Kinh doanh

Bangkok Post: Thái Lan lo ngại có thể bị Việt Nam "vượt mặt" trong lĩnh vực mà nước này đang dẫn đầu Đông Nam Á

Tóm tắt:
  • Du lịch Việt Nam tăng gần 50% so với trước đại dịch, trong khi Thái Lan tăng trưởng chậm, làm dấy lên lo ngại mất vị trí dẫn đầu Đông Nam Á.
  • Việt Nam đặt mục tiêu đón 23 triệu khách quốc tế năm nay, Thái Lan giảm dự báo từ 38,5 triệu xuống 36,5 triệu lượt khách.
  • Việt Nam có chi phí thấp, hạ tầng hiện đại và nhiều gói tour giá rẻ, thu hút doanh nghiệp lữ hành và khách du lịch hơn Thái Lan.
  • Hạ tầng sân bay Việt Nam tiện lợi, gần khu du lịch, trong khi Thái Lan mất nhiều giờ di chuyển từ sân bay đến điểm du lịch.
  • Thái Lan đề xuất hỗ trợ 320 triệu baht để thu hút khách Trung Quốc nhằm duy trì doanh thu và cạnh tranh với Việt Nam.

Tờ Bangkok Post mới đây đưa tin, các doanh nghiệp du lịch Thái Lan đang lo ngại rằng vị thế 'điểm đến hàng đầu Đông Nam Á' của quốc gia này có thể sẽ phải 'nhường' cho Việt Nam trong vài năm tới. Đánh giá này xuất phát từ tình hình thực tế khi ngành du lịch Việt Nam đang ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng, gần 50% so với thời điểm trước đại dịch, trong khi Thái Lan vẫn loay hoay với mức tăng trưởng chậm.

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Chon Buri, ông Thanet Supornsahasrungsi nhận định rằng chỉ trong vòng 2–3 năm tới, Việt Nam hoàn toàn có khả năng vượt Thái Lan về lượng khách quốc tế.

Trong năm nay, Việt Nam đặt mục tiêu đón 23 triệu lượt khách quốc tế, trong khi Bộ Tài chính Thái Lan đã cắt giảm dự báo lượng khách quốc tế từ 38,5 triệu xuống còn 36,5 triệu. Tính riêng trong tháng 3/205, Thái Lan ghi nhận 2,7 triệu lượt khách du lịch, giảm 20% so với mức năm 2019. Trong khi đó, Việt Nam đạt hơn 2 triệu lượt khách du lịch, tăng 40% so với năm 2019 (thời điểm trước đại dịch COVID-19).

Theo ông Thanet, Việt Nam đang có nhiều lợi thế cạnh tranh hơn nếu so với Thái Lan. Cụ thể, chi phí sinh hoạt tại Việt Nam thấp hơn so với Thái Lan, các khu nghỉ dưỡng và công viên giải trí phục vụ gia đình cũng mới hơn, hiện đại hơn và giá cả hợp lý hơn. Đặc biệt, nhiều gói du lịch trọn gói tại các khách sạn ở Việt Nam cũng rẻ hơn một nửa so với Thái Lan.

Không chỉ vậy, Việt Nam còn chủ động hỗ trợ các công ty lữ hành quốc tế thông qua việc trợ giá vé máy bay và giảm phí tại các sân bay. Những chính sách này khiến nhiều doanh nghiệp du lịch chuyển hướng tổ chức tour tới các thành phố ven biển như Nha Trang thay vì Phuket trong mùa hè năm nay.

Bangkok Post: Thái Lan lo ngại có thể bị Việt Nam 'vượt mặt' trong lĩnh vực mà nước này đang dẫn đầu Đông Nam Á- Ảnh 1.

Bên cạnh đó, ông Thanet cũng đánh giá cao hệ thống hạ tầng hàng không tại Việt Nam khi nhiều sân bay tại các thành phố lớn được xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế, giúp họ dễ dàng mở các đường bay mới ra nước ngoài. Các sân bay này chỉ cách các khu du lịch khoảng 30-45 phút đi ô tô. Ngược lại, khách du lịch muốn đến Hua Hin hay Kanchanaburi (Thái Lan) thường phải mất hơn 3 tiếng di chuyển từ sân bay Bangkok.

"Chúng ta đang sống nhờ lợi thế cũ mà chưa phát triển thêm hạ tầng hay sản phẩm du lịch mới để thu hút khách", ông nói.

Ông Thanet lưu ý, nếu Chính phủ Thái Lan không thay đổi cách tiếp cận du lịch tích cực hơn và tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn, việc đạt mục tiêu 36,5 triệu lượt khách trong năm nay sẽ rất khó khăn.

Đồng quan điểm, ông Sanga Ruangwattanakul, chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Khao San, cho biết, Bangkok có thể ghi nhận lượt khách du lịch thấp hơn năm ngoái. Nguyên nhân là do thị trường khách Trung Quốc đang thu hẹp, trong khi xu hướng du lịch lại đang chuyển dịch sang các điểm đến mới nổi như Việt Nam.

Ông cho biết Việt Nam sở hữu nhiều lợi thế cạnh tranh, từ cảnh quan thiên nhiên, bãi biển đẹp cho đến các hoạt động giải trí về đêm. Phố đi bộ, các khu chợ đêm và đặc biệt là khu phố đêm tại TP.HCM đang trở thành điểm đến hấp dẫn, có thể cạnh tranh trực tiếp với phố Khao San tại Bangkok.

Trước tình hình này, Hiệp hội lữ hành Thái Lan (Atta) đã gửi đề xuất lên Cơ quan Du lịch Thái Lan và chính phủ xin hỗ trợ trị giá 320 triệu baht (8,7 triệu USD) nhằm thu hút thêm khách du lịch Trung Quốc. Theo Atta, nếu được thông qua, kế hoạch này có thể giúp mang lại doanh thu ít nhất 8,3 tỷ baht (khoảng 245 triệu USD), với mức chi tiêu trung bình gần 56.000 baht (1.700 USD) cho mỗi chuyến đi của 150.000 khách.

Hiệp hội lữ hành Thái Lan cho biết, kế hoạch này không có rủi ro đối với Chính phủ vì khu vực tư nhân sẽ chịu 80% chi phí. Để nhận khoản trợ cấp 300.000 baht (khoảng 9.000 USD), chính phủ có thể yêu cầu mỗi chuyến bay chở ít nhất 150 du khách Trung Quốc.

Theo: Bangkok Post

Các tin khác

Elon Musk tiếp tục nhận tin buồn

Bất chấp việc người dân châu Âu đang chuyển sang dùng xe điện nhiều hơn, Tesla lại đang trải qua giai đoạn doanh số sụt giảm nghiêm trọng trên toàn khu vực. Những yếu tố như cạnh tranh khốc liệt, hình ảnh cá nhân của Elon Musk và căng thẳng thương mại đang khiến hãng xe Mỹ gặp nhiều khó khăn.

Nợ xấu ngân hàng tăng vọt trong quý đầu năm

Mặc dù nợ xấu tiếp tục tăng mạnh trong quý I nhưng dự phòng rủi ro lại không tăng tương xứng khiến tỷ lệ bao phủ nợ xấu ngân hàng sụt giảm. Bộ đệm dự phòng rủi ro suy yếu có thể tạo ra áp lực trong những quý tiếp theo.

Giá vàng SJC giảm mạnh

Sáng nay (9/5), giá vàng trong nước giảm mạnh. Theo đó, vàng miếng SJC về quanh mốc 120 triệu đồng/lượng.

iPhone sẽ "suy tàn" sau 10 năm nữa?

Nhiều tin đồn xuất hiện gần đây về lịch trình phát hành iPhone trong những năm tới, cho thấy sản phẩm này không tồn tại lâu dài như Mac.