Những ngày qua, TP.HCM thường xuất hiện lớp mù bao phủ khá dày đặc vào buổi sáng - Ảnh: CHÂU TUẤN
Điều này còn tác động xấu đến sức khỏe nhiều hơn vào thời điểm giáp Tết - khi số lượng xe cộ và các hoạt động khác tăng cao hơn so với thường ngày.
Nhiều hoạt động tăng cao dịp cuối năm
Theo kết quả quan trắc của Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, trong thời gian gần đây, bụi mịn và tiếng ồn tại TP tiếp tục vượt chuẩn. Theo đó, kết quả khảo sát nồng độ bụi mịn (PM2.5) tại TP dao động từ 21-52 µg/m3 (QCVN 50 µg/m3).
Các chỉ tiêu như bụi có 16,7% giá trị quan trắc không đạt, tiếng ồn có 100% giá trị quan trắc không đạt và benzen có 11,5% giá trị quan trắc không đạt. Các yếu tố này vượt ngưỡng do ảnh hưởng của hoạt động giao thông.
Các chuyên gia cảnh báo tình trạng ô nhiễm tiếng ồn và lượng bụi mịn trong không khí tăng cao hơn vào dịp cuối năm, vì đây là thời điểm các hoạt động giao thông vận tải, sản xuất công nghiệp, các công trình xây dựng... tăng cao hơn.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Minh (giảng viên bộ môn tai - mũi - họng, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM) cho hay bụi hay hợp chất có trong bụi được gọi chung là Particulate Matter (ký hiệu PM).
Các hạt bụi mịn có kích thước siêu vi được biết đến nhiều nhất là PM10 (đường kính từ 2,5 - 10 µm) và PM2.5 (đường kính nhỏ hơn hoặc bằng 2,5 µm).
Về tiếng ồn, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), sự ảnh hưởng của tiếng ồn đến sức khỏe con người được xếp thứ hai, sau bụi. WHO khuyến cáo tiếng ồn trung bình không vượt quá 40 decibel tại các khu vực dân cư vào ban đêm để phòng tránh sự tác động đến sức khỏe.
Kẹt xe kèm khói, bụi tại xa lộ Hà Nội (TP Thủ Đức, TP.HCM) khiến người dân ngán ngẩm mỗi khi ra đường - Ảnh: CHÂU TUẤN
Tăng cường quản lý chất lượng môi trường không khí
Theo bác sĩ Nguyễn Hải Nam, để vấn nạn ô nhiễm tiếng ồn, điển hình nhất là karaoke, hay các hoạt động sản xuất, hoạt động giao thông vận tải... được giảm thiểu, hạn chế ảnh hưởng đến sức khỏe con người thì điều quan trọng nhất là cần có cơ chế quản lý, kiểm tra gắt gao hơn nữa từ các đơn vị quản lý.
Gánh nặng sức khỏe "nhân đôi"
Bác sĩ Nguyễn Hải Nam (chuyên khoa tai - mũi - họng) cho rằng ô nhiễm tiếng ồn và bụi mịn là gánh nặng của sức khỏe. Khi cả hai cùng lúc vượt ngưỡng thì tác động xấu đến sức khỏe như gấp bội.
Theo đó, nếu chúng ta sống và tiếp xúc tiếng ồn lớn trong thời gian dài thì sẽ ảnh hưởng thính lực, và dễ xảy ra điếc khi cường độ âm thanh từ mức 120 decibel (dB) trở lên. Bên cạnh đó, tiếng ồn còn ảnh hưởng đến tâm lý, hiệu quả công việc vì làm cho chúng ta dễ bức bối, không thể tập trung được.
Về bụi mịn, bác sĩ Hải Nam cho hay chúng thường xuất hiện khi bầu trời nhiều sương mù. Bụi mịn có kích thước càng nhỏ, càng nguy hiểm cho sức khỏe. Nếu hít phải bụi mịn thường xuyên dễ mắc các bệnh đường hô hấp, gia tăng tình trạng hen suyễn, thậm chí ung thư..., trong đó nhóm người có nguy cơ cao mắc bệnh nhiều hơn là trẻ em và người già.
"Khi hít phải bụi mịn thì dễ mắc bệnh đường hô hấp, thậm chí khó thở. Đặc biệt hơn là sau dịch COVID-19, có nhiều người gặp các vấn đề về hô hấp và dưới tác động bụi mịn thì làm bệnh dễ trở nặng hơn, làm gia tăng người nhập viện điều trị vì mắc các bệnh đường hô hấp", bác sĩ Hải Nam nói.
Riêng với trẻ em, bác sĩ Nguyễn Minh Tiến - phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng thành phố (TP.HCM) - cho rằng thời tiết hiện nay làm trẻ dễ mắc bệnh đường hô hấp trên, viêm thanh quản, viêm phế quản, thậm chí viêm phổi... Dù chưa rõ tác nhân chính xác có phải là bụi mịn hay không, nhưng các nhà khoa học đã chứng minh bụi mịn là tác nhân chính gây ra các bệnh đường hô hấp và nhiều bệnh nguy hiểm khác.
Ô nhiễm không khí khiến trẻ bị lùn?
Theo WHO, trẻ nhỏ sống ở những nơi ô nhiễm không khí nặng khó phát triển chiều cao toàn diện và có nguy cơ mắc bệnh hô hấp cao hơn từ 19 - 25% so với bình thường.
"Bụi mịn tác động lâu dài đến hệ thống đường hô hấp. Khi hít vào thì chúng sẽ đi vào sâu trong phổi rồi đọng lại tại đây, gây bệnh bụi phổi - một trong nhóm bệnh lý phổi kẽ do hít phải một số loại bụi làm tổn thương phổi, làm viêm đường thở mãn tính, tăng nguy cơ lên cơn hen suyễn hay làm niêm mạc tổn thương khiến việc đào thải các vi khuẩn, đàm nhớt khó khăn hơn nên dễ nhiễm trùng hơn", bác sĩ Tiến phân tích.
Về tiếng ồn, bác sĩ Tiến cho hay nếu trẻ sống trong môi trường có âm thanh ồn thì trước mắt sẽ ảnh hưởng đến giấc ngủ của trẻ. Trong khi đó giấc ngủ ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình hoàn thiện hệ thống tế bào thần kinh, giúp phát triển trí não. Quá trình này có thể bị gián đoạn do tiếng ồn, làm trẻ khó tập trung và ảnh hưởng đến khả năng nhận thức, trí thông minh... sau này của trẻ.