Thời điểm 9h sáng nay (18/8), giá Bitcoin giao dịch ở mức 23.458,10 USD/BTC, biên độ giao dịch thấp nhất ở 23.297,70 USD và cao nhất ở 23.483,70 USD.
Trước đó, lúc 6h sáng (giờ Việt Nam), giá Bitcoin trên sàn CoinDesk giao dịch ở mức 23.312 USD, giảm 2,3%, tương đương mỗi coin giảm 560 USD.
Khối lượng giao dịch Bitcoin trong thời gian này vào khoảng 30,8 tỷ USD, vốn hóa thị trường ở mức 446 tỷ USD, theo CoinMarketCap.
Trên sàn Vicuta, giá mua Bitcoin giảm xuống 544,4 triệu đồng, trong khi giá bán là 572,1 triệu đồng.
Giá Bitcoin lao dốc kéo hàng loạt đồng tiền mã hóa vốn hóa lớn giảm theo. Cụ thể, Ethereum giảm 2,3%, Binance Coin giảm 3,2%, Cardano giảm 4,6%, Solana giảm 6,3%, Dogecoin giảm 7,2%, Polkadot giảm 5,5%, Shiba INU giảm 7%, Avalanche giảm 6,5%...
Giới phân tích cho rằng, Bitcoin nói riêng và thị trường tiền mã hóa nói chung chưa thể bứt phá như mong đợi do thiếu động lực tăng trưởng.
Peter Schiff, chuyên gia về tiền ảo, nhận định đà lao dốc của Bitcoin mới chỉ bắt đầu và Bitcoin sẽ còn giảm mạnh.
Đồng tiền mã hóa hàng đầu có thể về dưới 10.000 USD trong tương lai, theo Schiff. Đây không phải là lần đầu tiên trong năm nay Schiff dự đoán giá Bitcoin sẽ giảm xuống 10.000 USD.
Tháng 5/2022, ông Schiff từng cho rằng Bitcoin sẽ rơi tự do. Kết quả, đồng tiền mã hóa hàng đầu giảm mạnh từ 29.000 USD xuống 19.000 USD.
Một số áp lực vẫn đè nặng lên thị trường tiền mã hóa. Giới quan sát cho rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vẫn có thể nâng lãi suất mạnh tay dù lạm phát đã hạ nhiệt.
Mới đây, Chủ tịch FED chi nhánh Minneapolis Neel Kashkari cho biết, ông tin rằng ngân hàng trung ương Mỹ sẽ cần tiếp tục tăng lãi suất lên 3,9% vào cuối năm và 4,4% trong năm 2023.
Ngoài ra, giới đầu tư cũng ngần ngại hơn với thị trường tiền mã hóa sau hàng loạt bê bối của ngành công nghiệp. Ngành này đã chao đảo bởi sự sụp đổ của stablecoin (đồng tiền ổn định) terraUSD, hay còn gọi là UST, kéo theo một loạt công ty hoạt động trong lĩnh vực tiền mã hóa phá sản hoặc vỡ nợ.
Sau những bê bối mới nhất, các cơ quan quản lý có thể để mắt tới ngành công nghiệp hơn, từ đó tác động tiêu cực tới sức hút của loại tài sản này, theo giới quan sát.
"Hầu hết nhà đầu tư vẫn hoài nghi về đà phục hồi của thị trường tiền mã hóa", ông Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao tại Mỹ, nhận định.
Chia sẻ trên CNBC, Anthony Scaramucci, chuyên gia tài chính từ công ty đầu tư Skybridge Capital, cho rằng, tính đến hiện tại, các nguyên tắc cơ bản của Bitcoin vẫn là "khá tốt" đối với đầu tư dài hạn. Bên cạnh đó, thị trường cũng đang sở hữu các yếu tố có khả năng tạo ra một cú sốc về nhu cầu đối với tiền điện tử.
"Mọi người đều là nhà đầu tư dài hạn cho đến khi họ bị lỗ ngắn hạn", Scaramucci nói với CNBC.
Mặc dù đã phục hồi phần nào, nhưng giá Bitcoin vẫn lao dốc 65% so với mức đỉnh gần 69.000 USD/đồng được thiết lập hồi năm 2021.