Giá xăng từ đầu năm đến nay đã tăng 13 lần, đẩy giá cả nhiều mặt hàng, dịch vụ tăng cao, gây khó khăn cho đời sống kinh tế - xã hội - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Trước bối cảnh giá xăng dầu thế giới vẫn đang tiếp tục tăng cao, hôm nay 15-7, Bộ Tài chính cho biết vừa có công văn gửi Bộ Tư pháp lấy ý kiến thẩm định về dự án Nghị định sửa đổi mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng xăng động cơ, không pha chì từ 20% xuống còn 10%.
Nhằm kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí nhập khẩu, góp phần đa dạng hóa nguồn cung đối với mặt hàng xăng, Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép trước mắt tách nội dung giảm thuế suất thuế nhập khẩu MFN đối với xăng để ban hành một nghị định riêng theo trình tự, thủ tục rút gọn và có thể áp dụng ngay, không chờ đến quý 4 ban hành nghị định chung về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi hàng nghìn nhóm mặt hàng theo như chương trình xây dựng văn bản này.
Đánh giá số thu ngân sách nếu đề xuất trên được áp dụng, Bộ Tài chính cho hay cơ bản sẽ không có nhiều tác động đến thu ngân sách nhà nước.
Bởi hiện nay, mặt hàng xăng được nhập khẩu chủ yếu từ các quốc gia có ký kết Hiệp định FTA với Việt Nam nên mức thuế suất thuế nhập khẩu FTA (khoảng 8% - PV) thấp hơn so với mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN. Hơn nữa, tỉ trọng xăng nhập khẩu theo thuế suất thuế nhập khẩu MFN hiện nay là không đáng kể.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2021, tổng kim ngạch ngập khẩu xăng dầu của nước ta là 475,26 triệu USD, trong đó nhập khẩu từ các nước có ký kết Hiệp định FTA với nước ta là 474,1 triệu USD (chiếm 99,7%).
Còn trong 5 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch nhập khẩu xăng là 826,53 triệu USD, cơ bản cũng được nhập khẩu từ các nước có ký kết hiệp định FTA với nước ta.