Gen Z đang làm gì trên mạng xã hội? Ngoài việc biến nền tảng thành nơi giải trí với văn hóa "meme" và loạt câu nói "viral", không ngần ngại thể hiện quan điểm trước nhiều vấn đề nổi cộm, các bạn trẻ còn xem đây là "trường học", nơi họ kể cho nhau nghe về những giá trị sống đáng hưởng ứng.
Trong đó có "sống xanh" - cụm hashtag thu hút hơn 18k bài đăng trên TikTok, với hàng loạt tài khoản sáng tạo nội dung ghi lại "nhật ký sống" bền vững, gần với thiên nhiên.
Trong cộng đồng những bạn trẻ tiên phong lan tỏa tiếng nói về trào lưu sống xanh, Merida Lam (@the_water_girl2008) nổi bật với chuỗi video giải mã những hiểu lầm thường thấy khi mọi người thực hành lối sống này. Kênh TikTok của bạn hiện thu hút được hơn 22k người theo dõi sau 2 năm hoạt động, với góc quay quen thuộc trong nhà nhưng chủ đề luôn mới, giúp cô bạn thu về gần 1 triệu lượt tim.
Về Merida Lam - chủ nhân kênh Tiktok @the_water_girl2008
Tên thường gọi là Lam, sinh năm 2001, hiện đang kiêm nhiệm công việc làm quản lý KOLs tại TP.HCM
Cựu sinh viên ngành Công nghệ sinh học.
Bắt đầu kênh TikTok về sống xanh từ năm 2022.
Cảm hứng thành lập kênh xuất phát từ mong muốn chia sẻ những điều giúp ích cho môi trường.
Từ lối sống "không-dư-dả" của ông bà, học lỏm được nhiều điều hay ho
"Sống xanh" - một xu hướng cấp tiến vì tương lai bền vững, theo Lam, về bản chất lại rất giống với lối sống ngày xưa của ông bà, cha mẹ.
Lam nhận ra khía cạnh hay ho trong lối sống của những thế hệ trước: "Các bà, các mẹ ngày trước khi đi chợ về thường giữ lại túi nilon còn sạch, gấp gọn để lần sau sử dụng tiếp. Cả thói quen bán chai nhựa, hộp carton cho các vựa ve chai nữa. Dù lúc đó ông bà thực hiện theo bản năng vì điều kiện không dư dả chứ không phải vì ý thức về môi trường nhiều, nhưng giảm thải bằng cách sử dụng nhiều lần, kéo dài vòng đời sản phẩm là bản chất của sống xanh."
Học hỏi theo lối sống "cần - kiệm" đó, Lam thường mang theo ly riêng khi ra ngoài uống tại quán để giảm bớt một lần dùng ly nhựa, mang theo túi tote khi mua sắm để bớt một lần dùng nilon. Ngoài ra, cô bạn thường xuyên nghiên cứu, tìm hiểu về nhiều cách giảm phát thải, và phát thải hợp lý, đúng chỗ cho những loại rác bất khả kháng như pin, giấy…
Hiểu được bản chất của lối sống xanh, nhưng "tua ngược" thời gian để theo đuổi lối sống này không phải là dễ. Cô bạn cho rằng chính sự tiện lợi và nhu cầu thể hiện bản thân của xã hội hiện đại khiến người ta không còn quan tâm nhiều đến việc tiết kiệm, và cũng tạo ra những thói quen khó bỏ, làm mọi người dễ nản chí khi thay đổi sang một lối sống "chắt chiu" hơn vì môi trường. Đơn cử là chuyện đặt đồ ăn qua app, hay mua nhiều quần áo để trưng diện…
Bản thân Lam cũng có một giai đoạn làm quen với sống xanh, cũng cần phải có nhiều sự kiên nhẫn chứ không đơn giản như "nói là làm.": "Thời gian ban đầu mình cũng hay quên, nhiều khi ra đường không mang theo dụng cụ sử dụng nhiều lần. Nhà mình thì có thói quen sử dụng đồ dùng một lần và không phân loại rác. Mình đã cố thuyết phục họ chịu khó sử dụng túi vải nhiều hơn khi mua sắm, và dành thời gian để chia rác hữu cơ, vô cơ vì môi trường và nhiều cách làm khác nữa. Ban đầu thì người thân thấy phiền, nhưng rồi sau đó cũng dần quen. Em mình là ví dụ nè, nhắc nhiều lần thì bé cũng biết bỏ rác đúng chỗ, chứ không tiện đâu vứt đó nữa."
Lam tham gia các hoạt động thiện nguyện vì môi trường.
Cạnh lối sống giảm thiểu rác thải theo kiểu "ông bà ta", có những hoạt động thú vị và cuốn hút mà người trẻ có thể tham gia như đi hội chợ về tái chế, những hội chợ thu gom chai, pin để đổi mới lấy cũ. Ngoài ra, các hoạt động CSR (Corporate Social Responsibility - Trách nhiệm xã hội từ các tập đoàn) cũng là một sân chơi sôi nổi cho những ai muốn theo đuổi lối sống này. Các hoạt động đó cho phép các bạn trẻ đóng góp công sức, hoặc bằng tài chính như gây quỹ trồng cây.
Hiểu nhanh, biết gọn về sống xanh:
…là: tiêu dùng hôm nay, nhưng suy nghĩ đến những tác động trong tương lai của mình.
…gồm: giảm rác thải bằng cách tái sử dụng nhiều nhất có thể, suy tính kỹ lưỡng về mức độ cần thiết của một sản phẩm khi mua sắm, có động thái bù trừ cho những tác hại gây ra.
…vì: chính sức khỏe của bản thân trong thực trạng ung thư đang trẻ hóa, môi trường đang xuống cấp trầm trọng. Và còn vì những thế hệ sau cũng có một môi trường sống trọn vẹn.
"Nhập môn" sống xanh chỉ cần nhớ hai gạch đầu dòng
Lam cảm thấy bối cảnh hiện tại đang mở ra nhiều tiềm năng hứa hẹn để theo đuổi sống xanh, bởi nhà nước và các doanh nghiệp đều đưa ra những giải pháp môi trường mới, đơn cử là đang thắt chặt lượng khí CO2 thải ra môi trường.
Không thể không kể đến sự đóng góp của mạng xã hội đem thông tin đến gần hơn với các bạn trẻ, và khích lệ họ theo đuổi một lối sống bền vững.
Nhưng cũng chính vì lối sống này khởi phát từ MXH, nơi mọi thứ đến và đi rất nhanh, nên đôi khi các bạn trẻ theo đuổi như một loại phong trào, dễ chán, dễ nản trước khi kịp biến "sống xanh" thành một thói quen.
Dễ rơi vào những nhãn hiệu "tẩy xanh" (greenwashing) qua những chiến dịch truyền thông rầm rộ khi mua quá nhiều những sản phẩm "xanh" như túi tote, bình giữ nhiệt nhưng không dùng đến cũng là một trong những "tác dụng ngược" khi các bạn trẻ chưa tỉnh táo và hiểu biết tường tận về lối sống này.
"Điều quan trọng để không chọn nhầm chính là kiểm tra về lịch sử thương hiệu, đảm bảo họ không chỉ đang bắt trend nhất thời mà có đầy đủ những cam kết, chiến dịch minh bạch." - Lam đưa ra lời khuyên.
Đối với Lam, "sống xanh" chỉ đòi hỏi đánh đổi nhiều nhất là sự tiện nghi của bản thân - đó cũng chính là khía cạnh "xa xỉ" nhất.
Trên kênh của mình, Lam vừa chỉ các mẹo nhỏ để theo đuổi lối sống xanh, vừa hóa giải những hiểu lầm cho bạn trẻ quan tâm đến lối sống này.
Còn về tài chính, các bạn trẻ không nhất thiết phải chi tiền cho các mỹ phẩm thuần chay, bao bì phân hủy sinh học với mức giá cao hơn, nếu điều kiện chưa cho phép. Muốn "xanh" hơn trong lối sống không nhất thiết là một công cuộc "cải tạo" hoàn toàn từ việc sử dụng các nguyên liệu bền vững.
Cách làm cơ bản và dễ thực hiện nhất chính là cắt giảm lượng rác thải ra ngoài môi trường, chú trọng đến giá trị lâu dài của sản phẩm. Bạn vẫn có thể sử dụng các sản phẩm nhựa, giấy thông thường, nhưng hãy cố gắng sáng tạo ra nhiều cách khác nhau để sử dụng được lâu hơn.
"Mình có sử dụng những sản phẩm làm từ các nguyên liệu tự nhiên như dầu gội, xà phòng, nhưng nếu không có điều kiện cho những sản phẩm như vậy, thì việc bạn biết lưu giữ và kéo dài vòng đời cho các sản phẩm thông thường đã là những hành động đáng ủng hộ.
Bản thân mình hiện cũng đang thực hiện những hành động rất nhỏ đó thôi. Ngoài ra, mình còn hạn chế mua sắm quần áo, chú trọng phối đồ nhiều kiểu để trang phục bản thân được mới hơn." - Lam tiếp thêm động lực để gỡ bỏ những e ngại của người trẻ về sống xanh.
Hỏi đáp nhanh: This or That phiên bản "Xanh" hơn trong lối sống:
1. Xe điện hay phương tiện công cộng?
→ Lam chọn: Phương tiện công cộng. Mà tốt hơn nữa là phương tiện công cộng chạy bằng điện luôn! Trước khi có phương tiện đó, mình cứ ủng hộ việc ngồi chung trên những chiếc xe buýt đi, sẽ chiếm ít diện tích và tài nguyên hơn so với việc mỗi người chạy một chiếc xe điện riêng. Suy cho cùng, pin từ những chiếc xe điện cũng là rác thải không dễ xử lý mà.
2. Bình cá nhân bằng nhựa hay bằng kim loại?
→ Lam chọn: Kim loại nhé! Tính bền vững cao hơn vì không sợ móp, hỏng khi rơi.
3. Ống hút giấy hay ống hút làm từ nguyên liệu thiên nhiên?
→ Lam chọn: Ống hút từ cây cỏ như tre, cỏ bàng phân hủy nhanh và dễ hơn.
4. Tái sử dụng (reuse) hay tái chế (recycle)?
→ Lam chọn: Chắc chắn là tái sử dụng vì ít tác động đến môi trường. Tái chế sẽ tốn kém hơn về mặt năng lượng, phát thải nhiều hơn.