Dinh dưỡng

Bố mẹ bế con đi xe máy 300 km về TP HCM ghép gan trong đêm

Tóm tắt:
  • Vợ chồng chị Tâm bế con gái gần hai tuổi từ Đăk Nông đến Bệnh viện Nhi đồng 2 để phẫu thuật ghép gan.
  • Sau 10 ngày, bé Tuệ Nhi đã có thể ăn uống bình thường và chức năng gan cải thiện tốt.
  • Gia đình quyết định ghép gan khi nhận được thông báo có lá gan hiến tặng phù hợp cho bé.
  • Ca phẫu thuật ghép gan đầu tiên từ người hiến chết não tại bệnh viện diễn ra thành công, giúp bé có cơ hội sống.
  • Chị Tâm cảm ơn người hiến tạng và các bác sĩ đã giúp Tuệ Nhi có cơ hội sống lại.

Chiều 18/4, tròn 10 ngày sau ca mổ ghép gan, bé Tuệ Nhi, 21 tháng tuổi, có thể ăn uống bằng miệng, không còn phải hỗ trợ qua ống, chức năng gan đang cải thiện tốt. Với vợ chồng chị Tâm, đây là phép màu mà gia đình chưa từng dám mơ ước đến.

Chị vẫn nhớ như in cuộc gọi lúc 18h46 đêm 6/4, khi bác sĩ Nguyễn Hồng Vân Khánh, Phó Khoa Gan Mật tụy và Ghép gan, Bệnh viện Nhi đồng 2 thông báo có lá gan hiến tặng phù hợp bé, hỏi bố mẹ có thể thu xếp đưa con nhập viện ngay hay không. "Tôi mừng lắm, bảo bằng mọi giá bác sĩ hãy giữ gan ghép cho Nhi, gia đình đưa bé nhập viện ngay", chị kể.

Từ nhà đến bệnh viện Nhi đồng hơn 300 km. Vợ chồng lập tức liên hệ nhà xe tuyến Đăk Mil - TP HCM khởi hành trong đêm, chỉ còn hai ghế cuối. Lúc này, bác sĩ thông báo đợi vì còn kiểm tra thêm các kết quả từ người hiến chết não. Đến hơn 20h, bố mẹ được bác sĩ báo "có thể vào viện" thì xe khách đã chạy. Trong lúc gấp rút, chị Tâm và chồng, anh Đồng, 40 tuổi, quyết định bế con đi xe máy luôn trong đêm. Hơn 3h sáng 7/4, cả nhà ba người đến cổng Bệnh viện Nhi đồng 2, may mắn hành trình bình an, bé vẫn khỏe mạnh.

Vào nằm phòng chờ để chụp chiếu kiểm tra trước ghép, bác sĩ tư vấn đến những rủi ro có thể xảy ra. Chị "lo lắng định đưa bé về", vì sợ nếu chẳng may thất bại phải ghép lại thì con sẽ không đủ sức trải qua ca đại phẫu lần nữa. Sau một hồi đắn đo, chị quyết định "cơ hội ông trời đã cho thì mình cố gắng thử, được đến đâu thì hay đến đó".

Chị Tâm tại Bệnh viện Nhi đồng 2, chiều 18/10. Ảnh: Thúy Nguyễn

Chị Tâm tại Bệnh viện Nhi đồng 2, chiều 18/4. Ảnh: Thúy Nguyễn

Trước đó, Tuệ Nhi chào đời với tình trạng vàng da, được điều trị bằng cách chiếu đèn những ngày đầu đời. Khoảng một tháng tuổi, tình trạng vàng da nặng dần. Hai tháng tuổi, bé vàng cả mắt. Đến Bệnh viện Nhi đồng 2, bác sĩ kết luận bé vàng da bệnh lý chứ không phải sinh lý, kèm suy giáp.

"Lúc đó tôi cũng không biết suy giáp là gì, vàng da bệnh lý là gì, bác sĩ phải giải thích rất nhiều, hẹn tái khám định kỳ", chị nhớ lại. Đến 7 tháng tuổi, các xét nghiệm chuyên sâu cho thấy bé ứ mật do gene, cần ghép gan vì không có thuốc trị khỏi.

Theo bác sĩ Khánh, bé bị ứ mật trong gan tiến triển có tính chất gia đình (PFIC 1), vàng da tiến triển. Thang điểm PELD cho bệnh gan giai đoạn cuối của bé là 26, trong khi chỉ số này trên 10 đã được chỉ định ghép, đưa vào danh sách chờ.

Ban đầu gia đình không có ý định ghép gan vì chi phí ca mổ cao, anh chị đều làm nông, phẫu thuật xong sẽ không đủ sức làm vườn nuôi ba đứa con còn lại. Nhìn Nhi tiến triển nặng dần, anh Đồng quyết định "cố gắng làm đại, mình có gan thì phải cho gan cứu con". Tuy nhiên, xét nghiệm để hiến tạng, bác sĩ cho biết gan của anh nhiễm mỡ, cần tập luyện và kiểm tra hết nhiễm mỡ mới đủ điều kiện. Dì ruột của bé cũng làm xét nghiệm, bởi "nghèo không có tiền cho cháu, nếu gan phù hợp thì sẵn sàng hiến ngay". Do bé suy dinh dưỡng, chỉ nặng hơn 6 kg, bác sĩ khuyên đợi thêm một thời gian để đảm bảo sức khỏe mới ghép.

"Gia đình chưa chuẩn bị tâm lý gì cho ca mổ, khi nhận được tin ghép gấp mới vét hết tiền trong nhà còn vài triệu đồng mang theo", chị nói.

Từ 15h30 chiều 7/4, các bác sĩ khắp ba miền phối hợp lấy hai quả thận, hai lá gan, tim, hai giác mạc từ người đàn ông 50 tuổi đột quỵ chết não tại Bệnh viện Quân y 175. Khoảng 18h15, TS.BS Trần Thanh Trí, Trưởng Khoa Gan Mật tụy và Ghép gan, Bệnh viện Nhi đồng 2, từ 175 gọi về viện báo tin phần gan ổn, có thể ghép được. Bác sĩ Bùi Hải Trung, trưởng kíp phẫu thuật ghép gan tại Nhi đồng, bắt đầu rạch những nhát dao mổ đầu tiên. Khi phần gan trái nặng 240 g được bác sĩ Trí hộ tống về đến nơi, các bác sĩ bắt tay vào ghép cho bé, hoàn tất ca mổ lúc 1h30 sáng hôm sau.

TS.BS Phạm Ngọc Thạch, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết đây là ca ghép gan đầu tiên từ người hiến chết não, trong tổng số 50 ca ghép gan của bệnh viện. Với những ca ghép từ người hiến sống, các bác sĩ có nhiều thời gian chuẩn bị chu đáo. Trường hợp người hiến chết não, thời gian gấp rút, cả êkíp phải vào cuộc chạy đua. Sự hồi phục, miễn dịch của mảnh ghép cũng khác với người cho sống, đòi hỏi kíp hậu phẫu phải điều chỉnh thuốc men, phương pháp điều trị phù hợp.

Bác sĩ Trí bày tỏ sau 20 năm ghép tạng từ người hiến sống, ông "rất xúc động" khi lần đầu tham gia lấy tạng từ người hiến chết não. Do tạng hiến cần được ghép càng sớm càng tốt sau khi đem ra khỏi cơ thể để giảm thời gian thiếu máu lạnh, kíp chuyển tạng phải ngồi trên xe cứu thương chuyển tạng với còi hụ mở đường của cảnh sát giao thông.

Các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 mổ ghép gan cho bé. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 mổ ghép gan cho bé. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Bệnh viện Nhi đồng 2 bắt đầu ghép gan từ năm 2005. Trong 15 năm đầu, nơi đây thực hiện 13 ca với sự hỗ trợ của các chuyên gia nước ngoài, trung bình mỗi năm chưa được một trường hợp. Giai đoạn 2021 đến 2022, dịch Covid bùng phát, bệnh viện nỗ lực tự chủ, thực hiện thêm 12 trường hợp. Từ 2022 đến nay, việc ghép trở nên thường quy, đạt thêm 25 ca, có những tuần thực hiện liên tiếp ba trường hợp. Nơi này đang tăng tốc trong thời gian tới bởi đây là giải pháp duy nhất cứu sống trẻ suy gan, xơ gan giai đoạn cuối.

Theo bác sĩ Thạch, trở ngại lớn nhất hiện nay là khan hiếm nguồn tạng hiến. Một số trẻ tử vong do không tìm được người hiến phù hợp, không thể chờ đợi kịp trong lúc bố mẹ điều chỉnh các vấn đề sức khỏe như thừa cân, gan nhiễm mỡ hay lao phơi nhiễm.

"Nguồn tạng hiến từ người chết não đã mở ra cánh cửa hy vọng, giúp cứu sống thêm nhiều cháu bé suy tạng giai đoạn cuối", bác sĩ nói. Trước đó, bệnh viện ghép thận cho hai trường hợp từ người hiến chết não tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương và Nhân dân Gia Định. Bác sĩ mong muốn Việt Nam xem xét sớm áp dụng cho phép hiến tạng nhân đạo từ trẻ em dưới 18 tuổi khi chết não, như nhiều quốc gia trên thế giới.

Mong ngóng con sớm ngày hồi phục, chị Tâm cho biết mang ơn người đã hiến tạng tình nguyện, y bác sĩ cũng như sự chung tay của mọi người để Tuệ Nhi có cơ hội "được sống lần nữa". Toàn bộ chi phí ca mổ ghép gan được Phòng Công tác Xã hội vận động các nhà hảo tâm giúp đỡ.

Các tin khác

Giá vàng đồng loạt giảm mạnh

Sáng nay (20/4), cả vàng SJC và vàng nhẫn đều giảm mạnh, bằng giá nhau ở mốc 114 triệu đồng/lượng. Hiện, giá vàng, trong nước vẫn cao hơn thế giới hơn 9 triệu đồng/lượng.

Giá vàng tăng vượt mọi dự báo, "điên loạn" ở chợ đen

Giá vàng SJC và vàng nhẫn thương hiệu lớn tại cửa hàng liên tục lập đỉnh và cao nhất lên tới 122,5 triệu đồng/lượng với vàng miếng SJC và 119,5 triệu đồng/lượng với vàng nhẫn. Trên thị trường "chợ đen", giá giao dịch hôm nay cao hơn 4 triệu đồng/lượng so với giá niêm yết.

Chuyên gia: Việt Nam tăng tốc tiến vào Kỷ nguyên Xanh với những “đầu tàu” như Vingroup

Hơn 50.000 người tham gia Ngày hội Xanh 2025, hàng loạt hoạt động ý nghĩa tiếp tục lan tỏa trong hệ sinh thái đa ngành nghề, lĩnh vực và truyền cảm hứng cho hàng triệu khách hàng trên toàn quốc. Theo các chuyên gia, Vingroup đã thể hiện sức mạnh hiệu triệu khi thu hút cộng đồng cùng thay đổi thói quen tiêu dùng, đưa Việt Nam sớm hoàn thành mục tiêu Net Zero vào năm 2050.

Ông Trump báo hiệu kết thúc thuế quan trả đũa với Trung Quốc

Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết có thể không tăng thêm thuế quan đối với Trung Quốc để tránh ảnh hưởng đến sức mua của người tiêu dùng. Sau khi áp thuế 10% và nâng tổng mức thuế lên 145% đối với hàng hóa Trung Quốc, cả hai nước dường như đang kiềm chế để không làm leo thang xung đột thương mại. Trong khi đó, thỏa thuận về TikTok bị tạm hoãn cho đến khi vấn đề thương mại được giải quyết.

Doanh nghiệp Việt "nín thở" chờ thông tin đàm phán thuế với Mỹ

Cộng đồng doanh nghiệp đang "nín thở" chờ thông tin đàm phán của Chính phủ về chính sách thuế đối ứng với Mỹ. Các doanh nghiệp cho biết đang tranh thủ thời gian vàng để xuất khẩu các đơn hàng, tái cơ cấu chuỗi giá trị và xây dựng các kế hoạch dự phòng nhằm giảm thiểu rủi ro.