- 7 tháng đầu năm, VLGF ghi nhận là quỹ có tỷ suất sinh lời cao trong các quỹ có quy mô trên 1.000 tỷ đồng, ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về kết quả đầu tư của VLGF?
- Về tổng quan, thị trường chứng khoán Việt Nam điều chỉnh mạnh trong nửa đầu năm 2022 do các yếu tố trong và ngoài nước. Các chỉ số thị trường cũng ghi nhận mức thanh khoản sụt giảm đáng kể.
Tuy vậy, Quỹ Đầu tư tăng trưởng dài hạn Việt Nam (VLGF) vẫn có hiệu suất vượt trội. Tỷ suất lợi nhuận kể từ đầu năm là âm 2,64%, tốt hơn mức giảm của VN-Index là 14,9% (tính đến ngày 16/8).
- Theo ông, nhờ đâu quỹ VLGF có kết quả khả quan như vậy?
- Chúng tôi luôn tuân thủ chiến lược đầu tư dài hạn của quỹ, hiểu rõ từng khoản đầu tư trong danh mục đồng thời theo sát tình hình các doanh nghiệp, tình hình kinh tế vĩ mô để phân bổ danh mục một cách tối ưu.
Như trong tháng 7 vừa qua, chúng tôi đã rà soát kỹ lưỡng danh mục của VLGF và thực hiện các điều chỉnh cần thiết cho phù hợp với tình hình kinh tế vĩ mô hiện tại. Cụ thể là giảm tỷ trọng ở các cổ phiếu có tính chu kỳ bị ảnh hưởng bởi chi phí nguyên liệu đầu vào tăng và tăng tỷ trọng ở các doanh nghiệp có tính phòng thủ. Bên cạnh đó, VLGF giải ngân vào một số mã giảm quá mức trong khi doanh nghiệp vẫn tích cực và định giá hấp dẫn.
Quy trình quản trị danh mục chặt chẽ và mang tính kỷ luật từ khâu nghiên cứu lựa chọn cơ hội đầu tư, thực hiện giao dịch, quản trị rủi ro, giám sát... cũng là một trong những yếu tố quan trọng giúp VLGF duy trì tỷ suất đầu tư vượt trội lâu dài.
Tóm lại, có được kết quả trên cũng như khả năng duy trì hiệu quả đầu tư vượt trội trong dài hạn là nhờ sự tổng hòa của nhiều yếu tố bao gồm đội ngũ, quy trình, chiến lược đầu tư và cơ hội thị trường.
- Hiện VLGF phân bổ danh mục đầu tư vào những ngành nào, thưa ông?
- Các nhóm chiếm tỷ trọng lớn trong danh mục tiện tại của VLGF lần lượt là tài chính ngân hàng, công nghệ thông tin và tiện ích, ngoài ra quỹ cũng duy trì một tỷ trọng tiền mặt để thực hiện giải ngân khi có cơ hội tốt.
Trong tháng 7 nhóm Tài chính bắt đầu có sự khởi sắc rõ nét khi tăng 5,3% sau nhiều tháng trầm lắng, giúp thị trường lấy lại trạng thái cân bằng khi VNIndex tăng 0,7%. Tính riêng Q2/2022, tổng lợi nhuận của các ngân hàng niêm yết ghi nhận tốc độ tăng trưởng khoảng 36% so với cùng kỳ và là nhóm có đóng góp tích cực nhất trong bức tranh lợi nhuận toàn thị trường.
Nếu tính từ đầu năm, nhóm ngành Công nghệ thông tin là nhóm duy nhất đạt tăng trưởng dương 5,5%.
Quỹ đang nắm giữ tỷ trọng tiền mặt ở mức lớn khoảng 20% để giữ sự chủ động trước những biến động có thể xảy ra trước khi thị trường quay lại xu hướng tăng dài hạn.
- Giữa một tập hợp đa dạng quỹ mở như hiện nay, theo ông đâu là điểm khác biệt để nhà đầu tư lựa chọn rót vốn vào VLGF?
- Trên thị trường có nhiều sản phẩm phục vụ nhu cầu khác nhau của nhà đầu tư. Tuy nhiên, mỗi quỹ đều có mục tiêu đầu tư, chiến lược và phong cách đầu tư khác nhau, phù hợp với mục tiêu và khẩu vị rủi ro khác nhau của nhà đầu tư.
Hai quỹ tương đồng về chiến lược và quy mô nhưng được quản lý bởi các đội ngũ đầu tư khác nhau cũng có thể dẫn đến hiệu suất đầu tư khác nhau.
Có thể hiểu như sau, Quỹ mở trái phiếu phân bổ đầu tư chủ yếu vào các tài sản thu nhập cố định (trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi...), do vậy thường có mức rủi ro thấp hơn, độ biến động thấp hơn và kèm theo là mức lợi suất kỳ vọng thấp hơn.
Các ETF cổ phiếu thường có chiến lược đầu tư thụ động, mô phỏng theo biến động của chỉ số cổ phiếu trên thị trường (VN30, VNDiamond, VNFinlead...). Các cổ phiếu trong danh mục của quỹ không cần trải qua quá trình đánh giá phân tích riêng biệt về yếu tố cơ bản, mà thường được phân bổ theo tỷ trọng của cổ phiếu đó trong chỉ số. Do vậy hiệu suất đầu tư của ETF tương đồng với biến động của chỉ số thị trường.
Còn nếu so với các quỹ mở cổ phiếu khác, mỗi đơn vị sẽ có chiến lược đầu tư khác nhau, quy mô tài sản và cách phân bổ tài sản khác nhau tùy theo phong cách đầu tư của công ty quản lý quỹ cũng như người quản lý quỹ. Nhà đầu tư cần xác định rõ mục tiêu đầu tư, khẩu vị rủi ro của bản thân, mức độ uy tín của đơn vị quản lý... để lựa chọn quỹ mở phù hợp.
Như tính từ đầu năm đến hết tháng 7 vừa qua, cùng là quỹ mở cổ phiếu theo phong cách đầu tư chủ động như VLGF, nhiều quỹ có mức lợi nhuận âm 22%-23%, cá biệt có quỹ âm ~28%. Trong cùng giai đoạn, VLGF cũng ghi nhận lợi suất âm, nhưng với cách nhìn nhận và chiến lược phân bổ thận trọng trong thời gian qua, mức âm của VLGF chỉ 5.5%, thấp hơn đáng kể so với mức sụt giảm chung của thị trường....
- Vậy còn điểm khác biệt với những sản phẩm Quỹ khác của SSIAM như quỹ mở trái phiếu, cổ phiếu, ETF?
- Tuy đều là sản phẩm do SSIAM quản lý, song hiệu suất đầu tư có thể khác nhau do mỗi quỹ có các đặc điểm khác nhau, tùy theo loại quỹ (cổ phiếu, trái phiếu), chiến lược đầu tư của quỹ (chủ động, thụ động), quy mô của quỹ.... và tất nhiên có thể còn do đội ngũ quản lý khác nhau.
Ví dụ, so với quỹ mở cổ phiếu SSI-SCA, VLGF có quy mô tổng tài sản lớn hơn và tập trung nhiều hơn vào các cổ phiếu large-cap đầu ngành, có thanh khoản cao, trong khi đó SSI-SCA có thể phân bổ nhiều hơn vào các cổ phiếu midcap có tiềm năng tăng trưởng cao.
Nói rõ hơn, VLGF là quỹ mở đầu tư cổ phiếu do SSIAM quản lý, có chiến lược chủ động (hướng đến mức tỷ suất lợi nhuận vượt trội so với thị trường), lựa chọn đầu tư vào các cổ phiếu được đánh giá là tốt nhất thị trường, có tỷ trọng phân bổ tài sản linh hoạt nhằm gia tăng giá trị một cách bền vững cho nhà đầu tư.
Ngoài quỹ mở cổ phiếu, SSIAM còn đang quản lý 3 quỹ ETF là ETF SSIAM VNFin Lead, ETF SSIAM VN30, ETF SSIAM VNX50, nhằm phục vụ cho các NĐT có nhu cầu đạt được sự đa dạng hóa danh mục ở một nhóm cổ phiếu trong chỉ số tương ứng là VNFIN LEAD, VN30 và VNX50.
Đối với nhà đầu tư có nhu cầu bảo toàn vốn trong khi vẫn có một mức thu nhập cố định thì có thể đầu tư vào sản phẩm quỹ mở trái phiếu SSIBF của SSIAM.