Theo thông tin từ Tuổi trẻ Online, hành vi sai phạm thao túng thị trường chứng khoán của bị can Trịnh Văn Quyết bị xác định được thực hiện từ đầu tháng 12/2021 kéo dài đến phiên giao dịch ngày 10/1/2022. Đây cũng là phiên Chủ tịch FLC được xác định đã tìm cách bán chui 74,8 triệu cổ phiếu.
Bị can Trịnh Văn Quyết cùng với bà Bùi Hải Huyền đã chỉ đạo nhiều người thân trong gia đình và một số người khác điều hành nhân viên Công ty Cổ phần Chứng khoán BOS và các công ty con sử dụng khoảng 20 tài khoản chứng khoán của 11 tổ chức để thực hiện việc "làm giá". Những cá nhân này thông đồng với nhau liên tục mua, bán chứng khoán FLC với tần suất lớn nhằm tạo ra cung cầu giả để đẩy giá lên cao.
Theo Tiền Phong, các tài khoản trên đã tham gia 28/28 phiên giao dịch, đặt mua chiếm 12% tổng khối lượng đặt mua và khớp mua 2,84% tổng khối lượng khớp mua toàn thị trường; đặt bán chiếm 7% tổng khối lượng đặt bán và khớp bán chiếm 12% tổng khối lượng khớp bán toàn thị trường.
Tại các phiên tăng giá, nhóm 21 tài khoản chứng khoán đặt mua với tổng khối lượng 77% tổng khối lượng đặt mua. Tại các phiên giảm giá, nhóm đặt bán với tổng khối lượng 94% tổng khối lượng đặt bán.
Khi giá đạt mốc kỷ lục, ông Trịnh Văn Quyết chỉ đạo người thân bán ra 175 triệu cổ phiếu, trong đó đã khớp lệnh 74,8 triệu đơn vị với giá trung bình 22.500 đồng/đơn vị. Tổng số tiền bán chui là 1.690 tỷ đồng, nhóm này suýt hưởng lợi bất chính 530 tỷ đồng. Rất may, Uỷ ban chứng khoán Nhà nước đã huỷ toàn bộ giao dịch này.
Sau khi bán chui không thành, để đối phó cơ quan chức năng, bị can Quyết đã giao cho người thân sử dụng các tài khoản chứng khoán mở tại Công ty CP Chứng khoán BOS liên tục đặt lệnh mua cổ phiếu FLC với số lượng lớn để đẩy giá cổ phiếu, tạo thanh khoản giả. Giá cổ phiếu FLC đã được "thổi" từ 12.000 đồng/cổ phiếu lên giá 14.000 đồng/cổ phiếu (ngày 22/3).