Bộ trưởng Bộ Công Thương thông tin, cả thế giới điêu đứng trong vấn đề năng lượng, Nga khó khăn trong việc bán ra sản phẩm dầu lửa và khí đốt nhưng giá bán lẻ của Nga đã 58 - 60 Rúp/lít, tương đương trên 30 nghìn đồng/lít, trong khi đó ở Việt Nam duy trì ở ngưỡng từ 21 – 25 nghìn đồng/lít, ở thời điểm này là 23 nghìn đồng/lít.
Với mức giá này, giá xăng dầu của chúng ta thấp nhất trong khu vực và có thể nói thấp nhất trên thế giới, trừ Malaysia có trợ cấp trong nước, còn người nước ngoài sống ở Malaysia vẫn phải mua giá của khu vực, cao hơn bình quân giá của Việt Nam.
Thời gian qua, do ảnh hưởng của tình hình thế giới, biên độ giao động của giá xăng dầu rất cao. Trong 10 kỳ điều hành liên tiếp, khoảng 300 ngày liên tục giảm nhưng đến thời điểm này bắt đầu lên. Những doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nhập với giá cao ở kỳ trước nhưng bán giá thấp đương nhiên bị thua lỗ, khủng hoảng.
Về vấn đề tại sao bảo đảm cung ứng xăng dầu mà lại có chuyện đứt gãy, nhiều cửa hàng đóng cửa, Bộ trưởng Bộ Công Thương khẳng định Việt Nam chưa bao giờ thiếu nguồn cung cho đến thời điểm này. Thông tin dư luận cho rằng thiếu nguồn cung trong nước là hoàn toàn không chính xác.
Bộ Công Thương có cơ sở, số liệu, kiểm tra, đánh giá một cách chi tiết việc này khi lực lượng quản lý thị trường, Sở công thương kiểm soát trên từng địa bàn để nắm được lượng hàng. Đến thời điểm 30/9/2022, Việt Nam còn hàng dự trữ thương mại khoảng 2,5 triệu khối; năng lực sản xuất của hai nhà máy Bình Sơn và Nghi Sơn trong tháng 10 bảo đảm 80% nguồn cung trong nước với 1,3 triệu khối/tháng.
Theo kế hoạch phân giao, 34 doanh nghiệp đầu mối phải nhập trong kỳ tháng 10 khoảng 500 nghìn khối, như vậy trong nước có hơn 3 triệu khối ở thời điểm cuối tháng 9 và giữa tháng 10, hoàn toàn đáp ứng nguồn cung cho đến hết giữa tháng 11. Trong khi đó, sang tháng 11 tiếp tục sản xuất gối đầu và nhập khẩu.
Dù vậy, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng thừa nhận, nguồn cung xăng dầu không thiếu nhưng rõ ràng bán ra thị trường lại có khó khăn. Doanh nghiệp phải nhập với giá cao kỳ trước nhưng trong kỳ với giá thấp, đương nhiên là lỗ mà đã lỗ thì không dám làm.
Bên cạnh đó, hàng loạt chi phí định mức đã lỗi thời, từ lợi nhuận định mức, chi phí kinh doanh, chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam, chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy sản xuất về kho bãi của doanh nghiệp đầu mối và tư nhân phân phối…. Như chi phí bảo quản, dự trữ xăng dầu theo định mức được xây dựng từ năm 2003 chỉ 30 đồng/lít nhưng đến bây giờ ở mức 80 đồng/lít, không doanh nghiệp nào có thể hoạt động được.
Giải thích về việc tại sao thực tế như vậy nhưng việc đóng cửa hàng bán lẻ xăng dầu không xảy ra trên phạm vi cả nước mà chỉ tập trung ở Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, miền Tây, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, khu vực này có lượng đáng kể xăng dầu trôi nổi, kể cả xăng dầu lậu, giả, với bằng chứng hồi tháng 8 ghi nhận liên tiếp các bắt giữ, triệt phá những vụ làm giả xăng dầu mấy trăm triệu lít. Vậy nên, người kinh doanh trong lĩnh vực này không quan tâm lắm đến chi phí định mức, chiết khấu cũng như việc đăng ký mua của ai một cách ổn định. Trong khi đó, thị trường hiện đang xử lý mạnh về xăng dầu giả, siết chặt xăng dầu lậu, nên chỉ còn xăng dầu chính thống.
"Mà xăng dầu chính thống, nhưng tôi vừa phân tích giá biến động liên tục, chiết khấu thấp; trong khi những người đang đang thu được rất nhiều tiền, giờ thu được ít tiền, thậm chí lỗ thì không ai muốn làm", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phân tích.
Cùng với đó, cơn lốc về chứng khoán, bất động sản vừa qua cũng có những tác động nhất định đến vấn đề này. Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, không phải tất cả nhưng thông thường doanh nghiệp làm xăng dầu đều có tham gia ít nhiều vào lĩnh vực bất động sản, chứng khoán. Khi tham gia vào lĩnh vực này, nguồn tiền cũng bị vơi đi, và đến kỳ nhập đúng thời điểm nhập cao, bán thấp, doanh nghiệp thường không còn tiền và không hấp dẫn.
Thứ nữa, về hạn mức (room) tín dụng, khi doanh nghiệp được cấp phép, đầu mối hoặc thương nhân phân phối sẽ được ngân hàng cấp cho room tín dụng, khoản vay nhưng vì room được quy định từ trước, giá xăng dầu trước đây chỉ 50-60USD/thùng nhưng bây giờ giá cao, thậm chí có thời điểm gấp hơn 2 lần mà room tín dụng vẫn vậy thì những doanh nghiệp kể cả làm ăn “đúng đắn” cũng không đủ tiền nhập, chưa nói đến những doanh nghiệp “tay trái kết hợp”.
Mặt khác, thông thường trước đây các doanh nghiệp trong hệ thống kinh doanh ở từng khu vực có nhiều nguồn để nhập, cùng lúc ký với rất nhiều doanh nghiệp đầu mối, nhưng ký xong rồi không nhập dẫn đến câu chuyện “lắm mối tối nằm không”, đây cũng là một trong vấn đề cần xử lý.
Trong quản lý mặt hàng xăng dầu, “dư luận đặt vấn đề trách nhiệm thuộc ngành công thương, đúng vì chúng tôi được giao nhiệm vụ này nhưng chúng tôi cũng nói thêm quản lý mặt hàng này có 7 bộ, ngành và địa phương chịu trách nhiệm quản lý và bảo đảm nguồn cung xăng dầu. Bộ Công Thương chỉ được giao nhiệm vụ đảm bảo nguồn cung xăng dầu ra thị trường, quản lý hệ thống phân phối từ doanh nghiệp đầu mối đến thương nhân phân phối.
Trong khi đó, hệ thống kinh doanh có doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối, tổng đại lý/đại lý và cửa hàng bán lẻ mà tổng đại lý/đại lý và cửa hàng bán lẻ do địa phương quản lý trực tiếp. Bộ Công Thương có nguồn phân phối nhưng để phân phối được thì ngoài quản lý, kiểm soát và điều tiết ở cấp doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối, rất cần địa phương vào cuộc kiểm soát, quản lý và xử lý các cấp tổng đại lý/đại lý và cửa hàng bán lẻ như vậy mới đồng bộ, và giải quyết các bất cập hiện nay", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
Trên thị trường, chiều qua (21/10), liên bộ Công Thương - Tài chính đồng loạt tăng giá xăng, dầu theo chu kỳ, sau 4 kỳ liên tiếp giảm. Tính từ đầu năm đến nay, giá mặt hàng xăng trong nước đã trải qua 28 lần điều chỉnh giá; trong đó có 15 lần tăng và 12 lần giảm, một lần giữ nguyên.
Việc điều hành chính sách bình ổn giá xăng dầu cũng là vấn đề được cử tri và nhân dân băn khoăn, lo lắng bên lề Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV khi xăng dầu là yếu tố đầu vào của nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh. Việc điều chỉnh tăng giá xăng dầu sẽ kéo theo giá cả các mặt hàng lương thực, thực phẩm, các hàng hóa, dịch vụ khác cũng ở mức cao, khó giảm thấp, gây trở ngại lớn cho mục tiêu kiềm chế lạm phát.