Sáng 10/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số dự Chương trình chào mừng Ngày Chuyển đổi số Quốc gia năm 2022.
Theo đó, thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; ngày 22/4/2022, Thủ tướng Chính phủ - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã có quyết định chọn ngày 10/10 hằng năm là Ngày Chuyển đổi số Quốc gia.
Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, nhiệm vụ trọng tâm chuyển đổi số năm 2022 là đưa hoạt động của người dân lên môi trường số, thông qua các nền tảng số “make in Việt Nam”, tháng 10 - tháng tiêu dùng số.
Để thực hiện mục tiêu này, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo đánh giá và công bố 16 nhóm nền tảng số phục vụ nhu cầu của người dân, mạng lưới tổ công nghệ số cộng đồng đã được tiếp cận trên toàn quốc. Hơn 100.000 lượt cán bộ, công chức, viên chức người lao động trong cơ quan Nhà nước từ Trung ương đến cấp xã đã được bồi dưỡng, tập huấn cơ bản về chuyển đổi số, hơn 5 triệu lượt người dân được tiếp cận, phổ biến kỹ năng số cơ bản thông qua nền tảng học trực tuyến mở đại trà.
Đánh giá hoạt động chuyển đổi số của Việt Nam đã đạt được các kết quả tích cực song, Thủ tướng Chính phủ cũng cho rằng kết quả này mới chỉ là bước đầu, vẫn còn nhiều việc phải làm phía trước. Để thực hiện được chuyển đổi số quốc gia một cách hiệu quả, thực chất đòi hỏi phải có chiến lược bài bản, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, tạo sự thay đổi phương thức quản lý, vận hành, quản trị xã hội.
Thủ tướng nhấn mạnh, quan điểm xuyên suốt của Chính phủ là lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể, mục tiêu và động lực của chuyển đổi số. Chuyển đổi số phải để người dân, doanh nghiệp hưởng lợi từ dịch vụ công, tiện ích xã hội thuận tiện hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn.
Xây dựng hệ thống định danh điện tử quốc gia
Cũng liên quan đến vấn đề chuyển đổi số, theo báo cáo của Bộ Công an, thực hiện kế hoạch chuyển đổi số năm 2022, đến nay, về kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu khác.
Tính đến ngày 19/9, Bộ Công an đã triển khai kết nối chính thức đối với 12 đơn vị, bộ, ngành, 14 địa phương và 3 cục nghiệp vụ ngành công an. Hơn 27 triệu công dân đã được đồng bộ thông tin bảo hiểm xã hội; hơn 1,7 triệu công dân được đồng bộ thông tin đăng ký xe; hơn 1,5 triệu công dân được đồng bộ thông tin hộ chiếu,…
Bên cạnh đó, Bộ Công an đang phối hợp với Bộ Y tế, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam nghiên cứu, triển khai sổ sức khỏe điện tử, tích hợp thông tin khám chữa bệnh của công dân lên ứng dụng VNeID; tổ chức xác thực dữ liệu thông tin thuê bao với 3 nhà mạng Viettel, MobiFone, Vinaphone để làm sạch nhằm giải quyết tình trạng SIM rác.
Đến nay, đã cấp hơn 73 triệu thẻ căn cước công dân gắn chip trên tổng số gần 82 triệu công dân đủ điều kiện làm căn cước. Sau 3 tháng triển khai thí điểm sử dụng thẻ căn cước công dân thay thế thẻ ATM tại một số chỉ nhánh ngân hàng tại Hà Nội và Quảng Ninh, đã có 762 lượt công dân sử dụng thẻ căn cước công dân để giao dịch với tổng số tiền trên 22,73 tỷ đồng.
Đã có 11.171/13.150 cơ sở y tế sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chíp tích hợp bảo hiểm y tế trong khám chữa bệnh, đạt tỷ lệ 84,9% với 1.675.330 công dân sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chip đi khám chữa bệnh.
Bộ Công an đã công bố hệ thống định danh và xác thực điện tử đi vào hoạt động chính thức, là một bước tiến mới, đưa Việt Nam chính thức là một trong những nước có định danh điện tử quốc gia.