Đầu giờ sáng nay (giờ Việt Nam), trên sàn CoinDesk, giá Bitcoin giao dịch ở mức 19.979 USD, giảm 3,85%, khiến mỗi coin "bay" thêm 812 USD.
Theo dữ liệu thống kê trong 24 giờ qua, đồng tiền mã hóa phổ biến và giá trị nhất thế giới giao dịch thấp nhất tại 19.880 USD và cao nhất tại 20.860 USD.
Bitcoin mất một nửa giá trị kể từ tháng 1 năm nay. (Ảnh: istock)
Khối lượng giao dịch Bitcoin trong thời gian này vào khoảng 23,6 tỷ USD, vốn hóa thị trường ở mức 380 tỷ USD, theo CoinMarketCap.
Trên sàn Vicuta, giá mua Bitcoin giảm xuống 466 triệu đồng, trong khi giá bán ra là 490 triệu đồng.
Đà giảm của Bitcoin khiến thị trường tiền mã hóa sáng nay chìm trong sắc đỏ với hàng loạt đồng tiền ảo vốn hóa lớn lao dốc. Theo đó, Ethereum giảm 1%, Binance Coin giảm 0,7%, Binance USD giảm 0,06%, Ripple giảm 1%, Cardano giảm 0,89%, Solana giảm 1,6%, Dogecoin giảm 1,6%, Polkadot giảm 1,6%, Avalanche giảm 1,2%, Litecoin giảm 1,4%... Vốn hóa toàn thị trường giảm 3,9% về khu vực 890 tỷ USD.
Gần đây, Bitcoin thường xuyên giao dịch quanh mức 20.000 USD. Tính từ đầu năm, đồng tiền mã hóa hãng đầu đã mất tới hơn 56% giá trị.
Các nhà giao dịch chuyên nghiệp cho rằng, nỗi lo lạm phát và suy thoái kinh tế khiến các nhà đầu tư ồ ạt rút vốn khỏi những tài sản rủi ro cao như tiền ảo. Vốn hóa thị trường tiền ảo đã “bốc hơi” khoảng 2.000 tỷ USD kể từ cuối 2021, theo dữ liệu của CoinGeck.
Bitcoin chưa thể là hàng rào chống lạm phát
Bitcoin từng được kỳ vọng là công cụ chống lạm phát, nhưng giá đồng tiền mã hóa này lại đang cùng nhịp giảm với chứng khoán suốt thời gian qua.
Bitcoin trải qua giai đoạn trầm lắng kéo dài, làm suy yếu lập luận thường được đưa ra bởi những người đam mê tiền số, rằng nó có thể là hàng rào hiệu quả chống lại lạm phát trong thời kỳ kinh tế bất ổn.
Những người ủng hộ từ lâu cho rằng sự khan hiếm của Bitcoin - tổng nguồn cung được chốt ở mức 21 triệu đồng, sẽ bảo vệ giá trị của nó trong thời kỳ lạm phát gia tăng. Việc này không giống tiền của các nước, do có thể được ngân hàng trung ương tăng cung.
Ngay trước khi thị trường sụp đổ, đã có cuộc tranh luận về việc liệu Bitcoin có giữ được giá trị hay không. Tỷ phú đầu tư Paul Tudor Jones tỏ ra lạc quan đối với Bitcoin trong vai trò phòng ngừa lạm phát. Trong khi tỷ phú Mark Cuban bác bỏ ý tưởng này và xem nó chỉ là một "chiến lược marketing".
Một lập luận khác cho rằng Bitcoin cùng với các loại tiền số khác sẽ có một kho giá trị nội tại theo thời gian khi nó được chấp nhận nhiều hơn, giống như vàng. Những người ủng hộ tin rằng Bitcoin sẽ được coi là một tài sản không mất giá theo thời gian.
Dù vậy, điều này vẫn chưa được chứng minh là đúng, ít nhất là đến thời điểm hiện tại. Giá trị của thị trường tiền số nói chung đã giảm mạnh khi lạm phát tăng. Riêng Bitcoin mất một nửa giá trị kể từ tháng 1 năm nay. Thị trường tiền số tính chung mất khoảng 70% vốn hóa so với mức đỉnh 3.000 tỷ USD hồi tháng 11/2021.
Anjali Jariwala, nhà hoạch định tài chính và là nhà sáng lập Fit Advisors, cho rằng tiền số nói chung là một loại tài sản mới, chưa hoạt động như loại tài sản được săn lùng như vàng, hoặc thậm chí là tiền tệ, vì nó không dễ dàng được trao đổi để lấy hàng hóa hoặc dịch vụ. Dù khan hiếm, giá của tiền số như Bitcoin vẫn chủ yếu dựa vào tâm lý của người tiêu dùng.
Theo báo cáo mới đây của Bank of America (BofA), Bitcoin không hoạt động như một công cụ phòng ngừa lạm phát. Thay vào đó, tiền số lớn nhất thế giới được giao dịch như một tài sản rủi ro, nhà phân tích Alkesh Shah và Andrew Moss của BofA nhận xét.
Gần đây, mối quan hệ giữa Bitcoin và thị trường chứng khoán rất rõ ràng. Trong môi trường vĩ mô hiện tại, cả 2 vẫn đồng bộ. Ví dụ, sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất, giá trị của Bitcoin đã giảm mạnh cùng nhịp với chứng khoán. Các nhà phân tích BofA dự đoán mối tương quan này sẽ duy trì trong tương lai gần.
Ngoài ra, Bitcoin thường được so sánh với vàng như một phương tiện lưu trữ giá trị hiệu quả. Tuy nhiên, mối tương quan giữa Bitcoin và vàng vẫn gần bằng 0 kể từ ngày 21/6 và trở nên tiêu cực hơn trong vòng 2 tháng qua. Giá Bitcoin không biến động song song với vàng, BofA khẳng định.
Khảo sát mới đây của Bloomberg cho thấy, 60% trong tổng số 950 nhà đầu tư được hỏi dự báo tiền ảo Bitcoin nhiều khả năng sẽ lao dốc xuống 10.000 USD. Trong khi chỉ 40% cho rằng tiền ảo này có thể phục hồi trở lại mốc 30.000 USD.
Chuyên gia phân tích tại hãng tư vấn Americas Oanda (có trụ sở ở Mỹ), ông Edward Moya, nhận định, các nhà đầu tư tiền mã hóa đã hoảng loạn, sự lạc quan bốc hơi nhanh chóng. "Nếu giá Bitcoin giảm xuống dưới ngưỡng 20.000 USD/đồng, tình hình có thể tiếp tục xấu đi", Edward Moya nói.
Nhà phân tích thị trường Francis Hunt thậm chí dự báo, giá Bitcoin có thể giảm xuống mức thấp nhất là 8.000 USD trước khi tăng trở lại.
Ông Jared Madfes, nhà quản lý tại hãng đầu tư mạo hiểm Tribe Capital, cho rằng đây là thời điểm nhà đầu tư rất dễ sợ hãi, không chỉ trong lĩnh vực tiền điện tử mà nói chung trên toàn thế giới. "Dự báo về việc Bitcoin sẽ giảm thêm nữa phản ánh nỗi sợ hãi cố hữu của nhà đầu tư trên thị trường", ông Jared Madfes đánh giá.