Thời sự

Bộ Giao thông Vận tải đặt mục tiêu giải ngân hết hơn 50.000 tỷ đồng kế hoạch vốn

Ngày 23/9, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể ban hành công điện yêu cầu giám đốc các ban quản lý dự án, chủ đầu tư được giao quản lý dự án đầu tư do Bộ Giao thông Vận tải chủ quản và các cơ quan tham mưu trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải nghiêm túc quán triệt Nghị quyết 124/NQ-CP ngày 15/9/2022 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2022 (Nghị quyết 124/NQ-CP), đồng thời tổ chức triển khai quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công đã đề ra tại Nghị quyết.

Bộ Giao thông Vận tải đặt mục tiêu giải ngân hết hơn 50.000 tỷ đồng kế hoạch vốn. (Ảnh: Tạp chí Giao thông).

 

Cụ thể, Giám đốc các ban quản lý dự án, các chủ đầu tư được giao quản lý dự án đầu tư do Bộ Giao thông Vận tải chủ quản và các cơ quan tham mưu trực thuộc Bộ cần tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải tại Chỉ thị 01/CT-BGTVT ngày 28/1/2022 về đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch năm 2022; Chỉ thị 02/CT-BGTVT ngày 23/5/2022 về nâng cao chất lượng, bảo đảm tiến độ và siết chặt kỷ cương, trách nhiệm trong công tác quản lý đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông và các kết luận chỉ đạo của Bộ trưởng tại các cuộc họp giao ban xây dựng cơ bản từ đầu năm; đặt mục tiêu phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 được Thủ tướng Chính phủ giao.

“Các đơn vị có kết quả giải ngân kế hoạch dưới mức trung bình của cả Bộ kiểm điểm làm rõ nguyên nhân chủ quan và khách quan, đối với từng dự án chậm tiến độ; nghiêm túc rút kinh nghiệm, trên cơ sở đó đề ra giải pháp cụ thể, quyết liệt, hiệu quả để đẩy mạnh giải ngân trong các tháng cuối năm 2022 đáp ứng mục tiêu chung của cả Bộ", công điện nêu rõ.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu các đơn vị rà soát lại toàn bộ tiến độ thực hiện của các dự án triển khai trong năm 2022 để điều chỉnh kế hoạch vốn phù hợp với tiến độ thực hiện, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, manh mún, chia cắt gây lãng phí nguồn lực và chậm trễ trong quá trình giải ngân vốn đầu tư công.

Trường hợp dự kiến giải ngân không hết kế hoạch năm 2022 đã được Bộ giao hoặc có nhu cầu bổ sung vốn, các đơn vị cần có văn bản đề xuất điều chỉnh kế hoạch, gửi Bộ Giao thông Vận tải trước ngày 25/9/2022 để tổng hợp, xử lý theo thẩm quyền.

Các ban quản lý dự án, chủ đầu tư cần đẩy nhanh tiến độ thi công, tiến độ triển khai các công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư, công tác thiết kế, dự toán, lựa chọn nhà thầu để làm cơ sở đẩy mạnh giải ngân các dự án có kế hoạch năm 2022 còn lại lớn, tập trung tại các dự án trọng điểm, các dự án phải hoàn thành, cơ bản hoàn thành trong năm 2022 như: Các dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, các dự án đường sắt cấp bách, đường Vành đai 3 Tp. Hồ Chí Minh đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch, tuyến nối Quốc lộ 91 với tuyến tránh Long Xuyên, dự án kết nối Tây Nguyên, dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc, dự án tuyến tránh Quốc lộ 1A qua Cà Mau…

“Giám đốc các ban quản lý dự án, chủ đầu tư cần đặc biệt quan tâm phối hợp chặt chẽ với các địa phương xây dựng kế hoạch triển khai chi tiết đối với từng công việc cụ thể để đẩy nhanh tiến độ, sớm giải ngân hết kế hoạch năm 2022 đã bố trí cho giải phóng mặt bằng của 12 dự án thành phần thuộc dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025", Bộ Giao thông Vận tải nêu rõ.

Dự kiến đến hết tháng 9/2022, Bộ Giao thông Vận tải giải ngân 26.960 tỷ đồng, đạt 53,6% kế hoạch; từ nay tới cuối năm cần tiếp tục giải ngân 23.368 tỷ đồng; trong đó tập trung ở các nhóm dự án: 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 cần giải ngân khoảng 8.335 tỷ đồng; 11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017-2020 cần giải ngân khoảng 5.106 tỷ đồng; các dự án ODA cần giải ngân khoảng 2.788 tỷ đồng; các dự án quan trọng, cấp bách cần giải ngân 1.925 tỷ đồng.

Hiện một số Ban Quản lý dự án có kết quả giải ngân chưa đáp ứng yêu cầu như: Ban Quản lý dự án Đường sắt giải ngân 1.046 tỷ đồng đạt 56,96% kế hoạch, chậm 93 tỷ đồng; Ban Quản lý dự án 6 giải ngân 1.970 tỷ đồng đạt 50,7% kế hoạch, chậm 187 tỷ đồng; Ban Quản lý dự án 2 giải ngân 1.472 tỷ đồng đạt 44% kế hoạch, chậm 227 tỷ đồng.

Về phía địa phương có Sở Giao thông Vận tải Hải Dương giải ngân 18 tỷ đồng, đạt 30,4% kế hoạch, chậm 10 tỷ đồng; Sở Giao thông Vận tải Đồng Tháp giải ngân 73 tỷ đồng, đạt 26,9% kế hoạch, chậm 34 tỷ đồng; Sở Giao thông Vận tải Thái Bình giải ngân 78 tỷ đồng, đạt 22,5% kế hoạch, chậm 56 tỷ đồng.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm