Rốt cuộc hạnh phúc là gì mà lại khiến con người mê mẩn để có được như vậy?
Suy cho cùng, hạnh phúc chính là một loại năng lực cần phải được bồi dưỡng từng ngày và rèn luyện liên tục. Một khi đã học được cách vận dụng và cảm thụ thì con người sẽ không bị ảnh hưởng bởi những yếu tố tác động bên ngoài.
Hạnh phúc là vô điều kiện, có thể cảm nhận được bất cứ lúc nào và ở nơi đâu.
1. Cho phép bản thân được hạnh phúc, tin tưởng mình sẽ được hạnh phúc
Mỗi con người sống trên đời đều mưu cầu bản thân được an yên mãi mãi. Cho dù có thành công hay giàu có đến mức nào thì cuối cùng chúng ta cũng không thể trốn thoát được quy luật “sinh lão bệnh tử”. Chính vì vậy, được sống hạnh phúc quả thật là điều vô cùng may mắn.
Đời người ngắn ngủi, đừng quá khắt khe với bản thân, thả lỏng một chút, bạn sẽ thấy cuộc sống nhẹ nhàng biết chừng nào. Chúng ta chỉ là con người bình thường, mơ ước mình được hạnh phúc không có gì là cao sang.
Đương nhiên, hạnh phúc hay không còn tùy thuộc vào cách nhìn nhận của mỗi người với thế giới này. Cứ tin tưởng vào hạnh phúc, rồi sẽ có một ngày bạn cũng được đền đáp xứng đáng.
2. Học cách làm chủ niềm vui của mình
Chủ động quan tâm và thỏa mãn nhu cầu của bản thân, đừng trông cậy hay chờ đợi vào sự sắp xếp của người khác.
Muốn ăn gì thì cứ việc mua, muốn nhận hoa thì có thể tự mua tặng cho mình, muốn đi du lịch thì cố gắng kiếm tiền rồi thỏa sức vùng vẫy.
Những lúc không vui thì tự hỏi mình có cách nào để bản thân vui vẻ lên không. Khi cảm thấy thiếu hụt cảm giác an toàn, hãy tự hỏi làm thế nào để bản thân được yên tâm nhất.
Hãy cho chính mình được thỏa mãn và hạnh phúc hết sức có thể. Cuộc đời chẳng có gì ý nghĩa hơn khi tâm trí luôn vui vẻ, sống ung dung tự tại.
3. Biến bản thân trở thành người thú vị, có sở thích và đam mê
Được làm những gì mình thích là việc hạnh phúc nhất trên đời này. Chúng ta được đắm chìm trong thế giới của riêng mình, hưởng thụ và cảm nhận, cả cơ thể và tâm hồn cũng được gột rửa tươi mới hơn bao giờ hết.
Đồng thời, chúng ta nên giữ cho mình một trái tim hiếu kỳ và thích khám phá.
Nói chuyện với một ai đó: “Vì sao bạn lại nghĩ như vậy?”, “Bạn đã trải nghiệm được những gì rồi?”,... Tò mò đối phương là con người thế nào và có câu chuyện gì muốn kể.
Hiếu kỳ ở đây không phải cổ xúy con người chuyên đi tọc mạch, nhiều chuyện, thích chen vào việc của người khác, mà là lòng ham muốn được thấu hiểu và cảm nhận mọi thứ trên đời này.
Hiếu kỳ với thế giới sẽ khiến con người luôn cảm thấy tươi mới mỗi ngày, không bị nhàm chán và vô vị. Tiếp nhận cái mới không những giúp chúng ta mở mang tri thức mà còn giúp bản thân duy trì niềm tin yêu vào cuộc sống.
4. Học cách biết thỏa mãn, trân trọng và biết ơn
Con người rất dễ bị “dắt mũi” và bị sai khiến bởi ham muốn và tham vọng. Có tham vọng thì không bao giờ cảm thấy đủ đầy, mà chỉ càng lúc càng muốn nhiều hơn. Người giàu có càng muốn có nhiều tiền hơn, người có thứ này lại muốn có thứ kia,... và chẳng bao giờ thấy đủ.
Tham vọng không có gì sai, nhưng nó khiến con người khó cảm thấy hạnh phúc. Chính vì vậy, hãy biết khống chế hoặc giảm tải tham vọng, thu nhặt những cảm giác thỏa mãn từ những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống. Tự do chân chính là khi tâm hồn không bị trói buộc bởi ham muốn vật chất và tinh thần.
Đồng thời, phải biết trân trọng lòng tốt của người khác dành cho chúng ta, quý trọng cơ hội, trân quý tất cả mọi thứ tốt đẹp trên thế gian này.
Học cách buông bỏ kỳ vọng trong cuộc sống, công việc, tình bạn và cả tình yêu. Nói như vậy không phải bảo con người buông xuôi tất cả, chỉ là đừng ôm mộng quá nhiều vào mọi thứ, hy vọng càng nhiều thì thất vọng càng đậm sâu, như thế thì chúng ta chẳng thể nào tìm được hạnh phúc.
5. Học cách yêu bản thân rồi mới yêu người khác
Điều này thật sự rất quan trọng. Mỗi ngày, chúng ta phải biết yêu thương bản thân hơn một chút. Chỉ khi biết yêu chính mình, chúng ta mới biết cách cho đi tình cảm với người khác. Nếu không, một khi đã dành tất cả cho người khác mà không cảm thấy đủ đầy bù lại thì sự cân bằng sẽ biến mất, hụt hẫng và thất vọng gom lại đủ nhiều thì tất cả sẽ thành vô nghĩa.
Sống ích kỷ rất đáng khinh, nhưng làm người cũng phải biết chừa lại đường lui cho mình. Con người ai cũng có lòng ích kỷ, đừng để nó phát triển theo hướng cực đoan là được. Chỉ có như vậy, chúng ta mới không bị thiệt thòi trước những thói đời bạc bẽo ngoài kia.
(Nguồn: Zhihu )