Phát biểu tại Hội nghị Hợp tác đầu tư Việt Nam - Lào năm 2025 diễn ra chiều 9/1, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng đề xuất cần tháo gỡ "nút thắt" đầu tư của Việt Nam tại Lào.
Để tăng cường đầu tư từ Việt Nam vào Lào, ông kiến nghị hai vấn đề. Thứ nhất là, tập trung giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc cho các dự án đầu tư tại Lào, đặc biệt đối với các dự án đầu tư quy mô lớn. Nhiều khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp đang chờ các bộ, ngành, địa phương hai nước tháo gỡ, nhất là phía Lào.
Thứ hai, đối với các doanh nghiệp mới, chưa đầu tư vào Lào, Chính phủ Lào cần phải có định hướng mới, với các biện pháp mang tính đột phá, tạo thêm không gian và dư địa, đặc biệt Lào cần phải cải cách mạnh mẽ, đổi mới toàn diện và đồng bộ thể chế kinh tế và cắt giảm mạnh mẽ các thủ tục hành chính chồng chéo, không cần thiết để giải phóng nguồn lực thúc đẩy đầu tư phát triển.
Điểm mấu chốt nữa là doanh nghiệp cần chủ động và tích cực tham gia kế hoạch kết nối hai nền kinh tế và tiến trình giúp Lào có biển, có cảng riêng, kết nội hệ thống đường bộ, đường sắt để mở cửa hội nhập quốc tế, phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ, Bộ trưởng Dũng cho hay.
Bộ trưởng cũng cho biết hiện Chính phủ hai nước đang tập trung tháo gỡ khó khăn, để huy động mọi nguồn lực đầu tư các dự án hạ tầng kết nối trọng điểm, như: Dự án hợp tác đầu tư bến cảng 1,2,3 cảng Vũng Áng, dự án đường cao tốc Hà Nội - Vientiane, dự án đường sắt Vientiane - Vũng Áng.
"Bên cạnh nỗ lực của hai Chính phủ, rất cần sự chung tay vào cuộc của các doanh nghiệp hai nước, với các hình thức, phương thức hợp tác đa dạng để huy nguồn lực đầu tư vào các dự án nêu trên", Bộ trưởng kêu gọi.
Ông cũng nhấn mạnh rằng để đột phá trong thu hút nguồn lực đầu tư, các cơ quan của Lào cần: Có giải pháp đồng bộ ổn định kinh tế vĩ mô, điều kiện tiên quyết đẻ thu để hút đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân, đầu tư nước ngoài.
Cũng như, hoàn thiện các chính sách liên quan đến đầu tư, thuế, thương mại, tỷ lệ lao động, chính sách tín dụng…; Quá trình thực thi chính sách như: tạo thuận lợi cho xuất nhập khẩu thiết bị, hàng hóa, kế toán kiểm toán, tô nhượng đất đai…
Đồng thời, sớm hoàn thành quy hoạch tổng thể lĩnh vực nông nghiệp, tạo điều kiện hình thành các vùng, khu vực phát triển nông nghiệp quy mô lớn và xem xét giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam triển khai hoạt động và mở rộng dự án.