Theo dữ liệu từ Coindesk, ghi nhận lúc 11h40 ngày 3/7 (giờ Việt Nam) đồng bitcoin giao động quanh mức 108.940 USD. Trước đó, rạng sáng cùng ngày, bitcoin từng vọt lên mốc 109.709 USD, tăng 3,5% trong vòng 24 giờ, chỉ cách đỉnh lịch sử khoảng 2%.
Không riêng bitcoin, đà tăng này diễn ra song song với sự phục hồi của các tài sản rủi ro khác. Theo CNBC, trong phiên giao dịch ngày 2/7, chỉ số S&P 500 tăng 0,47% và đóng cửa ở mức kỷ lục mới 6.227 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite cũng lập đỉnh khi tăng 0,94% lên 20.393 điểm.
Theo Coindesk, bitcoin tăng vọt nhờ hàng loạt yếu tố hỗ trợ, bao gồm báo cáo việc làm ADP của Mỹ gây thất vọng – làm gia tăng kỳ vọng về việc Cục Dự trữ Liên bang (Fed) cắt giảm lãi suất, thỏa thuận thương mại giữa ông Trump và Việt Nam, cùng với việc ra mắt quỹ ETF REX-Osprey Solana + Staking (SSK).
Trước đó, Tổng thống Donald Trump thông báo trên mạng xã hội Truth Social về thỏa thuận thương mại giữa Việt Nam và Mỹ.

Rạng sáng ngày 3/7, bitcoin vọt lên mốc 109.709 USD, tăng 3,5% trong vòng 24 giờ (Ảnh: Coindesk)
Tháng 7 - thời điểm đầy biến động với bitcoin
Giới phân tích nhận định tháng 7 có thể là giai đoạn tiềm ẩn nhiều biến động đối với đồng tiền mã hoá lớn nhất thế giới, chủ yếu đến từ các chính sách của chính quyền Trump.
Theo ông Vetle Lunde, Trưởng bộ phận nghiên cứu tại K33, có ba mốc quan trọng có thể gây ra làn sóng trên thị trường tiền mã hoá.
Thứ nhất, Tổng thống Trump dự kiến sẽ ký thông qua dự luật ngân sách mở rộng gây tranh cãi (được gọi là “Big Beautiful Bill") trước ngày 4/7. Dự luật này có thể làm tăng thâm hụt ngân sách Mỹ thêm 3.300 tỷ USD. Diễn biến này được nhiều nhà đầu tư xem là yếu tố tích cực đối với các tài sản có nguồn cung hữu hạn như bitcoin.
Thứ hai, ngày 9/7 là hạn chót liên quan đến chính sách thuế quan, trong đó không loại trừ khả năng chính quyền Trump sẽ có những động thái thương mại cứng rắn hơn.
Thứ ba, ngày 22/7 là thời điểm chốt cho sắc lệnh hành pháp về tiền mã hóa. Văn bản này có thể bao gồm những cập nhật mới về Kế hoạch Dự trữ Chiến lược bitcoin của Mỹ.
“Tháng 7 ngập tràn các yếu tố biến động tiềm ẩn liên quan đến Trump,” ông Lunde đánh giá. Dù vậy, ông cũng lưu ý thị trường hiện tại vẫn đang ở trạng thái cân bằng, chưa xuất hiện dấu hiệu đầu cơ quá mức.
“Không có nhiều lý do để lo ngại về một đợt giải chấp quy mô lớn, bởi đòn bẩy vẫn được kiểm soát tốt. Điều này ủng hộ chiến lược nắm giữ tài sản thật và kiên nhẫn trong giai đoạn vốn thường trầm lắng theo mùa,” chuyên gia nhấn mạnh.