Từ năm thứ 3 đại học, T. Tùng đã đăng ký đi thực tập làm chuyên viên phân tích kinh doanh (BA) và sau đó được ký hợp đồng chính thức. Mức lương là 5 triệu/tháng và em có thể làm việc từ xa, tranh thủ hoàn thành chỉ tiêu sau những giờ lên lớp. Vài tháng sau khi nhận tấm bằng cử nhân, Tùng chuyển sang vị trí tương tự ở một doanh nghiệp lớn hơn với lương khởi điểm hơn 11 triệu/tháng. Công ty xét lương 2 lần/năm và giờ đây, sau hơn 1 năm ra trường, thu nhập hàng tháng của Tùng là 15 triệu.
“Nhiều bạn của em sau tốt nghiệp mới tính chuyện tìm việc, lương khởi điểm của các bạn với vị trí tương tự thường từ 6-8 triệu/tháng, tuỳ quy mô công ty ”, Tùng cho biết thêm.
Bình luận cư dân mạng về thông tin lương khởi điểm của sinh viên mới ra trường là 10,6 triệu/tháng
Khi báo cáo về lương của sinh viên mới ra trường của Talentnet được công bố, nhiều người tỏ ra khá ngạc nhiên và cho rằng đây chỉ là trường hợp cá biệt vì nhiều người đi làm lâu năm cũng chưa có được mức lương như vậy. Tuy nhiên thực tế, những trường hợp như Tùng kể trên không phải là hiếm. Rất nhiều bạn trẻ khi còn ngồi trên ghế giảng đường đã bắt đầu thi lấy chứng chỉ ngoại ngữ, tin học hay chứng chỉ chuyên môn và bắt đầu đi làm. Chính vì vậy dù mới ra trường, các em đã có một vốn kinh nghiệm nhất định và có thể có thu nhập bằng nhiều cử nhân đại học đi làm từ 3-5 năm. Một số ngành có nhu cầu cao như IT, hay nhân sự biết tiếng Hàn, Nhật, mức lương khởi điểm có thể còn cao hơn nữa.
Bản thân các bạn sinh viên trẻ cũng có rất nhiều điểm “được lòng” nhà tuyển dụng. Một cán bộ nhân sự chia sẻ “Các bạn trẻ thì nhiệt huyết, tinh thần khám phá, học hỏi cao. Các bạn như 1 tờ giấy trắng sẽ dễ đào tạo phù hợp với mô hình doanh nghiệp. Cùng với đó, nếu chưa có vướng bận gia đình thì họ cũng tập trung vào công việc hơn”.
Cũng theo báo cáo của Talentnet, lần đầu tiên sau nhiều năm, mức lương khởi điểm của sinh viên mới tốt nghiệp từ đại học Việt Nam và du học sinh tại đại học nước ngoài là ngang bằng nhau (khoảng 10.600.000 đồng/ tháng). Đây là một tín hiệu đáng mừng bởi chất lượng sinh viên được đào tạo trong nước đang ngày càng được nâng cao, nhất là kĩ năng ngoại ngữ.
Yếu tố giữ chân các thế hệ lao động khác nhau. Nguồn: Talentnet
Thế hệ gen Y2 (sinh năm 1990 – 1996) và gen Z (sinh 1997 trở về sau) đang chiếm khoảng 54% lực lượng lao động. Tuy nhiên, cũng theo khảo sát, mức độ gắn bó của nhóm gen Y2 và gen Z với doanh nghiệp chỉ khoảng 2-3 năm, cách biệt rất nhiều so với nhóm gen Y1 (1981 – 1989) gắn bó 8 năm, hay gen X (1965 – 1980) là 12 năm. Đây cũng thực trạng khiến nhiều nhà tuyển dụng phải “đau đầu”. Điều này đặt ra những yêu cầu đổi mới từ chính phía doanh nghiệp để thích ứng với các thay đổi của thế hệ lao động mới.
Bên cạnh đó, những cán bộ nhân sự lâu năm cũng đưa ra một số vấn đề mà các lao động trẻ cần nghiêm túc nhìn nhận:
1. Các bạn trẻ thường mơ ước về môi trường làm việc lý trưởng. Tuy nhiên, thực tế, lượng công ty phù hợp với mong ước của các bạn có thể không nhiều.
2. Mới tốt nghiệp, nhiều bạn còn chưa rõ định hướng, hay đứng núi này trông núi nọ, dẫn đến 2-3 năm đi đường vòng.
3. Những bạn chưa có áp lực tài chính thường dễ nản nếu gặp việc khó.
4. Mạng xã hội đang tăng cường peer pressure - áp lực từ chính các bạn đồng lứa lên những người trẻ tuổi. Việc so sánh lẫn nhau dẫn đến nhiều bạn trẻ có thể lầm tưởng và yêu cầu lương cao hơn năng lực.