Khác nhau của Covid-19 và siêu vi
Hiện nay tỷ lệ trẻ nhỏ mắc Covid-19 ngày càng tăng, một phần do trẻ đi học và một phần do biến thể mới Omicron của virus SARS-CoV-2 có tốc độ lây lan nhanh. Tuy nhiên, tỷ lệ trẻ em phải nhập viện do Covid-19 ở đợt dịch này tại TP HCM cũng không nhiều như đợt dịch trước đó.
Đến thời điểm hiện nay, BS Khanh cho rằng, trẻ em bị mắc Covid-19 sẽ không quá nguy hiểm.
Thứ nhất, nếu trước kia trẻ sốt cao thì có thể trẻ bị sốt siêu vi, sốt do nhiễm trùng nhưng phụ huynh lại không lo như bây giờ. Còn hiện tại trẻ bị Covid-19 sốt cao thì phụ huynh lại lo lắng.
Trong khi thực tế, trẻ sốt cao và ba mẹ đã biết nguyên nhân do Covid-19 sẽ không còn đáng lo như trẻ sốt cao mà không biết nó là nguyên nhân gì. Nếu bị sốt siêu vi, trẻ có thể gặp các biến chứng nặng hơn như viêm màng não, tay chân miệng chỉ sau 48 đến 72. Vì vậy, nếu so với sốt siêu vi và sốt xuất huyết thì Covid-19 nhẹ nhàng hơn nhiều.
Thứ hai, trẻ nhiễm siêu vi, nếu sốt cao, đau đầu, nôn ói có thể là viêm màng não nhưng nếu nhiễm Covid-19 thì các triệu chứng này lại chứng tỏ hệ miễn dịch đang hoạt động, chống lại virus và có nghĩa diễn tiến bệnh của trẻ sẽ ổn hơn. Omicron cũng gây ra các triệu chứng đau đầu, kèm nôn ói.
Thứ ba, trẻ sốt do siêu vi, viêm tiểu phế quản thì đáng lo hơn vì có biến chứng khó thở, thở nhanh, đặc biệt khi nhiễm virus hợp bào RSV. Nhưng những trẻ nhiễm Covid-19 có ho nhưng không có bệnh nền thì đa số đều ổn.
Trẻ sốt do Covid-19. Ảnh minh họa
Thứ tư, đối với triệu chứng tiêu chảy, cho tới nay chưa ghi nhận trường hợp trẻ nào bị nhiễm Covid-19 có triệu chứng tiêu chảy và khiến trẻ bị mất nước như nhiễm Rota virus hoặc ngộ độc thực phẩm. Thêm vào đó, trẻ em khi bị nhiễm Covid-19 thì biểu hiện ở đường tiêu hóa sẽ nhiều hơn nên so với các bệnh lý do nhiễm virus khác, trẻ bị Covid-19 sẽ ổn hơn.
Khi trẻ nhiễm Covid, các triệu chứng có thể kéo dài 1 - 5 ngày hoặc có thể lâu hơn, tùy theo thể trạng của trẻ.
Đối phó với các triệu chứng Covid-19 ở trẻ
Khi trẻ bị nhiễm Covid-19, phụ huynh chỉ cần chữa theo triệu chứng.
Sốt: Trẻ nhiễm Covid-19 thường sốt rất cao, đặc biệt ở trẻ từ 8 – 15 tuổi. Khi đó, trẻ có thể có thêm biểu hiện lạnh các chi. Lúc này, cha mẹ nên bình tĩnh cho trẻ uống hạ sốt. Trẻ uống hạ sốt phải uống theo cân nặng. Nếu trẻ từ 35 – 40 kg trở lên phải uống liều người lớn, trẻ trên 50 kg uống liều 600mg.
Trẻ thường sốt từ 36 – 48 tiếng. Khi cho trẻ uống thuốc hạ sốt, cha mẹ có thể dùng Paracetamol hoặc xen kẽ với Ibuprofen. Đối với trẻ có tiền sử co giật (thường từ ở trẻ dưới 6 tuổi), cha mẹ nên lau người, hạ nhiệt độ và chuẩn bị thuốc hạ sốt, thuốc nhét hậu môn, cặp nhiệt độ.
Trẻ có tiền sử co giật nên cho uống hạ sốt từ khi trẻ sốt 38 độ C, không chờ đến 38,5 độ C. Cha mẹ cần cho trẻ uống nhiều nước, không nhất thiết phải cho trẻ uống Orezol vì nước này khó uống, không phải trẻ nào cũng uống được.
Đau đầu, nôn ói: Thuốc giảm đau, hạ sốt cũng có thể làm giảm triệu chứng đau đầu. Khi trẻ nôn ói cha mẹ có thể cho trẻ uống thuốc chống nôn bình thường. Nôn ói thường không kéo dài nên cha mẹ có thể pha trà gừng để làm ấm bụng, giảm nôn ói cho trẻ.
Ho, sổ mũi: Cha mẹ có thể nhỏ nước muối sinh lý cho trẻ để trẻ dễ thở hơn. Nếu trẻ sổ mũi nhiều sẽ gây khó thở, thở bằng miệng có thể gây ho khiến trẻ mệt hơn. Khi đó, cha mẹ nên nhỏ thuốc co mạch như Otrivin cho trẻ. Triệu chứng sổ mũi có thể kéo dài 2 - 4 ngày.
Với triệu chứng ho, cha mẹ có thể cho trẻ uống các loại siro trị ho.
Đau họng: Khi trẻ nhiễm Omicron có thể bị đau họng trong 2 ngày đầu, tuy nhiên cha mẹ tuyệt đối không cho trẻ dùng thuốc kháng sinh. Kháng sinh chỉ được sử dụng khi trẻ đã khỏi Covid-19 nhưng họng sưng đỏ hoặc sốt trở lại. Lúc này, cha mẹ vẫn cần phải hỏi ý kiến bác sĩ trước khi cho con dùng kháng sinh.
Tương tự với thuốc kháng viêm, 5 ngày đầu khi mắc Covid-19, trẻ dùng sức đề kháng để đào thải virus, do đó, cha mẹ không dùng kháng viêm để tránh làm giảm sức đề kháng cho con. Các thuốc kháng đông, kháng viêm, kháng sinh chỉ dành cho người lớn.