Chuyển đổi đất nuôi tôm sang trồng cây nhàu
Khu vườn trồng cây nhàu của ông Chương rộng hơn 5 ha. Nhìn cây phát triển khỏe mạnh, xanh mướt, trĩu quả… nhiều người không ngờ loại cây dại này trở thành cây "hái" ra tiền, giúp gia đình ông có cuộc sống ổn định.

Ông Chương thu hoạch nhàu để làm nước cốt nhàu
ẢNH: DUY TÂN
Tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia TP.HCM vào năm 2004, ông Chương xin vào làm việc ở công ty viễn thông tại TP.HCM với thu nhập khá cao.
Năm 2018, cha lâm bệnh nặng, ông tạm gác công việc để về quê chăm sóc. Thời điểm đó, ông được người bạn tặng chai nước cốt nhàu từ Mỹ. Qua tìm hiểu, thấy sản phẩm được thị trường ưa chuộng bởi có công dụng hỗ trợ điều trị các bệnh tăng huyết áp, nhuận tràng, đau đầu, mất ngủ…, ông ấp ủ dự định khởi nghiệp với sản phẩm nước cốt trái nhàu.
Từ tiền tích lũy sau nhiều năm làm việc, ông đầu tư khoảng 1 tỉ đồng vào việc chuyển đổi 5 ha đất nuôi tôm của gia đình sang trồng hơn 100.000 cây nhàu. Thời gian đầu, cây không phù hợp với đất nên chết khá nhiều. Lúc đó, vợ ông Chương vẫn làm việc ở TP.HCM để có thu nhập trang trải kinh tế gia đình. Nhờ kiên trì nghiên cứu cách trồng phù hợp, sau hơn 1 năm, vườn nhàu cho những lứa trái đầu tiên và dần dần thu hoạch quanh năm, cho nguồn nguyên liệu luôn ổn định.

Khoảng 3 - 4 kg nhàu tươi cho 1 lít nước cốt nhàu nguyên chất
ẢNH: DUY TÂN
Ông Chương liên kết với các nhà vườn lân cận để trồng số lượng lớn, tạo thu nhập cho bà con. Năm 2020, vợ chồng anh thành lập công ty, đầu tư hệ thống máy móc, dây chuyền sản xuất hiện đại.
"Thực tế cho thấy, không riêng gì ở địa phương tôi mà hầu hết các tỉnh, thành miền Tây trái nhàu chưa được khai thác tối đa giá trị, đa phần người dân chỉ sử ngâm rượu để trị đau nhức. Số ít nhà vườn trồng nhàu cung cấp nguyên liệu thô cho thương lái, nhưng giá trị không cao, đầu ra bấp bênh", ông Chương cho biết.
Cơ hội đưa sản phẩm ra thị trường quốc tế
Tại cơ sở của ông Chương, nước cốt làm từ trái nhàu tươi thu hoạch tại vùng nguyên liệu sạch, canh tác theo tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ. Chỉ những trái nhàu đạt độ chín từ 80% trở lên mới được chọn làm nguyên liệu.

Nước cốt nhàu được tiêu thụ thông qua 30 đại lý trên cả nước và các sàn thương mại điện tử
ẢNH: DUY TÂN
Trái nhàu đạt chuẩn đem rửa sạch, để khô rồi ủ 12 tháng. Tiếp đó đưa vào máy tách dịch và hạt, rồi pha chế theo các dòng sản phẩm. Khoảng 3 - 4 kg nhàu tươi mới cho được 1 lít nước cốt nhàu nguyên chất. "Để đáp ứng khẩu vị của khách hàng, ngoài nước cốt nhàu nguyên chất, tôi còn làm nước cốt nhàu cho vào một ít đường phèn dành cho khách thích uống hậu ngọt", ông Chương nói.
Hiện, mặt hàng nước cốt nhàu được ông Chương chia thành 2 dòng cao cấp và cơ bản, tiêu thụ thông qua 30 đại lý trên cả nước và các sàn thương mại điện tử. Cơ sở của ông làm 4 định dạng đóng chai, bán hàng ngàn chai/năm với giá từ 180.000 - 380.000 đồng/chai, nhờ đó thu lãi hơn 1 tỉ đồng.

Cơ sở của ông Chương làm 4 định dạng đóng chai, bán hàng nghìn chai nước cốt nhàu, giá từ 180.000 - 380.000 đồng/chai
ẢNH: DUY TÂN
Ông Chương cho biết, thời gian tới sẽ mở rộng sản xuất để xuất khẩu chính ngạch, đưa sản phẩm ra các thị trường quốc tế. Hiện có một số đối tác muốn hợp tác đưa nước cốt nhàu qua Mỹ và châu Âu.
Bên cạnh sản phẩm chủ lực là nước cốt nhàu, ông Chương đang nghiên cứu để đa dạng sản phẩm như: nhàu khô sấy lạnh, bột nhàu, nước chấm, nước sốt… nhằm mang đến nhiều lựa chọn hơn cho người tiêu dung.
"Với thức uống, sản phẩm từ trái nhàu giúp tăng cường sức đề kháng, giúp phòng bệnh huyết áp, tim mạch, tiểu đường… Tôi mong muốn đem lại sản phẩm chăm sóc sức khỏe cho người tiêu dùng", ông Chương chia sẻ.
Ông Triệu Thanh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Cà Mau, cho biết sản phẩm nước cốt nhàu của ông Chương có nhiều tiềm năng phát triển mạnh. Bởi công ty có vùng trồng cây nhàu ổn định, sản phẩm được khách ở một số nước ưa chuộng. Sắp tới, trung tâm triển khai những chính sách hỗ trợ cụ thể giúp các mặt hàng nông nghiệp ở tỉnh mở rộng thị trường, trong đó có nước cốt nhàu.