Kinh doanh

Nhập khẩu thép cán nóng nghi lách thuế tăng bất thường, Bộ Công Thương nói gì?

Số liệu thống kê từ hải quan cho thấy, 6 tháng đầu năm nay, lượng nhập khẩu thép cán nóng (HRC) khổ rộng từ 1.880 mm trở lên nhập từ Trung Quốc về Việt Nam tăng bất thường.

Theo đó, chỉ riêng trong tháng 6, sản lượng nhập khẩu mặt hàng này lên tới 215.000 tấn, tăng 26 lần so với tháng cùng kỳ năm 2024 (8.000 tấn).

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2025, lượng nhập khẩu các loại thép cán nóng khổ từ 1.880mm trở lên từ Trung Quốc về Việt Nam tăng đột biến lên gần 650.000 tấn, cao gấp 15 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, loại thép khổ rộng 2.000 mm chiếm 74% lượng nhập của 6 tháng đầu năm.

Lượng thép cán nóng nhập khẩu tăng bất thường cho thấy có dấu hiệu của hành vi lẩn tránh thuế chống bán phá giá tạm thời đối với sản phẩm thép cán nóng nhập khẩu từ Trung Quốc, được áp dụng tạm thời từ tháng 2/2025 và chính thức từ ngày 6/7/2025, theo quyết định của Bộ Công Thương.

Nhập khẩu thép cán nóng nghi lách thuế tăng bất thường, Bộ Công Thương nói gì? - 1

Nếu tính theo mức thuế chống bán phá giá với thép cán nóng Trung Quốc đang áp dụng (27,83%) và sản lượng nhập khẩu HRC khổ từ 1.900 mm trở lên trong 6 tháng qua, ngân sách Nhà nước đã thất thu số tiền lớn, ước khoảng 90 triệu USD (tương đương 2.300 tỷ đồng).

So với tháng 6/2024, giá nhập khẩu bình quân thép HRC khổ rộng từ Trung Quốc giảm 13% xuống còn 502 USD/tấn, mức thấp nhất trong 13 tháng qua.

6 tháng đầu năm 2025, Việt Nam nhập khẩu 4,5 triệu tấn thép cán nóng HRC, giảm mạnh so với gần 6 triệu tấn cùng kỳ 2024. Trong đó, sản lượng thép cán nóng nhập khẩu từ Trung Quốc nửa đầu năm nay là 2,8 triệu tấn, giảm 36% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, các loại thép khổ rộng từ 1.880 mm trở lên nhập về Việt Nam lại cao bất thường.

Theo doanh nghiệp, việc nhập khẩu hàng hóa khổ rộng có sự chênh lệch nhỏ so với hàng hóa thuộc phạm vi điều tra, về bản chất không khác biệt đáng kể so với thép đang bị áp thuế về đặc tính kỹ thuật, mục đích sử dụng, kênh phân phối. Hành vi này đã vi phạm Điều 73 và 78 Nghị định 10/2018/NĐ-CP cũng như quy định tại Nghị định 86/2025/NĐ-CP về hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.

Việc này không chỉ làm triệt tiêu hiệu quả của chính sách thuế chống bán phá giá mà còn tạo ra môi trường cạnh tranh méo mó, thiếu công bằng, tiềm ẩn nguy cơ gian lận thương mại có hệ thống.

Nguy hiểm hơn, hành vi này ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp sản xuất trong nước và gây thất thu lớn cho ngân sách nhà nước.

Thực tế cho thấy, từ khi Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) có quyết định khởi xướng điều tra vụ việc, xu hướng dịch chuyển sang nhập khẩu hàng khổ 1.880-2.000 mm từ Trung Quốc diễn ra ngày càng mạnh mẽ.

Do đó, nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời thì xu hướng nhập khẩu thép cán nóng không chỉ dừng lại ở khổ rộng trên mà còn mở rộng sang nhập khẩu các khổ lớn hơn 2.000 mm để sử dụng như thép cán nóng thông thường, làm ngân sách thất thu hơn nữa.

Trả lời PV.VietNamNet, Cục Phòng vệ thương mại cho rằng: Biện pháp chống bán phá giá (CBPG) đối với sản phẩm thép cán nóng được áp dụng sau quá trình điều tra kỹ lưỡng, phù hợp với quy định của pháp luật và cam kết của Việt Nam trong WTO, trên cơ sở đơn đề nghị của ngành sản xuất trong nước.

Theo cơ quan phòng vệ thương mại, biện pháp này không áp dụng với sản phẩm có chiều rộng lớn hơn 1.880mm do trong nước chưa sản xuất được và ngành sản xuất trong nước không yêu cầu. Bộ Công Thương đã áp dụng biện pháp CBPG tạm thời từ ngày 8/3/2025 và sau đó ban hành biện pháp CBPG chính thức từ ngày 6/7/2025.

"Hiện Bộ Công Thương đã chủ động thu thập thêm thêm thông tin, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và có cảnh báo đến doanh nghiệp để thực thi nghiêm các quy định của pháp luật", Cục Phòng vệ thương mại cho biết.

Trong quá trình điều tra chính thức, Bộ Công Thương cũng đã gửi bản câu hỏi điều tra bổ sung cho các doanh nghiệp nhập khẩu đề nghị các công ty nhập khẩu cung cấp bổ sung thông tin về tình hình nhập khẩu, sử dụng và bán các sản phẩm thép. Bộ Công Thương đã hoàn thiện thể chế, ban hành các Thông tư hướng dẫn Nghị định 86/2025/NĐ-CP ngày 11/4/2025 để có thể thực thi ngay các quy định mới về phòng vệ thương mại từ ngày 1/7/2025.

"Các quy định mới của chúng ta đã lường trước khả năng doanh nghiệp lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại nên đã cho phép áp dụng các biện pháp chặt chẽ và kịp thời hơn, trên cơ sở đề nghị của doanh nghiệp cũng như cân nhắc hài hoà lợi ích của tất cả các bên liên quan", theo Cục Phòng vệ thương mại.

Bộ Công Thương đã đề nghị Bộ Tài chính (Cục Hải quan) xem xét trên cơ sở các quy định của pháp luật để có biện pháp tăng cường giám sát đối với các lô hàng liên quan.

Bộ Công Thương cho biết đã có hướng dẫn để ngành sản xuất trong nước hoàn thiện hồ sơ yêu cầu điều tra chống lẩn tránh theo các quy định mới của pháp luật để Bộ Công Thương có đầy đủ cơ sở xem xét.

Bộ Công Thương cũng đã tham khảo ý kiến các đối tượng liên quan, trong đó quan trọng nhất là các doanh nghiệp. Trên thực tế, cùng với việc đảm bảo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa doanh nghiệp sản xuất thép trong nước và nước ngoài thì cũng cần điều hành trên cơ sở hài hoà lợi ích của các doanh nghiệp, đặc biệt là không gây tổn hại đến các ngành sản xuất trong nước trong các ngành được Nhà nước ưu tiên phát triển.

Các tin khác

VPBank thêm ưu đãi lãi suất cho người trẻ vay mua nhà

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đã điều chỉnh thêm lãi suất ưu đãi vay mua nhà dành cho nhóm khách hàng trẻ từ 18-35 tuổi. Mức lãi suất 6,1%/năm cố định trong 12 tháng, ân hạn gốc 24 tháng của VPBank triển khai được nhiều người đánh giá là cạnh tranh nhất trên thị trường.

Nhìn lại vụ đưa, nhận, môi giới hối lộ ở TAND Cấp cao tại Đà Nẵng và các địa phương

Giai đoạn đầu vụ án, Cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao quy kết cựu Phó chánh án TAND Cấp cao tại Đà Nẵng nhận hối lộ; trong khi các cựu Kiểm sát viên, Chấp hành viên, Luật sư và cả bị can làm nghề tự do đều tham gia đưa hối lộ hoặc môi giới hối lộ số tiền hàng tỷ đồng nhằm "lật kèo" bản án dân sự hoặc giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo phạm tội hình sự.

Quân đội sẵn sàng bay cứu hộ, ứng phó mưa lũ ở Sơn La

Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam yêu cầu Viettel phối hợp với Quân khu 2 điều thiết bị bay không người lái để phát hiện sớm khu vực nguy cơ xảy ra lũ quét ở Sơn La; Quân chủng Phòng không - Không quân, Binh đoàn 18 sẵn sàng bay cứu hộ khi có lệnh.

Nghịch lý khí hậu: Đất càng khô hạn, biển dâng càng nhanh

Một nghiên cứu mới cho thấy hiện tượng khô hạn trên diện rộng, bao gồm việc nước ngọt từ đất liền chảy ra biển, đang là nguyên nhân chính gây mực nước biển dâng, vượt qua cả tốc độ tan chảy của các tảng băng lớn.