Chứng khoán

Bộ Công Thương lưu ý khả năng thu xếp vốn của dự án mở rộng Lọc dầu Dung Quất

Bộ Công Thương vừa gửi lưu ý tới CTCP Lọc hóa Dầu Bình Sơn (UPCoM: BSR) về làm rõ các vấn đề liên quan tới dự án mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất.

Tổng vốn đầu tư điều chỉnh của dự án giảm 0,54 triệu USD so với phương án được phê duyệt năm 2014, về gần 1,26 tỷ USD. Trong đó, BSR góp 40% (khoảng hơn 500 triệu USD, tương ứng hơn 12.000 tỷ đồng) bằng vốn chủ sở hữu, còn lại là vốn vay.

Theo Bộ Công Thương, lũy kế kết quả sản xuất kinh doanh trong 3 năm kể từ khi cổ phần hóa (2018-2020) của BSR đạt 345,77 tỷ đồng (khoảng 15 triệu USD) và chỉ đáp ứng được khoảng 2,7% nhu cầu vốn chủ sở hữu của dự án. Bộ Công Thương lo ngại, điều này dẫn đến việc thu xếp vốn cho dự án không đảm bảo.

Do đó, trong giai đoạn triển khai công tác chuẩn bị đầu tư dự án, với nguồn vốn chủ sở hữu khả dụng, Phía Bộ Công Thương lưu ý BSR làm việc cụ thể với các tổ chức tài chính, bảo đảm tính khả thi cho vay vốn.

Tuy vậy, từ năm 2021 trở lại đây, hoạt động kinh doanh của BSR liên tục lập kỷ lục. Lợi nhuận sau thuế năm 2021 của BSR đạt gần 6.700 tỷ đồng và trong 6 tháng đầu năm 2022 đạt gần 12.500 tỷ đồng. Trong năm 2022 và 2023, nếu thị trường tiếp tục thuận lợi, không nhiều biến động, BSR có thể chuẩn bị đủ số vốn chủ sở hữu (40%) góp tại dự án này.

Đối với nguồn vốn vay, Bộ Công Thương khuyến nghị BSR cần làm việc chi tiết với các tổ chức tài chính bảo đảm tính khả thi cho việc vay vốn.

Nguồn nguyên liệu dầu thô của dự án này cũng được Bộ Công Thương lưu ý. Theo đó, nguyên liệu dầu thô dự kiến là hỗn hợp dầu Azeri BTC/ESPO với tỷ lệ 53/47 hoặc tương đương. Đây là hỗn hợp dầu đặc trưng cho các họ dầu thô có trữ lượng, sản lượng khai thác lớn; sẵn có trên thị trường và phương án dầu thô lựa chọn có tính linh hoạt cao.

Loại dầu này có nguồn gốc từ các nước cũng như các chủ mỏ/chủ giao dịch có quan hệ chiến lược với Việt Nam, tuyến đường vận chuyển thuận lợi. Giá thấp hơn dầu thô Bạch Hổ hiện chế biến tại nhà máy lọc dầu Dung Quất, nên có thể đem lại lợi nhuận chế biến cao hơn.

Bối cảnh cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine hiện nay làm thay đổi bức tranh cung cầu, giá thị trường năng lượng khu vực châu Âu, thế giới... Bộ đề nghị doanh nghiệp đánh giá đầy đủ, thận trọng khả năng nhập loại dầu thô khai thác từ Nga và các rủi ro liên quan, về giá, phương thức vận chuyển về Việt Nam, phương án giao dịch, thanh toán và các vấn đề phát sinh nếu mua dầu từ Nga...

Cùng chuyên mục

Đọc thêm