Thời sự

Bloomberg: Liệu Trung Quốc có thể "bẻ lái" chính sách COVID và bừng tỉnh như Việt Nam?

Điểm khác biệt lớn

Hai quốc gia châu Á là Việt Nam và Trung Quốc có khá nhiều điểm chung. Tuy nhiên, cả hai vẫn có một điểm khác biệt chính. Trong khi Trung Quốc tiếp tục dấn sâu vào chính sách chống dịch COVID hà khắc, Việt Nam đã thay đổi được một thời gian.

Ngay từ đầu, cả hai nước đều mong muốn phát triển được vắc xin ngừa COVID của riêng mình, một phần vì lòng tự hào dân tộc và một phần vì lợi ích chiến lược, tờ Bloomberg nhận định.

Khi Nanocovax bắt đầu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn ba vào tháng 6 năm ngoái, chiến dịch tiêm chủng của Việt Nam chưa đi đến đâu, khi chỉ mới 1,5% trong số 98 triệu dân được tiêm ít nhất một mũi.

Khi đó, Việt Nam cũng đang áp dụng cách tiếp cận không khoan nhượng với dịch bệnh. Tương tự Thượng Hải, TP HCM của Việt Nam đã trải qua 4 tháng giãn cách vào mùa hè năm ngoái. Quân đội cũng được triển khai để hỗ trợ cuộc chiến chống dịch.

Sau nhiều khó khăn, Việt Nam đã chấp nhận các loại vắc xin khác nhau từ khắp nơi trên thế giới và vào mùa thu, người dân trong nước đã tiêm thuốc từ AstraZeneca, Pfizer và thậm chí là Sinopharm của Trung Quốc.

Việt Nam còn tiếp nhận các khoản đóng góp từ chính phủ nước ngoài, thông qua cơ chế COVAX của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp lớn tìm và thanh toán cho vắc xin.

Nhờ hiệu quả của vắc xin, Việt Nam đã có thể mở cửa kinh tế hoàn toàn vào giữa tháng 3 năm nay. Trong khi đó, Trung Quốc vẫn từ chối nhập khẩu vắc xin mRNA của nước ngoài và tiếp tục sử dụng các biện pháp phong toả trên diện rộng.

Kết quả là, sự tương phản kinh tế giữa hai quốc gia không thể rõ ràng hơn.

Cuộc sống của người dân Việt Nam trở lại bình thành nhanh chóng hơn Trung Quốc. (Ảnh: Bloomberg).

Tương phản kinh tế

Để nhập cảnh vào Việt Nam, bây giờ du khách không cần phải xuất trình giấy tờ xác nhận đã tiêm phòng hoặc kết quả xét nghiệm PCR âm tính. Trong khi đó, con đường vào Trung Quốc dài và quanh co hơn.

Không tính các yêu cầu kiểm dịch và cách ly gắt gao từ chính quyền Bắc Kinh, khách du lịch hiện giờ cũng khó có thể mua được vé máy bay.

Trước COVID, hãng hàng không hàng đầu của Hong Kong là Cathay Pacific Airways cứ cách vài giờ sẽ có chuyến đến Bắc Kinh và Thượng Hải; còn bây giờ, hãng có nhiều chuyến bay đến TP HCM hơn là đến trung tâm chính trị hay thương mại của Trung Quốc.

Sân bay Quốc tế Hong Kong đã trở thành một “thị trấn ma”, đến nỗi du khách không thể không nghĩ đến triều đại nhà Thanh - khi Trung Quốc cố gắng đóng cửa với những ý tưởng và sự đổi mới từ bên ngoài, Bloomberg nhận xét.

Trong những tháng gần đây, người Trung Quốc đã có rất nhiều cuộc tranh luận về việc liệu Việt Nam có thể thay thế đất nước của họ trở thành trung tâm sản xuất hàng đầu hay không.

Sự lo lắng xuất hiện bởi cuộc dịch chuyển của các công ty toàn cầu. Việt Nam đang đặt mục tiêu tăng trưởng khoảng 7% trong năm nay, trong khi các nhà lãnh đạo Trung Quốc thừa nhận nước này sẽ khó đạt mục tiêu 5,5%.

Tờ báo tài chính Caixin của Trung Quốc viết hồi tháng 6, nhiều nhà máy điện tử của Việt Nam vẫn chỉ là những dây chuyền lắp ráp cấp thấp và nhiều đơn đặt hàng là đến từ công ty mẹ ở Trung Quốc.

Cơ sở hạ tầng đường bộ và đường sắt của Trung Quốc cũng hiệu quả hơn, đây là báo hiệu tốt cho mạng lưới chuỗi cung ứng của nước này, Caixin tiếp tục. Còn tuyến metro đầu tiên của TP HCM - ban đầu dự kiến khởi chạy vào năm 2018, vẫn chưa hoàn thành.

Tuy nhiên, hãng tin Bloomberg cho rằng đó không phải vấn đề quan trọng. Tăng trưởng kinh tế của một quốc gia có thể bắt đầu với việc xuất khẩu tăng vọt, nhưng không kết thúc ở đó.

GDP của Việt Nam tăng 7,7% trong quý II năm nay. Sản xuất chiếm 2,4 điểm %, nhưng dịch vụ - bao gồm bán lẻ và du lịch, đóng góp 2,9 điểm % vào tăng trưởng chung. Khi nền kinh tế mở cửa trở lại, người Việt Nam đi du lịch nhiều nơi như đảo Phú Quốc, đẩy mạnh chi tiêu vào khách sạn và ăn uống.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm