Chỉ số sản xuất công nghiệp 8 tháng tăng 5,4%
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của Hà Nội trong tháng 8 ước tăng 0,1% so với tháng trước và tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2023. Ước tính 8 tháng năm nay, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,8%; sản xuất và phân phối điện tăng 10,8%; cung cấp nước và xử lý rác, nước thải tăng 9%; công nghiệp khai khoáng giảm 1,5%.
Trong 8 tháng đầu năm nay, hoạt động công nghiệp chế biến, chế tạo của Hà Nội có 20/23 ngành sản xuất có chỉ số IIP tăng so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, còn ba ngành sản xuất có chỉ số IIP giảm so với cùng kỳ là: Chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ giảm 5,1%; sửa chữa, bảo dưỡng máy móc giảm 4,7%; sản xuất xe có động cơ giảm 1,8%.
Hơn 20.400 doanh nghiệp thành lập mới trong 8 tháng
Về tình hình đăng ký doanh nghiệp, trong tháng 8, TP Hà Nội đã cấp giấy chứng nhận cho 2.204 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 25% so với cùng kỳ năm trước; vốn đăng ký đạt 35,1 nghìn tỷ đồng, tăng 0,5%; 573 doanh nghiệp hoạt động trở lại, giảm 12%; 1.313 doanh nghiệp đăng ký 8 ngừng hoạt động, tăng 12%; 407 doanh nghiệp giải thể, tăng 18%.
Tính chung 8 tháng năm nay, Hà Nội đã cấp giấy chứng nhận cho 20.400 doanh nghiệp thành lập mới, với vốn đăng ký 198.700 tỷ đồng, giảm 5% về số lượng doanh nghiệp và giảm 7% vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.
Cùng với đó, trên địa bàn thành phố có 7.100 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 11%; 19.200 doanh nghiệp đăng ký ngừng hoạt động, tăng 21% và gần 3.000 doanh nghiệp giải thể, tăng 20%. Tỷ lệ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng được duy trì 100%.
Thu hút 1,4 tỷ USD vốn FDI, tăng 71% so với cùng kỳ năm 2023
Về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), thủ đô đã thu hút 67,9 triệu USD vốn FDI trong tháng 8 vừa qua. Trong đó, 28 dự án được cấp phép mới với tổng vốn đăng ký đạt 22,2 triệu USD, 18 dự án được điều chỉnh tăng vốn đầu tư với số vốn đăng ký tăng thêm đạt 16,6 triệu USD, nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần 25 lượt, đạt 29,1 triệu USD.
Tính chung 8 tháng, toàn thành phố thu hút 1,4 tỷ USD vốn FDI, tăng 71% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, đăng ký cấp mới 172 dự án với số vốn đạt 1,1 tỷ USD, 120 lượt tăng vốn đầu tư với 155 triệu USD, 154 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần đạt 177,7 triệu USD.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 10,5%
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8 tại Hà Nội ước tính đạt 70.200 tỷ đồng, tăng 1,9% so với tháng trước và tăng 13,2% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 43.800 tỷ đồng, tăng 2,4% và tăng 13,7%; doanh thu khách sạn, nhà hàng đạt 10.600 tỷ đồng, tăng 2,8% và tăng 9,7%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 2.400 tỷ đồng, giảm 4,8% và tăng 23,7%; doanh thu dịch vụ khác đạt 13.400 tỷ đồng, tăng 1,1% và tăng 12,7%.
Tính chung 8 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 544.500 tỷ đồng, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước.
Lượng khách quốc tế đến Hà Nội tăng hơn 43% so với cùng kỳ năm 2023
Theo số liệu từ Cục Thống kê Hà Nội, lượng khách du lịch đến thành phố trong tháng 8 ước đạt 546.000 lượt người, tăng 13,8% so với tháng trước và tăng 29,9% so với cùng kỳ năm trước. Khách quốc tế tháng 8 ước đạt 373.000 lượt người, tăng 19,7% so với tháng trước và tăng 43,4%; khách du lịch nội địa ước đạt 173.000 lượt người, tăng 2,7% so với tháng trước và tăng 7,9%.
Tính chung 8 tháng năm 2024, khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 4.052 nghìn lượt người, tăng 33,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 2,818 triệu lượt người, tăng 44%; khách du lịch nội địa ước đạt 1,234 triệu lượt người, tăng 13,7%.
Trên địa bàn TP Hà Nội hiện có 3.760 cơ sở lưu trú du lịch với 71.200 phòng, Trong đó, 606 khách sạn được xếp hạng từ 1 - 5 sao với 26.600 phòng, chiếm 37% tổng số phòng và 16% tổng số cơ sở lưu trú du lịch. Trong tháng 8, công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn từ 1 đến 5 sao ước đạt 57,3%, tăng 0,3% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung 8 tháng năm 2024, công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn 1-5 sao đạt 60,7% (cùng kỳ 8 tháng năm 2023 tăng 60,3%).
Kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hoá đạt 39,2 tỷ USD sau 8 tháng
Trong tháng 8, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tại Hà Nội ước tính đạt 1,8 tỷ USD, giảm 1,4% so với tháng trước và tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2023; kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 3,6 tỷ USD, giảm 1,2% so với tháng trước và tăng 11,7% so với cùng kỳ.
Tính chung 8 tháng, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 12,4 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ; kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 26,8 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2023.
CPI bình quân 8 tháng tăng 5,24%
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 tăng nhẹ 0,07% so với tháng trước, tăng 1,29% so với tháng 12/2023 và tăng 4,44% so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng 8, Hà Nội có 8/11 nhóm hàng CPI tăng so với tháng trước, 2/11 nhóm hàng CPI giảm so với tháng trước và bưu chính viễn thông tương đương tháng trước.
Bình quân 8 tháng năm 2024, CPI tăng 5,24% so với bình quân cùng kỳ năm 2023, trong đó, có 10/11 nhóm hàng CPI bình quân tăng. Riêng nhóm bưu chính viễn thông trong 8 tháng năm 2024 giảm 1,32%.
Ngân sách Nhà nước bội thu hơn 280.900 tỷ đồng
Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn 8 tháng năm 2024 ước thực hiện 343.600 tỷ đồng, đạt 84,1% dự toán năm và tăng 18,2% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, thu nội địa 323.900 tỷ đồng, đạt 85,6% dự toán và tăng 18,7% so cùng kỳ với năm 2023; thu từ dầu thô 2.800 tỷ đồng, đạt 92,3% và tăng 16,9%; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 16.800 tỷ đồng, đạt 62,2% và tăng 9,5%.
Chi ngân sách địa phương 8 tháng năm 2024 ước thực hiện 62.700 tỷ đồng, đạt 42,8% dự toán năm và tăng 19,8% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, chi đầu tư phát triển 28.500 tỷ đồng, đạt 35,2% và tăng 28,5%; chi thường xuyên 34.200 tỷ đồng, đạt 59,7% và tăng 13,4%.
Dư nợ tín dụng đạt 4,103 triệu tỷ đồng
Ước đến cuối tháng 8, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn Hà Nội đạt 4,103 triệu tỷ đồng, tăng 1,15% so với cuối tháng trước và tăng 13,44% so với thời điểm kết thúc năm 2023. Trong đó, dư nợ ngắn hạn đạt 1,790 triệu tỷ đồng, tăng 1,73% và tăng 18,96%; dư nợ trung hạn và dài hạn đạt 2,313 triệu tỷ đồng, tăng 0,71% và tăng 9,51%.
Tình hình thực hiện một số công trình, dự án trên địa bàn thành phố
Theo Cục Thống kê Hà Nội, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý tháng 8 ước tính đạt 7.325 tỷ đồng, tăng 12,6 % so với thực hiện tháng trước và tăng 48,6% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung 8 tháng năm 2024, vốn đầu tư thực hiện từ nguồnngân sách Nhà nước do địa phương quản lý thực hiện được 38.100 tỷ đồng, tăng 33,9% so với cùng kỳ năm trước và đạt 46% kế hoạch năm.
Trong đó, một số công trình, dự án nổi bật như: Dự án xây dựng Bệnh viện Nhi Hà Nội - giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư gần 785 tỷ đồng, quy mô gồm 1 khối nhà cao 6 tầng có 2 đơn nguyên với năng lực thiết kế 200 giường bệnh nội trú. Đến nay dự án đã giải ngân 61,9% kế hoạch vốn. Công trình dự kiến hoàn thành, đưa vào sử dụng cuối năm nay.
Hay như Dự án đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô: Thuộc nhóm dự án quan trọng quốc gia, đi qua 3 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh), kết nối cao tốc Hà Nội - Lào Cai và Nội Bài - Hạ Long có chiều dài 112,8 km với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 85.800 tỷ đồng. Hiện nay, dự án đang được các địa phương tích cực triển khai bàn giao mặt bằng để thi công toàn bộ dự án đảm bảo tiến độ đã đề ra. Đến nay, dự án đã giải ngân 10,3% kế hoạch vốn.
Dự án đường Vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục (giai đoạn 1) có chiều dài 2,3 km, mặt cắt ngang 50 m và hợp phần 2 cầu vượt tại nút giao Láng Hạ - Nguyễn Chí Thanh. Điểm đầu tuyến đường giao với đường Cát Linh - La Thành - Yên Lãng tại Hoàng Cầu (quận Đống Đa) và điểm cuối tại nút giao thông Voi Phục (quận Ba Đình). Mức đầu tư giai đoạn 1 dự án hơn 7.200 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Thành phố, trong đó chi phí xây dựng 627 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng 5.800 tỷ đồng. Đến nay dự án đã giải ngân 36% kế hoạch vốn.
Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai, cải tạo 21,7 km, đoạn nút giao Ba La quận Hà Đông đến Thị trấn Xuân Mai huyện Chương Mỹ. Dự án nâng cấp thành 4 - 6 làn xe, vận tốc thiết kế 80 km/h, chiều rộng nền đường được mở 50m - 60m góp phần hoàn chỉnh trục đường hướng 8 kết nối Quốc lộ 21A đường Hồ Chí Minh và tuyến đường Vành đai 4 vùng thủ đô. Tổng vốn đầu tư 8.100 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Thành phố, trong đó trên 5.100 tỷ đồng giải phóng mặt bằng; 2.900 tỷ đồng chi phí xây dựng, mua sắm thiết bị. Đến nay dự án đã giải ngân 8,2% kế hoạch vốn.
Dự án tuyến đường cao tốc Đại Lộ Thăng Long, đoạn nối từ Quốc lộ 21 đến cao tốc Hà Nội - Hòa Bình có chiều dài 6,7 km, điểm đầu kết nối giữa cao tốc Đại lộ Thăng Long với Quốc lộ 21, xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất, điểm cuối kết nối với đường Hòa Lạc - Hòa Bình; mặt cắt ngang từ 120m - 180m. Tổng mức đầu tư toàn dự án 5.200 tỷ đồng. Đến nay dự án đã giải ngân 8,1% kế hoạch vốn.
Dự án Xây dựng Bệnh viện Nhi Hà Nội - giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư gần 785 tỷ đồng, dự án được xây dựng trên khu đất có tổng diện tích 67.900 m2 tại phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông. Quy mô dự án gồm 1 khối nhà cao 6 tầng có 2 đơn nguyên với năng lực thiết kế 200 giường bệnh nội trú. Đến nay dự án đã giải ngân 61,9% kế hoạch vốn. Công trình dự kiến hoàn thành, đưa vào sử dụng cuối năm 2024...