Xã hội

Bộ Tài chính: Ngân sách đủ tiền chi trả khi sắp xếp bộ máy

Tóm tắt:
  • Ngân sách bảo đảm chi phí cho cán bộ, công chức khi sắp xếp lại bộ máy hành chính.
  • Chính phủ đề xuất Quốc hội bổ sung 44.000 tỷ đồng từ nguồn điều chỉnh lương cơ sở và tích lũy tiền lương.
  • Sau sắp xếp bộ máy, dự kiến giảm gần 130.000 biên chế ở cấp tỉnh và xã.
  • Cán bộ từ đơn vị hành chính cũ giữ nguyên chế độ và phụ cấp trong 6 tháng sau sáp nhập.
  • Ngân sách địa phương và trung ương hỗ trợ kinh phí sắp xếp bộ máy theo định mức cụ thể.

Cả nước đang thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, theo các kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Ngày 8/5, Bộ Tài chính cho biết ngân sách đảm bảo để thực hiện chế độ, chính sách với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khi sắp xếp tổ chức bộ máy. Bộ này đã hướng dẫn các địa phương xác định nguồn, lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện chính sách theo Nghị định 178 của Chính phủ.

Song đây là nhiệm vụ phát sinh năm nay, nên việc bổ sung nguồn thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Chính phủ đang trình Quốc hội bổ sung 44.000 tỷ đồng cho ngân sách trung ương để chi trả khi sắp xếp bộ máy. Nguồn này được lấy từ số dư điều chỉnh lương cơ sở 2024 chuyển nguồn sang năm nay, bổ sung dự toán ngân sách trung ương từ tích lũy cho cải cách tiền lương.

Trường hợp thiếu, Chính phủ muốn Quốc hội cho phép dùng khoản tích lũy chi cải cách tiền lương 2024 còn dư để bổ sung cho các địa phương.

"Sau khi Quốc hội quyết định, Chính phủ sẽ chi ngay dựa trên đề xuất của các bộ ngành, địa phương", Bộ Tài chính cho biết.

Trong thời gian chờ cấp có thẩm quyền bổ sung kinh phí, Bộ Tài chính đề nghị các cơ quan, đơn vị chủ động dùng nguồn dự toán được giao để kịp thời chi trả chế độ, chính sách.

Sau sắp xếp tinh gọn bộ máy, sáp nhập tỉnh, dự kiến cả nước giảm gần 130.000 biên chế. Trong đó, cấp tỉnh dự kiến giảm 18.440 biên chế cán bộ, công chức và cấp xã là 110.780 so với số lượng được cấp có thẩm quyền giao năm 2022.

Theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính 2025, cán bộ, công chức, viên chức từ đơn vị hành chính cũ tiếp tục làm việc trong hệ thống chính trị được bảo lưu chế độ, tiền lương và phụ cấp chức vụ trong 6 tháng.

Kinh phí thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính do ngân sách địa phương bảo đảm. Tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được dùng kinh phí thường xuyên trong nguồn ngân sách nhà nước để chi các nhiệm vụ về sắp xếp bộ máy. Ngân sách trung ương hỗ trợ một lần cho các tỉnh, thành phố thuộc trung ương, với định mức 100 tỷ đồng cho mỗi đơn vị hành chính cấp tỉnh giảm và 500 triệu đồng cho mỗi đơn vị hành chính cấp xã giảm.

Các tin khác

Elon Musk tiếp tục nhận tin buồn

Bất chấp việc người dân châu Âu đang chuyển sang dùng xe điện nhiều hơn, Tesla lại đang trải qua giai đoạn doanh số sụt giảm nghiêm trọng trên toàn khu vực. Những yếu tố như cạnh tranh khốc liệt, hình ảnh cá nhân của Elon Musk và căng thẳng thương mại đang khiến hãng xe Mỹ gặp nhiều khó khăn.

Nợ xấu ngân hàng tăng vọt trong quý đầu năm

Mặc dù nợ xấu tiếp tục tăng mạnh trong quý I nhưng dự phòng rủi ro lại không tăng tương xứng khiến tỷ lệ bao phủ nợ xấu ngân hàng sụt giảm. Bộ đệm dự phòng rủi ro suy yếu có thể tạo ra áp lực trong những quý tiếp theo.

Giá vàng SJC giảm mạnh

Sáng nay (9/5), giá vàng trong nước giảm mạnh. Theo đó, vàng miếng SJC về quanh mốc 120 triệu đồng/lượng.

Giá Pi Network bất ngờ "dựng cột"

Theo dữ liệu từ CoinMarketCap, giá Pi Network đã tăng 15% trong khoảng thời gian 24 giờ qua, từ mức 0,57 USD lên cao nhất đạt 0,65 USD. Tính đến đêm 8/5, đồng Pi được giao dịch quanh mức 0,62 USD.

Chuyên gia lưu ý "cơn sóng ngắn" của tăng trưởng kinh tế TPHCM

Tháng 4, kinh tế TPHCM ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là bán lẻ, dịch vụ và du lịch. Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng đây là hiệu ứng từ đại lễ và khó bền vững nếu không có chiến lược dài hạn.