Trước câu hỏi của báo chí về các chính sách điều hành linh hoạt về tỷ giá tác động như thế nào đến nợ công, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất của đồng USD sẽ tác động đến xuất nhập khẩu và tỷ giá đồng USD so với VND.
Tuy nhiên, trong cơ cấu nợ công thì đồng USD chỉ chiếm 13,5% và trong cơ cấu về xuất nhập khẩu thì đồng USD chiếm khoảng 29%. Sau khi cơ cấu lại nợ công, Việt Nam ước tính tiết kiệm được khoảng 57.000 tỷ đồng.
"Đây cũng là thời cơ để chúng ta tăng cường, tạo thuận lợi cho xuất khẩu, phát triển sản xuất kinh doanh, kiềm chế lạm phát", Bộ trưởng nói. Việt Nam có thể thúc đẩy được sự phát triển kinh tế xã hội và chống lạm phát một cách hiệu quả nhất, đồng tiền VND hiện nay vẫn là đồng tiền trị giá tốt.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng cho hay, đến thời điểm hiện nay các chỉ tiêu về kinh tế vĩ mô đều rất tích cực và dự kiến tăng trưởng năm nay sẽ đạt khoảng 7%. Thu ngân sách Nhà nước đã đạt 95,5%; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 2,58% và ở mức dưới 4% so với chỉ tiêu Quốc hội giao.
Nợ công khoảng 44% GDP, kiểm soát ở mức an toàn, đảm bảo trong hạn mức là 60% và ngưỡng cảnh báo 55%, hạn mức chi trả dưới 25% tổng thu ngân sách nhà nước. Bội chi ngân sách kiềm chế ở mức dưới 4%.
"Có thể nói, chúng ta đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao về ổn định kinh tế vĩ mô và quản lý nợ công", người đứng đầu Bộ Tài chính khẳng định.
Kể từ đầu năm đến nay, tỷ giá VND đã mất giá gần 5% so với đầu năm do xu hướng tăng lãi suất của Fed khiến đồng USD mạnh lên.
Tuy nhiên, mức độ mất giá của đồng VND hiện vẫn thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực Đông Nam Á (mất giá khoảng 10-12%), đồng yen Nhật, đồng won Hàn Quốc hay Euro hiện đã giảm mạnh tới 20-30%.