Việt Nam hiện có 14,2 triệu người từ 60 tuổi trở lên, chiếm trên 14% dân số, trong đó 10,3 triệu người cao tuổi sống ở nông thôn (64%). Tốc độ già hóa diễn ra rất nhanh, dự báo 7 năm nữa, số người cao tuổi nước ta bắt đầu nhiều hơn số trẻ em.
Tuổi thọ bình quân của người Việt là 74,7 tuổi - cao hơn nhiều nước có thu nhập tương đồng song theo Bộ Y tế, người cao tuổi mắc ít nhất 2-3 bệnh nền, tuổi thọ khỏe mạnh chỉ đến 65 tuổi. Theo thống kê, chi phí chữa bệnh cho người cao tuổi thường cao gấp gần 10 lần người trẻ, nhóm này sử dụng trên 50% chi phí điều trị mỗi năm dù chỉ chiếm hơn 14% dân số.
Do đó, trong ý kiến gửi trước kỳ họp thứ 9 Quốc hội khoá 15, cử tri nhiều địa phương đề xuất nhiều kiến nghị liên quan mở rộng quyền lợi BHYT cho người cao tuổi trong khám chữa bệnh.
Xem xét cho người cao tuổi được hưởng chế độ BHYT khi tiêm vắc xin
Cử tri Vĩnh Long cho hay trong bối cảnh già hóa dân số, số lượng người cao tuổi ngày càng tăng, Bộ Y tế cần chỉ đạo nâng cao chất lượng y tế dự phòng nhất là đối với người cao tuổi; đồng thời, xem xét cho phép người cao tuổi được hưởng chế độ BHYT khi tiêm vắc xin phòng ngừa một số bệnh phổ biến như cúm, viêm phổi...
Trả lời kiến nghị này, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho biết hiện nay, theo quy định tại Luật Bảo hiểm y tế, phạm vi quyền lợi được hưởng của người tham gia BHYT bao gồm các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám, chữa bệnh.
Các dịch vụ y tế dự phòng như tiêm chủng vắc xin phòng bệnh (cúm, viêm phổi…) hiện chưa thuộc danh mục được quỹ BHYT thanh toán.
Bộ trưởng cho biết đang chỉ đạo hệ thống y tế các tuyến, đặc biệt là tuyến cơ sở, tăng cường truyền thông giáo dục sức khỏe, tổ chức các đợt tiêm chủng định kỳ, xây dựng mô hình chăm sóc sức khỏe ban ngày cho người cao tuổi tại cộng đồng...

Đồng thời, Bộ Y tế đang phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu và đề xuất mở rộng phạm vi quyền lợi BHYT theo hướng bao phủ dần các dịch vụ y tế dự phòng thiết yếu, phù hợp với nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân, đặc biệt là người cao tuổi. Luật Phòng bệnh cũng đang được Bộ Y tế xây dựng, dự kiến trình Quốc hội ban hành tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025).
Đề xuất hỗ trợ BHYT cho người từ 60 tuổi trở lên
Đây là kiến nghị của cử tri Cà Mau do hiện nay người cao tuổi mắc bệnh ngày càng tăng.
Hồi đáp vấn đề, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho rằng kiến nghị này đã được xem xét trong quá xây dựng quyền lợi của người tham gia BHYT. Các đối tượng (kể cả người từ 60 tuổi trở lên) nếu khó khăn sẽ được UBND địa phương xem xét hỗ trợ cả về đóng BHYT và cả về chi trả chi phí khám chữa bệnh BHYT.
Theo đó, UBND cấp tỉnh căn cứ khả năng ngân sách của địa phương và các nguồn kinh phí hợp pháp khác, trình HĐND cùng cấp quyết định mức hỗ trợ đóng BHYT cho các đối tượng này cao hơn mức Chính phủ đã quy định.
Kiến nghị miễn thủ tục chuyển tuyến cho cựu chiến binh chống Pháp, Mỹ
Cử tri Tây Ninh kiến nghị có chính sách ưu tiên hỗ trợ cho cựu chiến binh thời kháng chiến chống Pháp, Mỹ (nay đã tuổi cao sức yếu) được bỏ thủ tục chuyển viện khi đi khám chữa bệnh tuyến trên theo quy định.
Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết theo quy định tại Thông tư số 01/2025 của Bộ Y tế, người có thẻ BHYT khi có nhu cầu khám chữa bệnh tại tuyến trên phải thực hiện đúng thủ tục chuyển tuyến theo phân tuyến chuyên môn kỹ thuật, trừ một số trường hợp được quy định cụ thể.
Thông tư số 01/2025 còn quy định các trường hợp người bệnh được phép đến khám chữa bệnh tại cấp chuyên sâu mà không cần thực hiện thủ tục chuyển tuyến.
Cụ thể, người mắc bệnh mạn tính, bệnh nặng, bệnh cần can thiệp chuyên môn sâu hoặc có di chứng do vết thương chiến tranh được phép đi thẳng lên tuyến tỉnh hoặc tuyến trung ương để khám, điều trị mà không cần thủ tục chuyển cơ sở khám, chữa bệnh ban đầu.
"Kiến nghị mở rộng quyền lợi miễn thủ tục chuyển tuyến cho toàn bộ cựu chiến binh chống Pháp, Mỹ, Bộ Y tế xin tiếp thu với tinh thần trân trọng và nhân văn", Bộ trưởng Y tế cho biết. Tuy nhiên, việc sửa đổi chính sách liên quan đến tuyến điều trị và quyền lợi BHYT cần được xem xét tổng thể, có sự phối hợp với các bộ, ngành liên quan để bảo đảm tính khả thi, đồng bộ và cân đối quỹ BHYT.
"Bộ Y tế sẽ nghiên cứu, tổng hợp ý kiến này để xem xét, đề xuất trong quá trình hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về BHYT trong thời gian tới", Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho hay.