Tài chính

Buồn của Trung Quốc: Tỷ lệ thất nghiệp tăng kỷ lục, người trẻ lũ lượt về quê ‘nghỉ hưu non’, ‘viện dưỡng lão’ cho thanh niên mọc lên nhan nhản

Buồn của Trung Quốc: Tỷ lệ thất nghiệp tăng kỷ lục, người trẻ lũ lượt về quê ‘nghỉ hưu non’, ‘viện dưỡng lão’ cho thanh niên mọc lên nhan nhản- Ảnh 1.

Chán nản với tình hình việc làm tại Trung Quốc, người trẻ tại đại lục bắt đầu “bỏ phố về quê”.

Thế hệ Y (sinh vào khoảng 1981-1996) và thế hệ Z (sinh vào khoảng 1997 - 2012) của Trung Quốc đang có xu hướng chia sẻ cuộc sống “nghỉ hưu non” của họ lên mạng xã hội sau khi bị sa thải, nghỉ việc hoặc không tìm được việc làm.

Giáo sư Chung Chi Nien tại Đại học Bách khoa Hồng Kông cho biết những người trẻ tuổi đặc biệt khó tìm việc khi nền kinh tế Trung Quốc còn ảm đạm.

Giáo sư cho biết năm 2024, số sinh viên tốt nghiệp đại học gia nhập thị trường lao động đạt kỷ lục 11,8 triệu, làm gia tăng sự cạnh tranh và làm “mất giá” tấm bằng đại học. Đối với những cá nhân có ít bằng cấp và kinh nghiệm, cơ hội được tuyển dụng ngày càng giảm.

Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Trung Quốc vào tháng 8 đã đạt kỷ lục mới là 18,8%, mức cao nhất kể từ khi hệ thống lưu trữ hồ sơ mới bắt đầu từ tháng 12 năm ngoái. Con số này tăng so với mức 17,1% vào tháng 7.

Tình trạng thất nghiệp xuất hiện trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang phải giải quyết nhu cầu nội địa yếu và sự suy thoái trong lĩnh vực bất động sản.

“Nếu gộp các yếu tố này lại với nhau, không có gì ngạc nhiên khi những người trẻ tuổi chọn chọn 'rút lui' hoặc 'nghỉ hưu' ở vùng nông thôn. Vì việc tìm kiếm việc làm trở nên rất khó khăn, đặc biệt là những công việc tốt ở các thành phố lớn”, giáo sư Chung nói.

Những công việc không lý tưởng?

Nhà kinh tế trưởng Dan Wang tại Hang Seng Bank China cho biết, trong ba năm qua, cơ hội việc làm trong các ngành dịch vụ đã giảm mạnh, đặc biệt là bất động sản và tài chính. Nhưng người trẻ tuổi có học thức không muốn làm những công việc lương thấp hơn như giao hàng hoặc tài xế, mặc dù những công việc này còn nhiều cơ hội.

Việc làm trong lĩnh vực sản xuất cũng còn nhiều, nhưng phó giáo sư kinh tế Keyu Jin tại London School of Economics cho biết người trẻ cũng không muốn làm những công việc này.

Song, những người “nghỉ hưu trẻ tuổi” của Trung Quốc đã phản bác lại những lời chỉ trích rằng họ đã quá kén chọn và lười biếng.

Nhà kinh tế học Wang cho biết những lời chỉ trích đó có thể không công bằng, nhưng có thể hiểu được trong bối cảnh và văn hóa xã hội Trung Quốc.

“Người trẻ bị chỉ trích vì người Trung Quốc có xu hướng nghĩ rằng bất kỳ ai có trình độ học vấn cao đều phải làm việc chăm chỉ và sau này mới tính đến chuyện nghỉ ngơi”, bà nói. Bên cạnh đó, giáo dục thường là khoản đầu tư lớn nhất của một gia đình Trung Quốc ngoài khoản tiền dành để mua nhà.

Bà cho biết nhiều người trẻ tuổi đang cố gắng chuyển sang kinh doanh thương mại điện tử hoặc trở thành người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội. Và nông thôn có thể là bối cảnh tốt vì không gian tự nhiên và lối sống thư giãn thu hút người xem.

Buồn của Trung Quốc: Tỷ lệ thất nghiệp tăng kỷ lục, người trẻ lũ lượt về quê ‘nghỉ hưu non’, ‘viện dưỡng lão’ cho thanh niên mọc lên nhan nhản- Ảnh 2.

Một cô gái đang ôm một chú bê tại một trang trại chăn nuôi ở Trùng Khánh, Trung Quốc. ẢnhL: Getty Images

“Nhà dưỡng lão” cho thanh thiếu niên?

Nắm bắt được tình trạng thất nghiệp và xu hướng về quê của người trẻ, nhiều cơ sở đã xây dựng mô hình “nhà dưỡng lão cho thanh thiếu niên”. Đây là nơi người trẻ có thể đến và nghỉ ngơi bất cứ khi nào họ muốn. Các cơ sở này sẽ từ chối những vị khách trên 45 tuổi.

Trong khi các chuyên gia nói với CNBC rằng đây có thể là một chiêu trò tiếp thị, thì sự phổ biến của mô hình này phản cách nhu cầu được sống chậm rãi hơn của thế hệ Z và thế hệ Y.

Trợ lý giáo sư Jia Miao tại NYU Thượng Hải cho biết những người trẻ đang trải qua căng thẳng cao độ hoặc cảm giác tuyệt vọng cần những nơi để suy nghĩ và sắp xếp lại cuộc sống của họ. Do đó, nhu cầu về “viện dưỡng lão” mới tăng cao.

Bà nói thêm rằng đó là điều tích cực khi thị trường đang đa dạng hóa để đáp ứng nhu cầu của những cá nhân trẻ tuổi này, những người đang hy vọng có một không gian để thở và phục hồi.

Nhưng làn sóng “nghỉ hưu non” và “viện dưỡng lão cho thanh niên” sẽ kéo dài bao lâu?

Những người trẻ tuổi có thể không ở lại vùng nông thôn quá lâu. Nhà kinh tế học Wang cho biết nông thôn Trung Quốc không cung cấp lối sống hiện đại mà họ mong muốn, chưa nói đến dịch vụ chăm sóc y tế và giáo dục chất lượng cao.

"Tình trạng di cư ngược này không có khả năng trở thành xu hướng lâu dài. Nhiều nhất thì đó chỉ là giải pháp tạm thời… Mục tiêu cuối cùng của những người trẻ vẫn là quay trở lại thành phố trong tương lai”, bà nói.

Theo CNBC

Cùng chuyên mục

Đọc thêm