh dạ dày như: viêm dạ dày tá tràng mạn tính, loét dạ dày tá tràng thì hay ngay lập tức điều trị thật dứt điểm để phòng ngừa bệnh chuyển biến xấu.
Tổng hợp