Sức khỏe

Bộ Y tế đề xuất cho người dưới 18 tuổi được hiến tạng

Tóm tắt:
  • Người dưới 18 tuổi hiến mô, bộ phận cơ thể sau khi chết cần sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật.
  • Bộ Y tế đang lấy ý kiến về dự thảo sửa đổi Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể, hiến xác.
  • Việt Nam đã thực hiện hơn 9.500 ca ghép tạng và là nước số 1 Đông Nam Á về số ca ghép mỗi năm.
  • Tỷ lệ hiến tạng ở Việt Nam thấp, chỉ 0,15 trên một triệu dân, ảnh hưởng đến cơ hội sống của nhiều bệnh nhân.
  • Việc cho phép người dưới 18 tuổi hiến tạng cần sự đồng ý chặt chẽ, nhằm tăng nguồn hiến tạng cho người bệnh.

Bộ Y tế đang lấy ý kiến góp ý về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác, trong đó đề xuất sửa đổi nhiều nội dung cốt lõi. 

Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác có hiệu lực từ ngày 1/7/2007. Điều 5 Luật này quy định "Người từ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống, sau khi chết và hiến xác".

Trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung, Bộ Y tế đề xuất: "Mọi người có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình sau khi chết. Trường hợp người dưới 18 tuổi hiến mô, bộ phận cơ thể của mình sau khi chết phải có sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật".

Dự thảo cũng cụ thể hóa quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người khi còn sống

- Người từ 30 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được hiến bộ phận cơ thể của mình khi còn sống cho bất kỳ người chờ ghép nào mà không nêu đích danh người được ghép. 

- Người từ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được hiến bộ phận cơ thể của mình khi còn sống cho cha, mẹ, con, anh, chị, em ruột với người được ghép.

- Người từ 16 tuổi trở lên được hiến mô của mình khi còn sống. Trường hợp người dưới 18 tuổi hiến mô khi còn sống phải có sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật hoặc người giám hộ hợp pháp.

hien tang viet duc ghep tang
Thầy thuốc cúi đầu tri ân người chết não hiến tạng, đem lại cơ hội sống cho nhiều bệnh nhân khác. Ảnh: BVCC

Việt Nam bắt đầu ghép tạng từ năm 1992, nguồn hiến từ người cho sống. Năm 2010, ca ghép tạng đầu tiên từ người cho chết não diễn ra tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.

Sau 33 năm, Việt Nam thực hiện hơn 9.500 ca ghép tạng. 3 năm nay (từ 2022-2024), Việt Nam là quốc gia số 1 tại Đông Nam Á về số ca ghép tạng mỗi năm (trên 1.000 ca). Đến nay, cả nước có gần 30 trung tâm ghép tạng.

Hiện số người đăng ký hiến tạng trên cả nước vượt qua con số 101.000, tương đương khoảng 10% dân số. Số ca chết não hiến tạng ghi nhận tín hiệu tăng mạnh trong 2 năm gần đây.

Năm 2024, 41 gia đình đồng ý hiến tặng mô, tạng người thân chết não, hơn tổng số trường hợp 3 năm trước đó cộng lại. Điều này giúp tỷ lệ ca ghép tạng từ nguồn hiến người chết não gia tăng so với trước đây (tăng lên 13% tổng số ca ghép tạng, trong khi trước đây chỉ 4-6%). Trong hơn 2 tháng đầu năm 2025, 21 ca đồng ý hiến tạng sau chết não. 

Tình trạng thiếu tạng ghép ở Việt Nam rất trầm trọng. Tỷ lệ hiến tạng trên một triệu dân ở Việt Nam năm 2023 là 0,15 (nghĩa là 10 triệu người mới có 1,5 người chết hiến tạng), chỉ bằng 1/300 của Tây Ban Nha và 1/40 của Thái Lan, thuộc nhóm nước thấp nhất trên thế giới.

Thực tế, trong khi nguồn hiến chết não đang rất khiêm tốn khiến nhiều người bệnh trọng lỡ cơ hội sống, không ít gia đình trường hợp dưới 18 tuổi chết não có nguyện vọng muốn hiến tạng lại không thể thực hiện do luật hiện quy định chỉ người từ đủ 18 tuổi trở lên mới được hiến tạng. 

Xét ở góc độ y học, mô, bộ phận cơ thể của người dưới 18 tuổi vẫn có thể dùng để cấy, ghép cho người bệnh, nhất là những người bệnh dưới 18 tuổi.

Trên thế giới đã có nhiều quốc gia cho phép người dưới 18 tuổi được hiến tặng mô, bộ phận của mình sau khi chết, chết não. Việc hiến tặng phải bảo đảm những yêu cầu rất chặt chẽ, ví dụ phải có sự đồng ý bằng văn bản của cha mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp.

Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người cho biết qua nghiên cứu cho thấy đa phần quốc gia có tỷ lệ người chết não hiến tạng trên 1 triệu dân cao nhất thế giới thì 50% số ca hiến từ người trẻ (dưới 18 tuổi) và người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên). 

Việc lấy ý kiến cho Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác sẽ kết thúc vào ngày 19/5.

Dự thảo Luật cũng đề xuất sửa đổi Điều 6 về Quyền hiến, nhận tinh trùng, noãn, phôi trong thụ tinh trong ống nghiệm (hiện nay, Luật quy định quyền này trong thụ tinh nhân tạo). Đây đều là các phương pháp hỗ trợ sinh sản nhưng có sự khác biệt trong quy trình thực hiện. Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) có rất nhiều quá trình gồm kích thích trứng, chọc hút trứng, thụ tinh, tạo phôi và chuyển phôi; trong khi đó, thụ tinh nhân tạo (IUI) chỉ bơm tinh trùng vào tử cung để giảm thời gian di chuyển của tinh trùng đến gặp trứng.

Các tin khác

Chubb Life cập nhật giá đơn vị Quỹ Liên kết Đơn vị - Sản phẩm Kế hoạch Tài chính Chủ động

Sản phẩm Bảo hiểm Liên kết Đơn vị - Kế hoạch Tài chính Chủ động được thiết kế với các tính năng ưu việt nhằm đáp ứng đồng thời cả hai nhu cầu: Bảo vệ và Đầu tư. Với thông điệp “Đầu tư vững tâm – Bảo vệ vững vàng”, sản phẩm Kế hoạch Tài chính Chủ động góp phần hoàn thiện danh mục giải pháp tài chính toàn diện của Chubb Life Việt Nam trên hành trình thực hiện sứ mệnh bảo vệ người trụ cột và gia đình Việt.

Hơn 30 năm đi tìm dấu chân loài thú bí ẩn

Hơn 30 năm qua, những cánh rừng tự nhiên dọc dãy núi Trường Sơn ở Hà Tĩnh in đậm dấu chân của các nhà khoa học, chuyên gia tìm kiếm loài sao la, một trong những loài thú hiếm nhất thế giới, được mệnh danh là kỳ lân châu Á.

Cả thế giới "đau tim" vì đòn thuế quan trả đũa của ông Trump

Các thị trường tài chính toàn cầu chứng kiến một ngày đầy biến động khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố các mức thuế quan trả đũa rộng rãi đối với các quốc gia, làm dấy lên lo ngại về một cuộc chiến thương mại thế giới. Chứng khoán sụt giảm mạnh, vàng lập đỉnh mới, trong khi các đồng tiền chủ chốt và giá dầu đều chịu tác động lớn từ những quyết định thuế quan này.

Tin xem nhiều